Tết Việt và chuyện 'Dân Việt mù mờ Văn hóa Việt'

Ngày 22/02/2015 19:57 PM (GMT+7)

Vì họ luôn bị ám ảnh rằng Việt Nam bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên tất cả mọi thứ đều là du nhập từ Trung Quốc chứ mấy người dám nghĩ là Phong tục của Trung Quốc bị ảnh hưởng từ Việt Nam?

Ở phương Tây, hầu hết người ta gọi Tết (tiết giao thời) âm lịch là Chinese New Year, vì họ cho rằng Âm Lịch là do người Trung Quốc sáng tạo ra và lễ hội, phong tục những ngày Tết cũng xuất xứ từ Trung Quốc. Chuyện đó bình thường, ngay cả nhiều người Việt chúng ta cũng nghĩ thế huống gì là người châu Âu, châu Mỹ. Có điều, đó là một cách hiểu sai và chính người Việt đang khiến cái sai ấy trầm trọng hơn.

Tết Việt và chuyện #039;Dân Việt mù mờ Văn hóa Việt#039; - 1

Mừng tuổi là từ dùng chung của người Việt, ám chỉ một phong tục trong ngày Tết: trao cho người thân một “Món Quà” hoặc một “món tiền” tượng trưng hoặc đôi khi chỉ là một Lời Chúc để "mừng thêm một tuổi mới". (Ảnh minh họa)

Chúng ta hãy làm một phép thử, gõ từ Lì Xì vào công cụ tìm kiếm Google, kết quả trả về trong bách khoa toàn thư mở Wikipedia giải thích như sau: "Lì xì" có gốc là từ 利市 (lợi thị) trong tiếng Trung. Từ này phiên âm kiểu pinyin là lì shì.

Tiếp theo, chúng ta lại gõ vào google với 2 chữ "Mừng Tuổi", kết quả cái link Wikipedia về Lì Xì lại hiển thị đầu tiên và rất nhiều người Việt bấm vào đó để đọc và tin tưởng. Quá hoàn hảo để nhiều người đi đến kết luận: "Lì Xì hay Mừng Tuổi là một phong tục ngày Tết có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc".

Để tôi nói cho bạn nghe sự khác nhau của Lỳ Xì và Mừng Tuổi. Mừng tuổi là từ dùng chung của người Việt, ám chỉ một phong tục trong ngày Tết: trao cho người thân một “Món Quà” hoặc một “món tiền” tượng trưng hoặc đôi khi chỉ là một Lời Chúc để "mừng thêm một tuổi mới".

Lì Xì là từ người miền Nam Việt Nam thường dùng. Từ này được du nhập từ Trung Quốc khi những người Hoa di cư đến Việt Nam, nó ám chỉ việc trao cho ai đó (bất kể ngày nào, không riêng gì Tết) 1 cái phong bao đỏ trong đó có một món Tiền tượng trưng để chúc cho "may mắn, nhiều lợi lộc".

Gác lại vấn đề đó, điều quan trọng ở đây là gì? Là hầu hết chúng ta đều “học văn hóa lịch sử của dân tộc qua Google”. Muốn biết Trung Thu có nguồn gốc thế nào, tra Google, Google nói là từ Trung Quốc. Muốn biết Táo Quân có nguồn gốc thế nào, tra Google, Google lại đáp "từ TQ". Thậm chí muốn biết Kinh Dương Vương có nguồn gốc từ đâu thì tra Google, nó cũng bảo là dòng dõi một vị thần bên Trung Quốc.

Tết Việt và chuyện #039;Dân Việt mù mờ Văn hóa Việt#039; - 2

Lì xì ám chỉ việc trao cho ai đó (bất kể ngày nào, không riêng gì Tết) 1 cái phong bao đỏ trong đó có một món Tiền tượng trưng để chúc cho "may mắn, nhiều lợi lộc" (Ảnh minh họa)

"Dân ta phải biết sử ta. Cái gì không biết thì tra google", câu nói đùa nhưng thật buồn là nó lại đang đúng thật. Lỗi không tại Google, nó chỉ là cỗ máy tìm kiếm trên nền nội dung có sẵn, lỗi cũng không bởi định mệnh, có chăng đó là sự hời hợt khi đến với văn hóa, lịch sử nước nhà, có chăng đó là "tư duy nô lệ văn hóa" của những kẻ kiến tạo nội dung trên Internet.

