Với hàng loạt ý tưởng tái chế cực kỳ dễ làm này, các chị em có thể thực hiện ngay tại nhà cùng với những nguyên liệu tưởng như bỏ đi.
Độ khó 1 = Cực đơn giản: Sử dụng quả chanh từ A-Z
Nếu đã sở hữu tư duy “sống xanh”, bạn có thể tái chế từ tất cả những nguyên liệu tưởng chừng không thể. Thậm chí 1 quả chanh cũng có thể làm được rất nhiều thứ. Như chia sẻ của chị Nguyễn Thùy Dương về hành trình quả chanh ở nhà của chị thì thứ quả này có thể được sử dụng từ A-Z.
Vỏ chanh có thể để trong tủ lạnh để khử mùi, khi hỏng rồi có thể bỏ vào thùng để ủ phân sinh học
Hạt chanh có thể đem trồng cây
Chanh vắt lấy nước có thể cho vào gia vị chấm, pha nước chấm, làm nước chanh sả quất mát lạnh. Phần vỏ chanh được để ngăn mát/đá để khử mùi tủ lạnh.
Chị em có thể tách hạt chanh ra để trồng cây. Ngoài ra, hạt chanh có thể để vào thùng làm phân hữu cơ.
Vỏ chanh từ tủ lạnh ra có thể rửa tay, cọ thớt/bát có thịt sống, hải sản...
Hành trình cuối cùng của vỏ chanh là được tráng sạch nếu bẩn sau đó cho vào thùng làm phân hữu cơ.
Độ khó 2 = Cần tỉ mỉ: Trồng cây từ chai nhựa
Mỗi ngày, có hàng triệu chai nhựa bị thải ra môi trường. Những chiếc chai này có thể được tái chế thành nhiều vật dụng có ích trong gia đình. Ý tưởng đơn giản nhất là cắt vỏ chai thành những chiếc đôn trồng cây.
Những chai nhựa mà nhà nào cũng có
Cắt bỏ phần nắp chai, bạn tạo hình bằng cách cắt dọc chai khoảng 10cm, sau đó uốn xuống và dùng ghim dập lại. Để tạo màu sắc, bạn dùng màu acrylic để tô màu cho chai
Có rất nhiều cách tạo dáng cho chậu trồng cây làm từ chai nhựa khác nhau. Bạn có thể thỏa sức sáng tạo tùy theo mắt thẩm mỹ của mình.
Bạn có thể cắt dọc chai hoặc cắt ngang đều được. Sau đó trang trí bằng màu acrylic hoặc cắt tạo hình. Đục một vài lỗ nhỏ ở dưới đáy chai để thoát nước. Bạn mua đất đã trộn sẵn phân và trồng cây theo ý thích. Sau đó trải một lớp sỏi lên trên để trang trí.
Độ khó 3 = Tỉ mỉ, cần thẩm mỹ: Hô biến cành cây khô thành đồ trang trí nhà cửa
Nếu bạn nghĩ những cành cây khô mục chỉ có thể vứt đi thì hãy xem ngay ý tưởng dưới đây nhé. Bạn hoàn toàn có thể thu gom những cành củi bỏ đi và thiết kế cho riêng mình những món đồ decor, trang trí nhà cửa.
Những cành cây có thể dễ dàng tìm thấy trong vườn
Trước tiên vẽ hình thù bạn mong muốn trên tấm bìa carton. Cắt miếng carton theo hình bạn đã vẽ. Cắt các cành cây theo độ dài mong muốn, sau đó gọt phẳng một mặt của cành cây để dán dễ và chắc chắn hơn. Bạn gắn những thanh gỗ vào miếng bìa carton bằng keo sữa.
Thành phẩm được làm những mẩu gỗ vứt đi
Những mẫu decor có thể trang trí trên tường hoặc kệ gỗ trong phòng khách hoặc phòng ngủ
Bước cuối cùng, bạn phun một lớp sơn xịt bóng lên để chống ẩm mốc và sản phẩm bóng đẹp hơn.
Bạn cũng có thể gắn thêm đèn nháy xung quanh và treo lên tường, trông sẽ cực kỳ lung linh đấy!
Với những cành cây gỗ bỏ đi này, bạn hoàn toàn có thể thỏa sức sáng tạo với những hình thù khác nhau và trang trí ngôi nhà bằng những món decor độc nhất vô nhị.
