Tha rác về chất đầy nhà, người phụ nữ làm thành sản phẩm đẹp không tưởng, ai cũng mê mẩn
Từ những sản phẩm làm chơi, tặng bạn bè làm quà trang trí cho vui, chị Hoa đã có riêng cho mình một tiệm nhỏ chuyên bán đồ handmade tái chế để vừa thỏa đam mê sáng tạo vừa góp phần giảm nhựa bảo vệ môi trường.
Từng có kinh nghiệm làm về đồ thủy tinh mỹ nghệ và trang trí sứ, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (53 tuổi, Hải Phòng) tập tành làm đồ handmade được gần 4 năm nay. Bắt đầu từ những nguyên liệu truyền thống để làm chủ yếu trang trí, tặng bạn bè người thân, dần dần chị phát hiện thêm nhiều vật liệu có thể tái chế thành sản phẩm đẹp không thua kém mà còn hữu ích với cuộc sống, môi trường.
“Lúc đầu tôi làm cũng chỉ giết thời gian chơi thôi, để thử nghiệm nên làm xong sản phẩm tôi thường khoe lên group trên facebook và may mắn nhận được những phản ứng tích cực”, chị vui vẻ nói.
Khởi đầu là chai lọ thủy tinh, những vật liệu đơn giản có thể cắt, mài rồi vẽ lên trang trí cũng rất đẹp, sau đấy chị Hoa phát hiện những chai lọ nhựa có độ trong gần giống thủy tinh nhưng kích thước và kiểu dáng phong phú, đa dạng lại dễ tìm hơn. Đây là nguyên liệu giúp người làm dễ dàng sáng tạo theo ý mình, và quan trọng nhất là chai lọ nhựa đã qua sử dụng một lần thì hầu như nhà nào cũng sẵn có. Thay vì vứt đi, chúng ta có thể hô biến chúng thành những vật dụng dùng lâu dài hơn hay những món quà trang trí ý nghĩa.
Chị Hoa cho biết gần đây chị bắt đầu tập trung vào dòng nguyên liệu khác là túi nylon. “Tôi thật sự bị ấn tượng và thu hút bởi những ứng dụng thú vị của nó. Nylon cơ bản có thể làm các loại hoa, tuy hơi khó làm nhưng khi quen tay xử lý thì kết quả đem lại rất xứng đáng và mãn nhãn. Tôi cũng đang chuyên tâm mày mò làm thêm nhiều ứng dụng từ loại phế liệu phổ biến nhưng khó phân hủy này”.
Một số sản phẩm tái chế của chị Hoa từ túi nylon
Chẳng hạn, túi nylon có thể làm đèn trang trí, túi đi chợ, tranh vẽ từ túi nylon cũng không kém phần đặc biệt. Loại tranh này đòi hỏi người làm kiên nhẫn, từng lớp nylon tùy theo sản phẩm mình thể hiện mà phủ lên 3 -4 lớp rồi được ủ nhiệt bằng bàn ủi qua một lớp giấy. Màu sắc đậm nhạt do cách đặt những tấm nylon khác màu lên nhau.
“Muốn làm bông hoa cho thật tự nhiên thì cánh phải mềm mại và có màu sắc tươi tắn. Một bông hoa có thể là nhiều tông màu như hồng đậm, hồng vừa và hồng nhạt. Để làm hồng đậm, tôi dán 3 lớp nylon màu hồng, hồng vừa thì dán 2 lớp hồng kèm một lớp nylon trắng trong ở giữa, hồng nhạt thì phối 2 lớp nylon trắng trong và 1 lớp màu hồng ở giữa. Càng làm tôi càng phát hiện ra túi nylon có những đặc tính rất thú vị. Thành phẩm từ túi nhựa cho ra những cánh hoa mong manh, trong trẻo khác hẳn hoa giấy hay hoa lụa truyền thống”.
Chị Hoa bên bộ sưu tập đồ tái chế của mình
Mỗi ngày, chị Hoa luôn dành phần lớn thời gian để học tái chế và sáng tạo không ngừng. Chị nói đùa: “Khi mình mê tái chế rồi thì nghiện luôn, tôi còn lôi kéo mọi người nghiện theo mình nữa”. Chị cho biết vì quá thích làm đồ handmade từ “rác”, chị thường xuyên tìm kiếm và giữ lại rất nhiều đồ ve chai trong nhà, thậm chí nhiều hàng xóm, bạn bè biết cứ gom rồi xách qua, có lúc gia đình cũng ca thán là tha rác về nhà, nhưng dần dần chị nhận được sự ủng hộ vì tính thiết thực của nó.