Vì sao gọi là "tư duy nô lệ văn hóa"? Vì công thức chung của họ như sau: Muốn biết nguồn gốc của 1 phong tục ở Việt Nam => Tìm xem có phong tục nào tương tự ở bên Trung Quốc không => Nếu có, kết luận "Phong Tục đó có xuất xứ từ Trung Quốc". Vì họ luôn bị ám ảnh rằng Việt Nam bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên tất cả mọi thứ đều là du nhập từ Trung Quốc chứ mấy người dám nghĩ là Phong tục của Trung Quốc bị ảnh hưởng từ Việt Nam hay có những phong tục của hai nước vốn độc lập chả liên quan đến nhau.

Họ đưa ra các kết luận bằng lối tư duy “nô lệ” như vậy mà không thực sự thông qua một cuộc khảo cứu nghiêm túc, thậm chỉ không thèm tìm hiểu xem phong tục của Việt Nam có từ khi nào để đối chiếu về mặt thời gian, điều cơ bản nhất trong nghiên cứu về sự ảnh hưởng văn hóa. Các tài liệu lịch sử hàn lâm Việt Nam (tài liệu khảo cổ học, nhân chủng học, thư tịch cổ ...) mà tôi đọc được, chẳng có chỗ nào kết luận một vấn đề một cách hàm hồ như vậy cả.

Những nhà sử học chân chính, có những câu hỏi lịch sử được đặt ra cả hàng chục năm trời nhưng họ chỉ dám đưa ra các giả thuyết để "tạm trả lời", đó là chưa kể giả thuyết đó của họ được xây dựng trên nên một công trình nghiên cứu đồ sộ, đi đến từng ngóc ngách, đào xới từng mảnh đất, tìm đọc từng chữ trong các thư tịch cổ, nâng niu từng mẫu xương từng cổ vật.

Dân tộc ta chịu bao nhiêu thăng trầm, vì thế mà xuất hiện nhiều khoảng mờ, khoảng trắng trong dòng chảy lịch sử, có rất nhiều bí ẩn khó lòng làm sáng tỏ. Nhưng không thể vì sự khó khăn đó mà chúng ta vội vàng nhận vơ, đi lý giải mọi thứ bằng sự ảnh hưởng văn hóa từ một quốc gia mà họ chính là thủ phạm đem đất đá cát bụi phủ lên những chặng đường của dân tộc ta.

Trong bài viết này, tôi sẽ không bày ra đây những luận, chứng để kết luận: Người Việt vốn có một ngày Tết riêng mà không chịu ảnh hưởng du nhập từ bất cứ đâu. Vì tôi muốn các bạn cũng như tôi tìm đọc những tài liệu chính thống (có thể ngay bây giờ đọc lại tích Bánh Chưng - Bánh Giầy), những công trình nghiên cứu khoa học và nghiêm túc về lịch sử, văn hóa dân tộc, qua đó có kết luận của riêng mình. Bạn có thể dùng Google, nhưng hãy dùng nó 1 cách thông minh, nó là công cụ chứ không phải ông chủ của bạn.

Tết Việt và chuyện #039;Dân Việt mù mờ Văn hóa Việt#039; - 3

Tục gói bánh chưng - bánh dày của người Việt đã có từ rất xa xưa (Ảnh minh họa)

Tôi chỉ muốn nói hai điều:

1. Các bạn chưa hiểu đúng tầm vóc nền văn hóa gốc của dân tộc

Bạn nghĩ Văn Minh Lúa Nước chỉ là cây lúa? Không, đó còn là kỷ thuật làm nông cụ (khảo cổ học cho biết từ xa xưa chúng ta đã có những lưỡi cày được làm bằng đồng và nhiều loại nông cụ khác, cao hơn là kỹ thuật đúc đồng), đó là kỹ thuật thuần dưỡng vật nuôi (trâu, bò), đó là kỹ thuật trị thủy (tích Sơn Tinh - Thủy Tinh), đó là ẩm thực, là lễ hội văn hóa, là cách tính toán thời gian cho nông vụ . . .

