Tại khu vực giàn khoan ở vị trí mới, các tàu của Việt Nam duy trì đấu tranh cường độ cao.
Thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam chiều 28/5 cho biết, các lực lượng chấp pháp Việt Nam đã tiếp cận giàn khoan ở vị trí mới. Trước đó, ngày hôm qua (27/5), Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí mới cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý.
Tại khu vực giàn khoan ở vị trí mới, các tàu của Việt Nam duy trì đấu tranh cường độ cao ở khu vực cách giàn khoan khoảng 10-12 hải lý. Bên cạnh đó, ngư dân Việt Nam vẫn tích cực bám biển, sản xuất trên ngư trường truyền thống, dù bị tàu cá Trung Quốc xua đuổi, cản trở.
Phía Trung Quốc duy trì khoảng 120 tàu, trong đó 3 có 7 tàu quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng huy động 4 máy bay chiến đâu, bay ở độ cao 1.000-1.100m quanh khu vực giàn khoan.
Các tàu phía Trung Quốc tổ chức thành nhiều nhóm áp sát các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận giàn khoan, liên tục đâm va, đẩy phạm vi hoạt động của tàu Việt Nam từ 5-6 hải lý ra ngoài 10 hải lý.
Trong khi đó, tàu quân sự của Trung Quốc đã chia làm 2 nhóm để bảo vệ giàn khoan. Theo đó, một nhóm bảo vệ cách giàn khoan 8-10 hải lý, nhóm còn lại bảo vệ vòng ngoài, cản trở các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đáng lưu ý, vào ban đêm, các tàu quân sự này tắt đèn, thả trôi, gây nguy hiểm cho các tàu của Việt Nam.
Các loại tàu cá vỏ sắt Trung Quốc cũng tổ chức thành nhóm để cản trở, vây ép và đe dọa đẩy tàu cá của ngư dân Việt Nam ra khu vực cácjh giàn khoan 25-30 hải lý.
Trước đó, ngày hôm qua 27/5, trước động thái di chuyển giàn khoan 23 hải lý khỏi vị trí cũ, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: “Bất kể giàn khoan đặt ở chỗ nào, lực lượng Kiểm ngư của Việt Nam cũng đấu tranh đến cùng”.