"Tôi liên tục nói "1, 2, 3, bay" và không yêu cầu gì từ bé. Những lần sau khi tôi nói "1, 2" sẽ dừng lâu hơn nhìn bé… và rồi từ "ba" xuất hiện. Giây phút ấy, mẹ của bé đã bật khóc nức nở trong hạnh phúc vì đã gặt hái được thành quả đầu tiên", nữ thạc sĩ b
Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ, Thạc sĩ Lê Thị Xuân Diệu (Tốt nghiệp Thạc sĩ Tâm lý tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM) hiện phụ trách quản lý chuyên môn tại một trung tâm giáo dục liên quan đến trẻ có quyền đặc biệt tại TP.HCM đã nhận được vô vàn câu hỏi: "Khi nào con tôi biết nói?", "Con tôi có vào lớp 1 được hay không?", "Chữa được không?"...
Và câu trả lời của nữ thạc sĩ luôn chỉ đơn giản là một nụ cười cùng ánh mắt gây dựng niềm tin nơi các phụ huynh. Sau đó, cùng với những ông bố bà mẹ lòng mang đầy tâm trạng, chị và các giáo viên nỗ lực giảng dạy, can thiệp giúp những đứa trẻ có quyền đặc biệt trở nên tiến bộ, dần hòa nhập với cuộc sống. Điển hình như câu chuyện về cậu bé tên Hùng dưới đây:
Trẻ có quyền đặc biệt là những trẻ mang hội chứng rối loạn phổ tự kỷ hoặc trẻ trong quá trình phát triển có khó khăn về kiểm soát cơ thể và vận động, ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi... |
Hành trình 2 năm can thiệp sớm của Hùng
Th.S Xuân Diệu kể rằng, bé Hùng tuy đã 18 tháng tuổi nhưng gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát cơ thể, vận động, hành vi và tương tác xã hội. Bé không biết điều tiết cảm xúc, thích nghi với môi trường, giao tiếp với mọi người xung quanh. Bé hay làm nũng, "ăn vạ" với bố mẹ. Hễ ai gọi tên "Hùng", bé đều không có bất cứ phản ứng gì, đặc biệt chỉ nói được duy nhất một chữ “cho” trong mọi hoàn cảnh.
"Qua tương tác và đồng hành cùng Hùng trong tháng đầu tiên, tôi nhận thấy khả năng hiện tại của bé phát triển tương đương một trẻ 12 tháng tuổi. Sau chẩn đoán theo dõi rối loạn phổ tự kỷ, tôi đã khuyên mẹ của bé tham gia chương trình Can thiệp sớm năm bé lên 2 tuổi theo tỉ lệ 1 học sinh : 1 giáo viên : 1 phụ huynh. Đồng thời tôi tiếp tục tìm hiểu chi tiết khả năng cũng như thiết lập mối quan hệ an toàn, thoải mái để bé thể hiện tốt nhất khả năng của mình", nữ thạc sĩ bày tỏ.
Một buổi hoạt động ngoại khóa dành cho trẻ có quyền đặc biệt.
Sau 1 tháng tiến hành can thiệp sớm cho bé Hùng, ThS. Xuân Diệu đã phát hiện ra "sở thích" đặc biệt của bé như thích đồ chơi phát ra âm thanh ánh sáng và các trò chơi vận động cảm giác. Từ đó chị thiết kế chương trình phát triển toàn diện dựa trên những yếu tố đó. "Tôi nhớ như in từ thứ hai mà Hùng nói là “ba” trong số ba khi đang tham gia trò chơi thảm bay cùng tôi và mẹ. Tôi liên tục nói "1, 2, 3, bay" và không yêu cầu gì từ bé. Những lần sau khi tôi nói "1, 2" sẽ dừng lâu hơn nhìn bé… và rồi từ "ba" xuất hiện. Giây phút ấy, mẹ của bé đã bật khóc nức nở trong hạnh phúc vì đã gặt hái được thành quả đầu tiên", nữ thạc sĩ bồi hồi nhớ lại.
Bé Hùng bước sang tuổi thứ 3, ThS. Xuân Diệu đã đề nghị mẹ của bé cho bé đi học hòa nhập ở trường mầm non. Và đúng như dự đoán của chị, bé học từ các bạn rất nhanh nhưng lại phải chuyển trường vì có hành vi đánh bạn bè.
"Thoạt nhìn bé và các bạn đều như nhau nhưng Hùng vẫn có nét tính cách rất riêng"
Sau 2 năm can thiệp sớm - trải qua một hành trình dài đồng hành cùng bố mẹ và cô giáo, bé Hùng đã đạt được những tiến bộ rõ rệt: tự phục vụ nhu cầu cá nhân như ăn uống, thay quần áo hay đi tiểu trong quần - những việc mà trước đây bé cần có sự hỗ trợ 100% từ phụ huynh.
"Về lĩnh vực vận động, bé đã có những hành động phù hợp với độ tuổi, có khả năng phối hợp 2 tay, tay - mắt rất tốt. Bé vẽ được một số hình đơn giản theo mẫu. Ở mặt nhận thức, bé đã nhận biết được nhiều kiến thức về bản thân, gia đình, môi trường xung quanh và tiếp cận làm quen với Toán học.
Trẻ em có quyền đặc biệt cũng giống như những trẻ khác có quyền được học và phát triển tiềm năng của mình...
Trong giao tiếp, bé có thể duy trì cuộc đàm thoại trên 5 lượt, chủ động bắt chuyện với các bạn khác, thể hiện nhu cầu của bản thân khá tốt, nói được câu rất dài, hát và đọc thơ, trả lời được hầu hết các dạng câu hỏi. Nhưng tốc độ nói của bé còn khá nhanh, lướt từ... Đặc biệt hành vi đánh, cắn bạn bè đã giảm rất đáng kể", chị Xuân Diệu tỏ rõ sự vui vẻ khi nhắc đến cậu học trò tên Hùng.
Nữ thạc sĩ cho biết thêm, bé Hùng tiến bộ rõ rệt nhất trong việc nhận biết cảm xúc của người khác và thể hiện cảm xúc của bản thân. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất hình thành lên một đứa trẻ trong tương lai, giúp nhận thức cái gì nên làm và không nên làm... Hiện bé có thể ngồi tham gia một hoạt động yêu thích khoảng 2-30 phút, còn hoạt động không yêu thích chỉ "góp mặt" từ 5-10 phút.
Nhắc đến chuyện bé Hùng giờ đây có hoàn toàn giống như những đứa trẻ bình thường khác? ThS. Xuân Diệu từ tốn nói: "Có cả giống và khác. Thoạt nhìn bé và các bạn đều như nhau nhưng Hùng vẫn có nét tính cách rất riêng như: lăng xăng, sử dụng từ ngữ hơi cứng nhắc và thỉnh thoảng sẽ thể hiện cảm xúc một cách cực độ.
Với những tình huống mới, bé thường gặp khó khăn trong việc quyết định phải làm gì và như thế nào, có khả năng sẽ hét, khóc, đánh, cắn… để giải quyết. Đôi khi, việc dùng từ ngữ khác biệt sẽ gây cho người khác cảm giác kỳ lạ. Ở trong môi trường lớp học, cứ 5-10 phút bé sẽ rời ghế vì không thể ngồi lâu".
Dẫu bé Hùng có tiến bộ rõ rệt nhưng gia đình vẫn chưa chấp nhận bé với những khác biệt kể trên. Nhưng chị Xuân Diệu có niềm tin chỉ cần có mặt bố mẹ - nguồn động lực cũng như tiếp thêm sự tự tin cho trẻ trong hành trình dài can thiệp thì Hùng chắc chắn sẽ hoàn toàn giống một đứa trẻ bình thường.