Văn minh đồ đồng, phát triển từ rất sớm và cực thịnh ở Việt Nam, ngoài Trống Đồng, nếu bạn được nhìn thấy hình ảnh của những cổ vật (đã được xác định tuổi bằng phương pháp quang phổ), là từ thời Hùng Vương bạn chắc chắn sẽ ồ lên "quá tinh xảo" và bạn sẽ không thể nào nghi ngờ được sự phát triển vượt bậc của tổ tiên chúng ta thời đó. Người Việt cổ làm gì với lưỡi rìu bằng đồng? Họ có những căn nhà. Làm gì với mũi tên bằng đồng? Họ có những bữa tiệc thú rừng. Làm gì với cái đao bằng đồng? Họ có quân đội. Và hàng ngàn cổ vật khác có thể cho bạn thấy một đời sống thịnh vượng và phong phú của cư dân Văn Lang.

Bạn nghĩ sao nếu tôi nói thời đó người Việt chúng ta chỉ đóng khố, ăn lông ở lổ? Bạn nên nghi ngờ, bởi khảo cứu từ tranh Đông Hồ cổ và nhưng tượng người đúc đồng (thuộc văn hóa Đông Sơn) đã cho thấy trang phục của người Việt ngày đó không khác xa so với trang phục của phụ nữ miền Bắc cách đây tầm 100 năm là bao.

Bên cạnh đó việc phát hiện những chiếc trống đồng có hoa văn tương tự nhưng niên đại mới hơn ở các nước lân cận, chứng tỏ chúng đã có một sự giao thương rộng rãi. Những chiếc thuyền được khắc lại là mình chứng cho sự ra đời của nghề đánh cá từ xa xưa. Khi chúng ta đánh cá, trồng lúa, ... tức có những bữa ăn mà không cần phải lên rừng, trong khi những kẻ khác phải mài mông trên lưng ngựa mong một con nai ngây thơ gục ngã trước xế chiều, thì ai mới là man di mọi rợ?

Âm Lịch xuất xứ từ đâu, tôi không dám chắc, chỉ biết rằng bản thân tôi có thể nhìn độ ngắn dài của bóng mình mà đoán được giờ giấc, nhìn mức độ khuyết tròn của Mặt Trăng mà đoán được ngày tháng, vậy thì huống chi là tổ tiên chúng ta những người sáng tạo nên cả một Nền Văn Minh Lúa Nước rực rỡ.

Nếu có một dân tộc nào đó cần lịch (cách chia thời gian trong chu kỳ tuần hoàn của nó) thì một trong số đó là người Việt, bởi không một ngành nghề nào cần nó hơn nông nghiệp. Người Việt có thể không sáng tạo ra âm lịch, nhưng chắc chắn từ khi âm lịch chưa tồn tại trên đời hoặc nó chưa tìm đến VN thì họ đã sử dụng một loại lịch khác, có thể được quy định hẳn hoi, có thể chỉ bằng kinh nghiệm, truyền miệng hay các hình vẽ biểu trưng. Chắc chắn họ biết rằng bao lâu thì tiết trời lạnh giá của mùa Đông sẽ lặp lại, trong khoảng thời gian đó có bao nhiêu lần trăng tròn.

Tết Việt và chuyện #039;Dân Việt mù mờ Văn hóa Việt#039; - 4

Hình ảnh những hoa văn trên chiếc trống đồng Đông Sơn phản ánh phần nào đời sống của người Việt cổ (Ảnh minh họa)

2. Bạn chưa hiểu hết người Việt (chưa hiểu chính bạn)

Hầu hết những thư tịch cổ của người phương Bắc ghi chép lại (trong đó có bản chép của Khổng Tử), ngoài những chổ họ gọi người phương Nam là man di thì đều có một điểm chung đó là "người phương Nam tính tình thuần hậu, thích nhuộm răng, xăm mình, thích ca hát nhảy múa". Điều đó Hẳn nhiên đúng, những con người ngày ngày bên những thửa ruộng, trên những con sông thì họ dĩ nhiên hiền hòa, đôn hậu, bộc trực, chất phác.

Đó cũng là lý do lý giải cho việc chúng ta bị xâm lược một cách dễ dàng và bị đô hộ cả ngàn năm, nhưng một nền văn hóa gốc mạnh mẽ lại lý giải cho việc không những sau một ngàn năm bị đô hộ chúng ta không quên nguồn cội mà còn tích lũy nên tình thần bảo vệ cương thổ và sự tồn vong của giống nòi một cách mãnh liệt hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.

Nghiên cứu về hoa văn trên mặt Trống Đồng, người ta cho rằng đó là những hình vẽ phản ánh lại những sinh hoạt của người dân trong một năm, theo mùa. Những lễ hội (cầu mưa, phồn thực ...) đã được tổ chức trong khoảng giữa các vụ mùa (nông nhàn), tất nhiên Tết của chúng ta cũng vậy, bạn có thể thấy sau Tết Nguyên Đán ngày nay là một vụ mùa mới.

Nhắc đến Trống Đồng bạn nghĩ có là một cổ vật, nhưng thời đó nó là một nhạc cụ, không chỉ là nhạc cụ, nó là nhạc cụ phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng. Cồng chiêng, chuông, trống da, phách ... đều là những nhạc cụ cộng đồng và đều đã xuất hiện từ thời Hùng Vương. Người ta làm gì với những nhạc cụ như vậy? Dĩ nhiên là nhảy múa. Trên mặt một vài chiếc trống đồng còn có những cái quai, tác dụng của nó có thể là để thòng dây vào và quảy đi phục vụ cho các lễ rước.

Người Việt đặc biệt yêu thích âm nhạc (không chỉ là các nhạc cụ mà còn các thể loại hát lý, hò, hát giao duyên ... ) và những lễ hội. Và chính các lễ hội cổ truyền làm nên văn hóa Việt.

Kết lại:

Có thể văn hóa nước ta bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa TQ, nhưng hãy tự hào vì tổ tiên chúng ta đã tạo ra một nền tảng đủ để văn hóa Việt sống khỏe mà không cần vay mượn. Một điều tôi vẫn thường nói, khi bạn lớn lên bạn ăn cơm, xôi, bánh chưng, miến, phở, bánh ướt, bánh bèo, bánh xèo, bánh khọt ... (những món ăn làm từ lúa gạo) thì bạn đã được nuôi lớn bởi nên văn minh lúa nước. Nó ở xung quanh bạn, mọi lúc mọi nơi, hãy cảm nhận nó, khi bạn thấy mình ssống trong đó, bạn là một người Việt, và dù có xem phim Nhật, nghe nhạc Hàn, trang điểm kiểu Trung, ăn mặc kiểu Tây thì bạn vẫn không đánh mất chính mình. Chúng ta có mọi thứ đủ để xây lòng tự tôn dân tộc.

Lời tòa soạn:

Những ngày qua, trên nhiều diễn đàn mạng đã nổ ra những cuộc tranh luận về việc sử dụng cụm từ "Chinese New Year" hay "Lunar New Year" để nói về Tết âm lịch cổ truyền của Việt Nam mới là chính xác. Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả - tác giả Đông Tuyền về chủ đề của cuộc tranh luận và những suy nghĩ của tác giả về vấn đề nghiên cứu, học tập, tìm hiểu văn hóa Việt Nam trong giới trẻ hiện nay.

Tiêu đề do Infonet đặt lại.

Theo Đông Tuyền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan