Cơ sở tẩm quất điều trị cho người bệnh bằng cách giẫm đạp của bà Phạm Thị Phú - người được đồn thổi là "cô Phú Bồ tát" sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Thời gian qua, hình ảnh bà Phạm Thị Phú (TP Sông Công, Thái Nguyên) - người được đồn thổi là "cô Phú Bồ tát" giẫm lên người bệnh để điều trị đã gây phản cảm, bức xúc cho nhiều người. Ngày 16.9, UBND TP Sông Công đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hoạt động tại cơ sở tẩm quất Ban Mai do bà Phú đứng tên.
Người bệnh nằm dài để bà Phạm Thị Phú thực hiện động tác xoa bóp, đi trên lưng
Chiều cùng ngày, ông Đặng Mộng Điệp - Phó Chủ tịch UBND TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã trả lời báo chí các vấn đề liên quan đến việc hoạt động tại cơ sở tẩm quất của bà Phú.
Ông Đặng Mộng Điệp cho biết UBND TP sẽ yêu cầu tạm dừng hoạt động cơ sở của bà Phạm Thị Phú
Thưa ông, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND Thành phố Sông Công đã ghi nhận những vấn đề gì tại cơ sở tẩm quất của bà Phạm Thị Phú?
Tại thời điểm kiểm tra cơ sở không gây mất an ninh trật tự, không mất an toàn vệ sinh, bà Phú cũng không tổ chức hoạt động tẩm quất. Tuy nhiên theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, bà Phú đã thực hiện. Qua những thông tin hình ảnh đã được phản ánh, chúng tôi cho rằng hoạt động bà Phú rất phản cảm.
Quan điểm của UBND TP trong thời gian tới đây sẽ ra văn bản tạm dừng hoạt động cơ sở của bà Phú. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn điều tra xác minh và xin ý kiến Sở Y tế Thái Nguyên. Nếu phát hiện bà Phú hoạt động không đúng với ngành nghề kinh doanh cấp phép, vi phạm luật khám chữa bệnh thì UBND TP sẽ ra văn bản xử lý theo quy định pháp luật.
Thưa ông, năm 2010, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định dừng hoạt động khám chữa bệnh của bà Phú vì lí do gì? Và tại sao bây giờ cơ sở này lại được tiếp tục hoạt động?
Trước năm 2010, bà Phạm Thị Phú thực hiện việc khám chữa bệnh theo đề tài nghiên cứu khả năng khám chữa bệnh của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Sau nhiều năm vẫn không có kết quả chính thức.
Trước phản ánh việc khám chữa bệnh của bà Phú không phù hợp phong tục, không có cơ sở khoa học và gây phản cảm, UBND tỉnh đã ra quyết định dừng không thời hạn hoạt động nghiên cứu đó. Hiện nay, cơ sở của bà Phú hoạt động dưới danh nghĩa “ xoa bóp, tẩm quất”.
Mỗi ngày, cơ sở của bà Phú tếp nhận hàng trăm người đến trị liệu
Theo ông, cơ sở của bà Phú hoạt động không thu phí nhưng lại rất quy mô, mỗi ngày có hàng trăm người kéo đến và có những hoạt động điều trị kỳ quái có phải là bất thường hay không?
Chúng ta có thể đặt dấu hỏi nghi vấn nhưng để ra văn bản pháp quy phải có đầy đủ cơ sở. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho thẩm tra, xác minh. Mặc dù những hình ảnh giẫm đạp đã được đăng tải là phản cảm nhưng để xác định và xử lý theo quy định Luật Khám chữa bệnh thì phải tiếp tục kiểm tra xác minh.
Những hình ảnh đã đăng tải không thể chối cãi được rồi, tẩm quất nếu nằm trên giường, trên phòng chứ không phải như thế. Như tôi đã nói, trước mắt ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ ban hành văn bản tạm đình chỉ trong thời gian khoảng một tháng và xin ý kiến Sở Y tế Thái Nguyên.
Mỗi ngày có hàng trăm người đến cơ sở tẩm quất Ban Mai nhưng tại đây chỉ có một kỹ thuật viên là bà Phú, theo ông, điều này có bình thường hay không?
Theo pháp luật hiện hành, không quy định phải có bao nhiêu kỹ thuật viên trong cơ sở tẩm quất. Tuy nhiên theo phản ánh, cũng không phải bà Phú một lúc điều trị cho tất cả khách mà theo thứ tự lần lượt. Thậm chí có người phải đợi tới 2 ngày mới được tẩm quất.
Những người đến cơ sở của bà Phú hầu hết đều là người bệnh, vậy mô hình cơ sở tẩm quất có phải là trá hình để che giấu hoạt động khám chữa bệnh hay không thưa ông?
Trước mắt, chúng tôi khẳng định việc bà Phú xin đăng ký hoạt động tẩm quất là đủ hồ sơ và điều kiện. Việc có trá hình hay không chúng tôi sẽ giao các cơ quan tiếp tục xác minh, nếu có việc trá hình sẽ dứt khoát phải xử lý theo quy định pháp luật.
Trước năm 2010, bà Phạm Thị Phú thực hiện việc khám chữa bệnh theo đề tài nghiên cứu khả năng khám chữa bệnh của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, ngày 22.7.2010 UBND Thị xã Sông Công (cũ) yêu cầu bà Phú đình chỉ ngay các hoạt động khám chữa bệnh trên cơ thể con người do không có giấy phép hành nghề y dược tư nhân được cấp có thẩm quyền cấp theo quy định, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát cơ sở. Ngày 16.4.2012, bà Phạm Thị Phú đứng tên chủ hộ kinh doanh Ban Mai đăng ký một số ngành nghề như tẩm quất , dịch vụ kinh doanh ăn uống và được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Sau đó, bà Phú tiếp tục đề nghị cấp đổi giấy phép đăng ký kinh doanh điều chỉnh một số ngành nghề: dịch vụ tẩm quất, kinh doanh nhà nghỉ, hàng tạp hóa, thực phẩm ... UBND Thành phố Sông Công cho biết qua các lần giám sát kiểm tra trong năm 2013 - 2014 chưa phát hiện bà Phú có biểu hiện vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động. |