Theo các chuyên gia, việc giẫm chân chữa khỏi bệnh ung thư là trò mị dân, "mê tín, dị đoan" và phản khoa học.
Chữa bệnh ung thư bằng các phương pháp như “đuổi tà, trừ ma”, nghe theo những bài thuốc truyền tai hoặc gia truyền nào đó không phải là điều mới mẻ đối với các bệnh nhân ung thư ở nước ta. Điều này, đã được các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, nhưng vẫn còn rất nhiều người bệnh “u mê” đặt niềm tin và “đánh cược” mạng sống của mình với nhưng phương pháp chữa bệnh phản khoa học.
Nói về tình trạng này, GS.TS Nguyễn Bá Đức – nguyên GĐ Bệnh viện K Trung ương, đồng thời là Phó chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cũng phải thốt lên rằng: “Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ người chữa bệnh ung thư phản khoa học nhiều nhất thế giới”.
Ý kiến này của GS Nguyễn Bá Đức lại một lần nữa được chứng minh, khi thời gian gần đây trên rất nhiều trang mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh “cô” Phú (tên thật là Phạm Thị Phú) ở Sông Công – Thái Nguyên chữa bệnh (trong đó có bệnh ung thư) bằng cách giẫm chân lên người bệnh để truyền năng lượng giúp thuyên giảm bệnh tật.
Người bệnh đang "dài cổ" đợi Cô Phú xoa bóp với hy vọng khỏi bệnh. Ảnh chụp trong ngày 15/9.
Theo ghi nhận của phóng viên tại cơ sở này, nhiều người mắc bệnh ung thư, trong đó có cả những người mắc ở giai đoạn cuối đến “nhờ cửa cô” với hy vọng khỏi bệnh.
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, bà Phạm Thị Phú khẳng định, không khám chữa bệnh mà chỉ là mát xa, tẩm quất theo đúng giấy phép đã được thành phố cấp. Dù giải thích là vậy, nhưng những người bệnh tìm đến đây là có thật và không cần biết đằng sau đó là chữa bệnh hay tẩm quất, mát xa.
Để ghi nhận ý kiến đa chiều về vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo các nhà chuyên môn, bác sĩ chuyên khoa trong ngành.
PGS.TS Bùi Công Toàn – Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương khẳng định: “Báo chí sẽ còn tốn nhiều giấy mực về vấn đề này, đây cũng chính là lý do vì sao tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam tìm đến các cơ sở điều trị đều đã ở giai đoạn muộn ngày một tăng cao”.
Còn GS Nguyễn Bá Đức giải thích: “Nhiều người bệnh tin vào mắc ung thư là do kiếp trước mắc tội gì đó(?) bây giờ phải cam chịu. Đa phần họ không hiểu, mắc ung thư là do môi trường sống, lối sống không hợp vệ sinh gây ra”.
Quay trở lại vấn đề “cô” Phú, PGS.TS Nguyễn Công Toàn phân tích: “Nói một cách khách quan, day huyệt cũng là một liệu pháp điều trị, nhưng phải khẳng định lại rằng, liệu pháp đó chỉ có tác dụng hỗ trợ, chứ chưa bao giờ, xoa bóp, bấm huyệt chữa được ung thư”.
“Hơn nữa, xoa bóp bấm huyệt cũng phải có bài bản, phải được đào tạo, chứ không thể có chuyện giẫm chân lên người bệnh day day mà lại có tác dụng như trường hợp trên”, PGS Toàn cho biết.
Vẫn là phương pháp lột áo, tụt quần và dẫm chân quen thuộc của Cô Phú.
Cuối cùng, PGS Toàn khuyến cáo, người dân khi phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc những biều hiện nghi ngờ của bệnh ung thư nên đến các bệnh viện chuyên khoa để làm xét nghiệm và có hướng điều trị kịp thời càng sớm càng tốt.
“Việc tin vào những trò mị dân, “mê tín, dị đoan” không những tốn tiền, hao của mà bệnh sẽ càng nặng hơn”, PGS Toàn cảnh báo.
Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên diễn đàn: “Bác sĩ nội trú” BS Nguyễn Vũ (chuyên ngành Tâm thần học) cho biết, mọi người nên cẩn thận và tránh sa đà, mắc bẫy chiêu bài chữa bệnh không có cơ sở khoa học.
Theo đó, BS Nguyễn Vũ phân tích, những người tâm thần, thường là những người mắc bệnh hoang tưởng, rất hay tự coi mình là thánh, và trong trường hợp này là “Cô Phú Bồ Tát”. Khi nói chuyện với người đối diện, họ thực sự có tài ăn nói và thuyết phục người khác rất giỏi, nhất là với những người đang có vấn đề khúc mắc về tâm lý (lo lắng về bệnh tật), cộng thêm sự cổ vũ động viên của những người quá mê tín... đã khiến cho câu chuyện về “Cô Phú Bồ Tát” thêm phần huyền bí và lan truyền
Hơn nữa, đối với những người bệnh mạn tính thì thường có tình trạng căng thẳng tâm lý (stress) đã khiến cho tình trạng bệnh thêm “nghiêm trọng”, họ sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để mong sức khỏe tốt lên. Nếu chỉ cần được tư vấn tốt, được ở trong một môi trường tốt... giúp cho tâm lý không căng thẳng là họ đã cảm nhận được sức khỏe có cải thiện rồi.
Trong trường hợp “Cô Phú Bồ Tát” chữa bệnh cũng vậy, chẳng có gì là cao siêu cả, có chăng đây cũng giống như là một liệu pháp tâm lý giúp người bệnh đỡ căng thẳng tâm lý. Nhưng cái nguy hiểm ở đây là nhiều người có bệnh sẽ lầm tưởng là được “Cô Phú Bồ Tát” chữa khỏi, nên sẽ không đi khám và điều trị khiến cho bệnh sẽ ngày một tiến triển nặng, tiến triển tới giai đoạn muộn và vô phương cứu chữa.