Tết là dịp mua sắm lớn nhất trong năm, nhưng nếu không cẩn thận bạn sẽ dễ dính vào "bẫy" từ các cửa hàng hoặc tiêu quá nhiều tiền cho những món đồ không cần thiết.
Với tâm lý “Cả năm mới có cái Tết”, thời điểm cuối năm là lúc mà rất nhiều bà nội trợ hào hứng mua sắm cho cả gia đình. Tuy nhiên, nếu không biết cách khống chế chi tiêu, mua sắm một cách hợp lý, bạn có thể sẽ rơi vào một “ma trận”, tốn nhiều tiền mà sắm về những thứ không thực sự cần thiết.
Mua sắm tràn lan, quá nhiều đồ không cần thiết
Hàng hóa, thực phẩm vào dịp cuối năm bao giờ cũng phong phú mẫu mã, chủng loại, đa dạng. Hơn nữa, nhìn chung các bà nội trợ đều mong muốn sắm sửa một cái Tết tươm tất cho cả gia đình nên nhìn thứ gì cũng muốn “khuân” về nhà. Điều này thực sự là một sai lầm nghiêm trọng bởi không những nó khiến bạn có nguy cơ nhẵn ví mà còn thừa thãi, phí phạm khi mua về những thứ không thực sự hữu dụng. Có những thứ đồ trông rất đẹp mắt, hấp dẫn nhưng lại không phù hợp với gia đình bạn hoặc không cần thiết. Nếu không cân đối chi tiêu và lên kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ hao hụt tiền khá nhiều.
Điều mà các bà nội trợ nên làm trước mùa mua sắm dịp Tết chính là việc kiểm kê lại, lên danh sách những thứ cần phải mua. Hãy điểm lại một lượt ngôi nhà của bạn cần những gì, từ trang trí, trưng bày, vật dụng gia đình cho tới thực phẩm. Khi đó, bạn sẽ lên được một danh sách dự kiến để không bị bối rối, bỏ sót những đồ cần hoặc lãng phí tiền bạc vào những thứ không cần thiết.
Hãy lên một danh sách các món đồ cần mua cho dịp Tết để tránh mua tràn lan, lãng phí và nhẵn túi vì những món đồ không cần thiết (Ảnh minh họa)
Bản danh sách này bạn cũng nên gạch đầu dòng theo thứ tự ưu tiên giảm dần, cái gì cần trước thì đưa lên đầu. Lên danh sách này còn giúp bạn thuận tiện hơn khi mua sắm và quan trọng hơn cả là tiết kiệm được 15 – 20% tài chính, giảm thiểu những chi tiêu lãng phí.
Đợi đến những ngày giáp Tết mới bắt đầu mua sắm
Một số chị em thường có tâm lí để tới cận Tết mới đi sắm đồ, một phần vì cho rằng thời điểm đó sẽ có nhiều loại mặt hàng mới về hơn, một phần khác là do quá bận rộn. Nhưng thực tế càng sát ngày Tết, giá cả của một số mặt hàng càng tăng cao phi mã do nhu cầu mua sắm tăng lên chóng mặt, nhất là những mặt hàng thiết yếu. Lựa chọn thời điểm này để mua hàng không phải là quyết định sáng suốt.
Đặc biệt, khi càng cận Tết, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn ra thị trường nhiều, trong khi đó những mặt hàng hot được săn lùng thường nhanh hết sẽ khiến bạn khó có thể sở hữu được thứ mà mình mong muốn.
Tốt nhất, bạn nên mua sắm dần từ sớm, tính toán những mặt hàng có thể mua được trước mà không hỏng hóc, ôi thiu để tránh đến việc cận Tết mới mua, vừa chịu giá thành cao, vừa phải chen lấn, xô đẩy để mua hàng và rất có thể mua phải hàng kém chất lượng. Những đồ bạn có thể mua trước như đồ khô, nước uống, quần áo diện Tết, phong bao lì xì...
Bị hấp dẫn bởi chương trình sale nhưng không so sánh giá cả giữa các nhà bán
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, việc các cửa hàng thi nhau giảm giá để kích cầu. Đây thực sự là một “ma trận” khiến nhiều chị em lạc lối, không thoát ra được. Tuy nhiên, nếu không “tỉnh táo”, nhiều chị em sẽ rơi vào cảnh mua hàng tràn lan do quá hấp dẫn bởi con số giảm giá. Thêm vào đó, nhiều chị em thường bỏ qua việc so sánh mức giá ở các cửa hàng khác nhau dẫn dẫn đến việc tưởng mua được hàng rẻ nhưng thực tế thì không phải.
Nếu không “tỉnh táo”, nhiều chị em sẽ rơi vào cảnh mua hàng tràn lan do quá hấp dẫn bởi con số giảm giá dịp Tết (Ảnh minh họa)
Trong tình huống này, là một người mua hàng thông thái, bạn cần phải hết sức “bình tĩnh” khi lựa chọn mua đồ. Đầu tiên, không để con số giảm giá cuốn bạn đi. Chỉ mua những thứ thực sự cần thiết chứ đừng vì ham rẻ mà mua nhiều dù nó không hữu dụng. Thứ hai, sau khi quyết định được mặt hàng mình cần mua, còn thiếu, hãy dành thời gian dạo quanh 1 vòng để có sự cân đối, so sánh về mức giảm giá. Rất nhiều cửa hàng thường áp dụng chiêu đẩy giá lên cao để giảm nên nếu không có bước so sánh, có thể bạn mua về thứ cũng không hề rẻ.
Bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng
Gần Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm nhiều, đây cũng là lúc các đối tượng xấu lợi dụng cơ hội để lừa đảo. Không ít nhiều chị em đã bị mất tiền một cách cay đắng vì mua hàng qua mạng.
Một cô gái từng bị lừa hơn 1 triệu đồng sau khi chuyển tiền cho shop đặt hàng mà không hề nhận được hàng chuyển về (Ảnh minh họa)
Chiêu thức thường gặp là người mua sau khi lựa chọn được hàng xong sẽ chuyển khoản trước cho chủ shop và đợi vận chuyển hàng. Nhưng càng chờ càng… mất hút. Khi liên hệ lại thì khách hàng đã bị “chặn”, bị “block” từ bao giờ và không có cách nào liên lạc được. Sở dĩ có thể áp dụng được chiêu lừa đảo này là bởi vì hình thức mua hàng online, người bán và người mua không gặp được nhau nên nhiều bên kinh doanh chộp giật như vậy.
Để hạn chế tình trạng này, chị em nên có sự tham khảo kĩ về shop hàng online mà mình định mua. Cần xem những đánh giá, phản hồi của các khách hàng khác về thái độ phục vụ, chất lượng hàng hóa để quyết định giao dịch.
Mua quần áo xả hàng cuối năm cẩn thận dính hàng tồn, hàng lỗi
Đây cũng là một trong những tình huống “méo mặt” mà nhiều chị em trải qua. Tâm lí chung là Tết ai cũng muốn có quần áo mới nên không tiếc tiền chi cho mặt hàng thời trang. Các cửa hàng cũng vì thế mà tung các chiêu hút khách như xả hàng cuối năm với giá siêu hời. Chương trình này nghe qua có vẻ hấp dẫn nhưng hãy cẩn thận một chút nếu không bạn có thể “khuân” về nhà toàn đồ tồn kho của các năm trước, lỗi mốt hoặc thậm chí là những hàng may hỏng, may lỗi. Khi lựa chọn sản phẩm ở những cửa hàng, cần phải xem xét kĩ lưỡng, tỉ mỉ sản phẩm.
Quần áo mua qua mạng rất có thể rơi vào tình cảnh "treo đầu dê bán thịt chó" như thế này (Ảnh minh họa)
Nếu mua hàng công nghệ bị lỗi thì chuyện đổi trả còn dễ, nhưng hàng lỗi quần áo thì chuyện đổi lại cũng mệt mỏi, mất thời gian. Vì vậy, khi mua quần áo cần phải thử kỹ càng, xem từng đường kim mũi chỉ tránh để tiền mất tật mang.