Nhiều người dân lo lắng chi phí sinh hoạt sẽ “đội” lên, từ mớ rau, lạng thịt... cũng sẽ “mượn” cớ giá điện tăng để đồng loạt tăng giá.
Theo lộ trình, cuối tháng 3 này, giá điện tăng đến 8,36%, giá bán lẻ bình quân sẽ tăng lên 1.864,49 đồng/kwh.
Theo đó, việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người thuê nhà và những hộ kinh doanh nhỏ và lẻ. Mới đây giá xăng dầu cũng đồng loạt tăng mạnh, dự kiến cuối tháng 3 giá điện tăng, vì vậy người dân lo lắng tất cả sẽ có lần tăng giá với lý do giá điện tăng.
Cuối tháng 3 này, giá điện tăng đến 8,36%, giá bán lẻ bình quân sẽ tăng lên 1.864,49 đồng/kwh.
Chị N.T.T (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Hiện nay mình thuê nhà với giá điện là 4.000 đồng/số, có nơi thuê 5.000 – 6.000 đồng/số, mỗi tháng gia đình tôi sinh hoạt bình thường nhưng tiền điện là 700.000 đồng/3 người. Nếu giá điện tăng, đặc biệt trời sắp sang mùa hè thì chắc chắn chúng tôi phải cân đối lại chi tiêu, bởi tiền điện có thể tăng gấp đôi”.
Bên cạnh đó, với việc tăng giá điện, các chủ trọ cũng đồng loạt tăng giá cho thuê nhà hoặc nâng giá điện. Theo đó, nhiều chủ trọ có ý định tăng giá điện từ tháng sau, và đã thực hiện thông báo với nhiều người thuê trọ.
Bạn H.T.M (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Mình vừa nhận được thông báo từ chủ trọ về việc tăng giá tiền nhà từ tháng sau thêm 100.000 đồng/người. Họ bảo giá điện tăng nên tăng tiền nhà để bù vào. Nhiều người thắc mắc nhưng cũng không làm gì được bởi không tăng kiểu này thì người ta cũng sẽ tăng kiểu khác.”
Người dân lo lắng chi phí sinh hoạt sẽ tăng lên cùng với giá điện
Nhiều người dân lo lắng chi phí sinh hoạt sẽ đội lên, từ mớ rau, lạng thịt... cũng sẽ mượn cớ giá điện tăng để đồng loạt tăng giá. “Chắc chắn những mặt hàng thực phẩm hàng ngày sẽ tăng theo, nhà nhà người người “đua” nhau tăng giá cùng giá điện”, anh Nguyễn Tiến Quang (chủ cửa hàng sơn trên đường Mỹ Đình) bộc bạch.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Bộ Công Thương đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và đã được Chính phủ chấp thuận.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến sẽ tăng 8,36%, đưa giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng.kWh lên 1.864 đồng/kWh, từ cuối tháng 3 này.
Tính từ 2010 tới nay đã có 7 đợt điều chỉnh giá điện, trong đó lần gần nhất vào cuối năm 2017.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Tính từ 2010 tới nay đã có 7 đợt điều chỉnh giá điện, trong đó lần gần nhất vào cuối năm 2017. Ông Vượng cho rằng theo quy định lẽ ra năm 2018 phải có lần điều chỉnh giá điện nhưng tính tới cân đối kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… nên chưa điều chỉnh giá bán lẻ điện.
Theo công bố, năm 2017, EVN lãi hơn 2.730 tỷ đồng từ sản xuất, kinh doanh điện. Lượng điện thương phẩm ghi nhận gần 175 tỷ kWh. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 1.667 đồng một kWh, tăng 0,15% so với năm 2016. Ngoài ra, vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng chưa được đưa vào giá thành sản xuất điện năm 2017.
Cơ quan quản lý cũng tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Tuy nhiên, dù tăng từ mức 7,4 cent/kWh hiện nay tăng lên gần 8 cent/kWh, giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Theo lý giải của cơ quan quản lý, đề xuất tăng giá điện được xây dựng trên cơ sở các chi phí phát sinh thực tế trong sản xuất điện; khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá từ năm 2015 đến nay của ngành điện và các yếu tố khác.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.
Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN.