Những bước chân vội vã, những gương mặt ướt đẫm mồ hôi, sự mệt mỏi sau một chặng đường dài gần như tan biến khi các bác sĩ tất bật bắt tay vào chẩn đoán, phẫu thuật cho các nạn nhân vụ sập cầu Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu).
Trước khối lượng công việc đồ sộ, nhiều bác sĩ đã phải thức thâu đêm để “trực chiến” chăm sóc các bệnh nhân.
Các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cho các nạn nhân vụ sập cầu. Ảnh: PV
Chứng kiến sự hy sinh thầm lặng ấy, nhiều người thân của các nạn nhân đã không cầm được nước mắt...
Quên ăn, quên nghỉ
Khoảng 12 giờ ngày 25/2, đoàn bác sĩ gồm 25 người từ các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai đã có mặt tại Lai Châu. Không kịp nghỉ ngơi, cả đoàn lên xe chuyên dụng để nhanh chóng về Bệnh viện Đa khoa Lai Châu, Bệnh viện huyện Tam Đường, nơi có hàng chục nạn nhân trong vụ sập cầu Chu Va 6 đang chờ họ đến cứu chữa. Những bước chân vội vã, những gương mặt ướt đẫm mồ hôi, sự mệt mỏi gần như tan biến khi các bác sĩ tất bật bắt tay vào chẩn đoán, thăm khám cho từng bệnh nhân.
Thủ tướng tặng Bằng khen cho 2 bệnh viện Cùng ngày Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, hôm 27/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 311/QĐ-TTg về việc tặng Bằng khen của Thủ tướng cho tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) vì thành tích xuất sắc trong công tác cấp cứu các nạn nhân sập cầu treo tại huyện Tam Đường (Lai Châu). Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cử những chuyên gia y tế hàng đầu từ 2 bệnh viện trên lên hỗ trợ các bác sĩ tại Lai Châu nhằm cứu chữa kịp thời cho các nạn nhân vụ sập cầu hôm 24/2. Việt Nguyễn |
BS Hoàng Ngọc Tuyến (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu) cho biết, đơn vị tổ chức cấp cứu 4 bệnh nhân bị chấn thương nặng gồm: Trang A Thành (28 tuổi, chấn thương sọ não và vỡ gan, mật, lá lách); Vàng A Su (45 tuổi, chấn thương sọ não, gãy xương); Hàng A Khái (65 tuổi, gãy xương sườn); Hàng A Linh (25 tuổi, chấn thương sọ não, gãy xương cẳng chân phải). Hiện những bệnh nhân này đang dần bình phục, không còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn cần phải theo dõi sát sao để đưa ra hướng điều trị tích cực nhất.
“Do đặc thù của Khoa Hồi sức cấp cứu là nơi tiếp nhận những bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe nguy hiểm, nên chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng ảnh hưởng đến mạng sống bệnh nhân. Khó khăn nhất chính là ngày đầu tiên tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện, lượng người chuyển đến liên tục, trong khi chỉ có 25 nhân viên y tế. Để đảm bảo công tác khám, cấp cứu kịp thời, tất cả y, bác sĩ đều được huy động và chia làm 4 kíp, 3 ca thay nhau làm việc liên tục, không có thời gian ăn nghỉ. Đến thời điểm này không có bệnh nhân bị tử vong thêm làm chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”, BS Tuyến xúc động nói.
Chia sẻ về những khó khăn của các đồng nghiệp tại tỉnh Lai Châu, BS Đào Xuân Cơ (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, dù lần đầu phải tiếp cận một lượng bệnh nhân lớn, dồn dập nhưng các y, bác sĩ ở địa phương đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Đến nay, các bệnh nhân đã cơ bản ổn định nhưng các bác sĩ vẫn không được phép chủ quan với bất cứ trường hợp nào. “Hiện đoàn các bác sĩ tuyến Trung ương đã thăm khám, khảo sát từng trường hợp bệnh nhân trong vụ tai nạn.
Trong số 28 bệnh nhân đang điều tại Bệnh viện Đa khoa Lai Châu có 12 người bị thương rất nặng, trong đó có 3 bệnh nhân bị chấn thương sọ não vẫn phải thở máy. Hai ngày qua, chúng tôi đã làm việc hết sức tích cực, thậm chí nhiều cán bộ y tế đã thức cả đêm để theo dõi, điều trị cho những bệnh nhân nặng”, BS Cơ cho biết.
Nghẹn ngào nhớ ơn người thầy thuốc
Chỉ trong ngày 26/2, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa Lai Châu đã phẫu thuật 5 ca bị chấn thương tạng, gan, thận, gãy xương đùi. Đặc biệt, trong những ngày tới, các bác sĩ sẽ phải thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề là hồi sức cho những bệnh nhân sau mổ hoặc phẫu thuật cho những bệnh nhân chưa được mổ...