Độ khó 4 = Phức tạp, cần đúng công thức: Làm xà phòng từ dầu ăn thừa
Chắc chắn gia đình nào cũng sử dụng dầu ăn và chúng ta thường đổ chỗ dầu thừa ra túi rác. Và có lẽ cũng nhiều người cảm thấy tiếc chỗ dầu thừa này, nhưng chiên đi chiên lại dầu sẽ không tốt cho sức khỏe. Vừa qua, các chị em lại truyền tay nhau bí quyết tái chế dầu thừa thành xà phòng tương đối dễ dàng.
Đây là chia sẻ của chị La Hà Anh về phương pháp này.
Trước tiên là việc bảo quản và xử lý cho dầu thừa: Cứ mỗi khi nấu nướng xong, mình sẽ trút dầu/mỡ thừa ra 1 bát sứ hoặc bát sắt, để nguội hoàn toàn rồi mới trút vào 1 can dầu cũ (bỏ cặn lần 1).
Dùng giấy lọc dầu để lọc lần 2
Dầu lọc lần 2
Chai dầu mình sẽ không đậy nắp mà dùng 1 chiếc khăn xô bịt đầu chai, để bụi bẩn và côn trùng không rơi vào được, nhưng đủ để bay mùi cho dầu. Khi đầy can dầu, mình sẽ thực hiện bước lọc và xử lý dầu lần 2.
Mình đặt 1 tờ giấy lọc dầu lên trên 1 chiếc lưới lọc, để lọc sạch hoàn toàn cặn và thức ăn thừa còn dây lại ở chỗ dầu.
Để lọc lần 3, bạn cho thêm vài miếng khoai tây vào đun cùng dầu với lửa nhỏ
Dầu chưa lọc (bên phải) và dầu đã lọc xong (bên trái)
Tiếp đó, mình cho dầu thừa vào 1 chiếc chảo to, sâu lòng, đun dầu nhỏ lửa cùng với khoai tây. Khoai sẽ hút sạch nốt những phần cặn nhỏ nhất cùng mùi khó chịu. Sau khi đun, hút hết cặn, mình lại để thật nguội và trút vào 1 can lớn hơn để chờ biến thành những bánh xà phòng xinh đẹp.
Công đoạn làm xà phòng:
Nguyên liệu bạn có thể lựa chọn là kinh giới, sài đất, nghệ, lá gừng, lá khế chua và cỏ chân vịt - đây là những loại lá truyền thống mà ông bà hay dùng để tắm cho trẻ, bởi nó có tính chát, giúp diệt khuẩn cho da và mát da, rất phù hợp để làm xà phòng.
Các bạn có thể sử dụng nhiều loại lá như lá gừng, lá ghế, lá kinh giới,...
Những nguyên liệu này bạn rửa thật sạch, để ráo nước, ép nước cốt từ các loại lá này bằng máy ép chậm và đóng đá dùng thay thành phần nước trong công thức xà phòng.
Công thức 1:
70gr dầu thừa
30gr dầu dừa ép lạnh
14gr NaOH
35gr nước ép
Tinh dầu (nếu muốn)
Công thức 2:
100gr dầu thừa
13gr NaoH
35gr nước ép
Tinh dầu (nếu muốn)
(Thông thường nên chọn công thức có dầu dừa, vì dầu dừa giúp bánh xà phòng cứng và nhiều bọt hơn)
Cách làm:
Đeo găng tay cao su, đong NaOH, trút vào phần nước cốt đã đóng đá, khuấy tan NaOH và để sang 1 bên.
Khi dung dịch NaOH ở trên nguội ở nhiệt độ từ 23 tới 43 độ, đổ dung dịch NaOH đã hòa tan ở trên vào dầu thừa + dầu dừa.
Xà phòng khi đổ vào khuôn
Xà phòng làm từ dầu ăn thừa
Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết những bánh xà phòng này được làm từ nguyên liệu mà nhà nào cũng bỏ đi
Đánh đều tay, rồi dùng máy xay cầm tay đánh đều tay cho tới khi hỗn hợp đặc sánh lại
Thêm tinh dầu và pha màu tự nhiên đánh đều và đổ vào khuôn để tạo hình.
Để hỗn hợp xà phòng nghỉ cho tới khi đóng thành bánh, tách khuôn và để phơi 4 tới 6 tuần là có thể dùng được.
Lưu ý khi tự làm xà phòng tại nhà là chị em cần cẩn trọng khi sử dụng dung dịch NaOH bởi có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.