Sau khi được nhiều người biết đến sản phẩm qua mạng xã hội, chị cảm thấy rất vui vì những thành phẩm mình được đón nhận, đặc biệt là các bạn trẻ. Chị nói: “Thoạt đầu họ thấy thích thì làm theo, nhưng chắc chắn các bạn ấy sẽ dần hiểu được ý nghĩa việc mình làm và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng”.
Theo chị Hoa, mỗi người có một cách khác nhau để bảo vệ môi trường, tùy khả năng từng người, tốt nhất vẫn là hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn không thể phủ nhận một số tính ưu việt từ các loại phế liệu đó trong cuộc sống, chính vì vậy thay vì bỏ đi, mình sẽ cho chúng sống thêm một vòng đời nữa.
Để lan tỏa đam mê và chia sẻ cho mọi người cách làm đồ tái chế, chị Hoa cũng thường xuyên mở những lớp học miễn phí hoặc thu phí và lập kênh Youtube. Hiện tại, mỗi cuối tuần chị sẽ mở lớp hướng dẫn miễn phí cho các bạn có cùng đam mê tham gia. Chị Hoa còn có một kênh Youtube tên “Handmade Hoa cỏ may” chia sẻ cách làm đồ tái chế đến mọi người.
Để làm video đăng lên mạng xã hội hay Youtube, chị gặp khá nhiều khó khăn khi không phải là người thành thạo về công nghệ. “Đây đúng là vấn đề của tôi, công nghệ tôi không rành lắm nên phần lớn nhờ sự hỗ trợ của cậu con trai nhưng con đang học xa nhà. Vì vậy tôi chỉ quay clip rồi gửi qua cho con chỉnh sửa và đăng bài, cực chút nhưng được cái con trai hiểu công việc của mẹ và rất ủng hộ. Mọi công đoạn như cắt ghép, chỉnh sửa, biên soạn con trai đều làm hết giúp mẹ”, chị vui vẻ kể.
Hình ảnh cắt từ những video hướng dẫn của chị Hoa
Ngoài mở lớp dạy, chia sẻ video miễn phí, ngày thường chị sẽ hướng dẫn thu phí cho những bạn muốn học nghề. Được biết, năm vừa rồi có một số trường học liên hệ chị Hoa để hướng dẫn cho các bạn học sinh, chủ yếu là tuyên truyền và lan tỏa tinh thần sống xanh, giảm ô nhiễm môi trường.
Chị kể: “Cái vựa ve chai ở nhà dần dần cũng được các bạn học viên xử hết, có bạn đến học làm xong lại xin cô cái này cái kia về làm mẫu mới, thế là cũng ổn”. Với chị Hoa, chị không chủ trương kinh doanh mà muốn tập trung vào đầu tư sáng tạo, mở rộng lớp hướng dẫn, vì thực tế rất nhiều bạn thích học trực tiếp. Tuy không thể đáp ứng được tất cả, có những bạn rất mê mà không tham gia được vì quá xa nên chị sẽ tư vấn tận tình cho các bạn học làm theo video.
Hiệu ứng lung linh về đêm của sản phẩm tái chế
Theo chị Hoa, giá mỗi sản phẩm tái chế cũng là vấn đề mang nặng tính sáng tạo, trung bình giá dao động từ 50-170 nghìn đồng, riêng đặt theo ý tưởng khách có giá 220-250 nghìn đồng. Dù vậy, chị vẫn thường bán theo cảm tính, có khi tiền ship đắt ngang sản phẩm nếu đó là hàng dễ vỡ, phải đóng gói kĩ càng, đây cũng là điều chị lo ngại khi chuyển hàng cho các tỉnh xa.
Tin liên quan
Có một tỉnh thuộc Tây Nam Bộ được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với rừng vàng, biển bạc và cùng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Vùng đất này đã...
Tin bài cùng chủ đề Eva giảm nhựa
Từ niềm đam mê thời trang, đôi bàn tay khéo léo và tình yêu môi trường, cô gái 25 tuổi ở Thanh Hóa đã tái tạo vòng đời cho những chiếc quần áo cũ thành sản phẩm độc đáo, góp phần lan tỏa lối...