Nói về những khó khăn của đội ngũ y, bác sĩ trong những ngày qua, BS Đỗ Văn Giang- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lai Châu khẳng định, sức khỏe người dân luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong ngày xảy ra sự cố, bệnh viện đã huy động tới gần một trăm cán bộ, nhân viên y tế phục vụ việc cấp cứu nạn nhân. Những người đang nghỉ phép, đi học cũng được tăng cường, bổ sung cho đội ngũ nhân viên bệnh viện.
Theo đó, cứ một tiếng đồng hồ nhân viên y tế báo cáo một lần cho Ban Giám đốc để có phương án xử lý nếu có tình huống xấu. “Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Lai Châu tiếp nhận cùng lúc số lượng bệnh nhân lớn như vậy”, BS Giang nói.
Trò chuyện với chúng tôi, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, chiều 26/2, Bệnh viện Việt Đức đã cử thêm đoàn công tác thứ hai gồm hai bác sĩ chuyên khoa cột sống, mang theo dụng cụ y tế cần thiết để kịp thời thực hiện ca mổ, cứu chữa cho nạn nhân. BS Hệ tâm sự: “Chỉ có đồng nghiệp mới hiểu nỗi vất vả khi họ phải trực tiếp giành giật mạng sống của những nạn nhân từ tay tử thần. Nhưng vì sức khỏe của nhân dân, vì nhiệm vụ nên ai cũng tạm thời quên cái khó khăn phía trước để giúp đỡ bệnh nhân. Bao giờ sức khỏe của bà con tiến triển tốt, chúng tôi mới cảm thấy yên lòng”.
Kể về những nỗ lực không biết mệt mỏi của các y, bác sĩ, ông Hàng A Nổ (67 tuổi, anh trai của bệnh nhân Hàng A Khái) nghẹn ngào: “Những ngày đầu do có nhiều bệnh nhân cần giúp đỡ nên các bác sĩ đã mải cứu người mà quên ăn, quên ngủ. Nhìn họ lần lượt thay nhau ăn vội bát mì tôm rồi lao ngay vào phòng cấp cứu khiến tôi rất cảm động. Các bác sĩ thức suốt đêm chăm sóc từng bệnh nhân, mỗi khi có người lên cơn đau là họ lại tất bật đến thăm khám”.
Đang chăm sóc em trai tại Khoa Hồi sức cấp cứu, anh Hàng A Chòng (28 tuổi, anh trai bệnh nhân Hàng A Linh) đau xót khi chứng kiến người em trai lên cơn co giật.
Có lẽ, nếu không có sự can thiệp kịp thời của đội ngũ bác sĩ, anh Linh khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. “Những lúc em trai tôi lên cơn co giật, các bác sĩ đã nhanh chóng có mặt, khống chế để tránh trường hợp bệnh nhân cắn vào lưỡi. Chính sự tận tâm của các bác sĩ khiến gia đình tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều. Hôm xảy ra vụ việc, số người chuyển đến cấp cứu dồn dập, các bác sĩ đã phải liên tục chạy từ tầng 5 xuống tầng 1 để đón bệnh nhân. Nhìn cảnh tượng các bác sĩ ướt đẫm mồ hôi khiến mọi người rất xúc động”.
Sau khi được phẫu thuật, anh Chảo A Sinh (29 tuổi, ở bản Chu Va 6, không giấu nổi sự xúc động trước sự quan tâm của các y, bác sĩ dành cho mình. Anh Sinh nói: “Vợ tôi đang chăm con nhỏ nên không thể túc trực bên cạnh. Nhưng nhờ sự quan tâm chăm sóc của các bác sĩ khiến chúng tôi yên tâm hơn trong quá trình điều trị”.
Nắm rõ tình hình thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Lai Châu, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường thêm 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng viên lên trợ giúp đồng nghiệp. Bởi lẽ, những ngày tới công việc còn rất nhiều nên cần thêm điều dưỡng có chuyên môn vững để chăm sóc bệnh nhân.
Ngoài ra, để cứu chữa các nạn nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã tặng Bệnh viện Đa khoa Lai Châu toàn bộ số thuốc, trang thiết bị mà đoàn đã mang lên, trong đó có 100 đơn vị máu và một loạt các thuốc hồi sức, hô hấp tuần hoàn khác. Đoàn công tác còn tự nguyện góp tiền và 16 phần quà tặng các bệnh nhân bị chấn thương nặng và những bệnh nhân nghèo bị bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện.
“Được sự phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai, 16 ca bị thương nặng đã được mổ thành công, cứu hơn chục nạn nhân thoát khỏi nguy kịch. Chưa bao giờ bệnh viện phải làm việc với cường độ cao như vậy. Nhưng điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là không còn bệnh nhân nào tử vong thêm nữa, đây được xem là một thành công của toàn bộ đội ngũ y tế trong những ngày qua”, BS Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lai Châu nói. |