Sự thật đáng sợ tại trung tâm Tâm Việt khiến phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ phẫn nộ

Ngày 31/10/2019 12:00 PM (GMT+7)

Đoạn clip "Sự thật đáng sợ bên trong trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia" gây sốc với nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ. Ai cũng phẫn nộ trước cách hành xử của các "giáo viên" tại trung tâm này.

Đoạn clip phanh phui sự thật bên trong trung tâm Tâm Việt lan truyền trên mạng

Mới đây, báo Vietnamnet đăng tải một đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh trẻ tự kỷ tại Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) bị giáo viên chỉ thẳng mặt, dọa có dao trong cặp gây xôn xao.

Theo đó, tại trung tâm này, trẻ tự kỷ bị bỏ bơ vơ, thiếu sự quan tâm. Có em không mặc áo hoặc không mặc quần, thậm chí có em đứng ra ngoài hiên nắng ngay trong giờ học. Trung tâm gồm 4 phòng học, mỗi phòng khoảng hơn 10 học sinh nhưng chỉ có từ 1-2 giáo viên đứng lớp.

Sự thật đáng sợ tại trung tâm Tâm Việt khiến phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ phẫn nộ - 1

Trẻ tự kỷ tại trung tâm này không mặc áo hoặc không mặc quần (Ảnh cắt từ clip)

Trong các tiết học, những người thầy không mặc áo quát mắng, nạt nộ học trò. Một nữ giáo viên lớn tiếng dọa: “Bố mày đùa đấy à? Đi lại đây… Nhớ nhé! Trong túi xách luôn luôn có dao nhớ chưa?”.

Ở thời điểm khác, khi học sinh mếu máo không chịu ăn, nhân viên của trung tâm liền gằn giọng: “Thích khóc không?” rồi liên tiếp vụt vào tay cô bé….

Ngay sau đăng tải, đoạn clip đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng, nhất là trong cộng đồng phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ. Ai cũng phẫn nộ trước cách hành xử - giảng dạy của các giáo viên tại trung tâm này.

Sự thật đáng sợ tại trung tâm Tâm Việt khiến phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ phẫn nộ - 2

Trong các tiết học, những người thầy không mặc áo quát mắng, nạt nộ học trò (Ảnh cắt từ clip)

"Tâm vận động" là một trong số các phương pháp can thiệp tự kỷ, nhưng không giải quyết vấn đề cốt lõi ở trẻ tự kỷ đó là "giao tiếp"

Chị Bạch Thùy Linh – một người mẹ có con mắc chứng tự kỷ cho biết, cảm giác của chị sau khi xem đoạn clip là vừa đau xót vừa mừng. “Đứa trẻ dù bình thường hay mắc bệnh cũng đều là tài sản vô cùng quý giá của cha mẹ, nữa là một đứa trẻ tự kỷ, thậm chí không biết nói, không biết tự vệ sinh cá nhân, rối loạn hành vi,… Nhưng các em bị nhốt chung tất cả vào một ngôi nhà bẩn thỉu, hôi hám, nam nữ lẫn lộn, 6 tuổi lẫn với 30 - 40 tuổi rồi hàng ngày không được dạy dỗ hiểu biết mà chỉ bị đánh đập để làm sao làm được xiếc.

Sự thật đáng sợ tại trung tâm Tâm Việt khiến phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ phẫn nộ - 3

Một nữ giáo viên lớn tiếng: “Bố mày đùa đấy à? Đi lại đây… Nhớ nhé! Trong túi xách luôn luôn có dao nhớ chưa?” (Ảnh cắt từ clip)

Tôi đau xót vì tại sao vẫn có hàng trăm bậc cha mẹ tin vào một trung tâm gắn mác can thiệp tự kỷ nhưng không hề hiểu trẻ tự kỷ cần gì. Đúng là họ không có lỗi, vì họ thiếu tỉnh táo, thiếu hiểu biết. Nhưng xin nhớ: Khó khăn cốt lõi của trẻ tự kỷ chính là khả năng giao tiếp và hòa nhập với xã hội. Tôi luôn tự hỏi không biết cha mẹ có con gửi gắm vào trung tâm học làm xiếc thì giúp gì về mặt giao tiếp? Các con có thể tự phục vụ bản thân hàng ngày? Có tự kiếm được một công việc nuôi thân? Có tự giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp hay không?”, chị Thùy Linh đau đớn nói.

Mặc dù rất đau xót khi xem đoạn clip nhưng người mẹ này lại thấy vui mừng vì cuối cùng cũng có một tờ báo phản ảnh những sự thật trần trụi xảy ra ở nơi đây.

Chị Linh cho biết, ngay từ hồi sinh viên, chị đã “dị ứng” với vị giám đốc của trung tâm này (tức ông Phan Quốc Việt - diễn giả, giám đốc Trung tâm Tâm Việt).

“Và khi đã là một người mẹ nuôi con tự kỷ, tôi thấy buồn khi ông ấy nhảy sang "kinh doanh thêm" lĩnh vực can thiệp tự kỷ vốn đòi hỏi rất nhiều chuyên môn sâu, kết hợp nhiều lĩnh vực. Nhờ vào dòng slogan "Đào tạo kỷ lục gia" mà rất nhiều cha mẹ, đặc biệt cha mẹ có con tự kỷ nặng đã tìm đến, thường sau khi đã thử rất nhiều cách và đã quá mỏi mệt, họ trông chờ vào 1 phép màu nào đó có thể giúp con họ tiến bộ hơn.

Đúng, "tâm vận động" cũng là 1 trong số các phương pháp can thiệp tự kỷ, nhưng nó không giải quyết vấn đề cốt lõi ở trẻ tự kỷ đó là "giao tiếp" mà chỉ giúp đứa trẻ tốt lên ở 1 mặt vận động nào đó. Và để dạy được trẻ tự kỷ cũng cần những giáo viên có chuyên môn, đặc biệt kiên nhẫn và nhiều tình yêu thương chứ không phải đòn roi hay chửi mắng.

Chúng vốn đã chịu đủ thiệt thòi rồi. Còn cha mẹ chúng thì cả tuần, thậm chí cả tháng mới được đến đón con một lần, và khi đón cũng không thể bước qua cánh cửa để biết thực sự con họ đã bị đối xử, dạy dỗ như thế nào”, chị tâm sự.

Sự thật đáng sợ tại trung tâm Tâm Việt khiến phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ phẫn nộ - 4

Ai cũng phẫn nộ trước cách hành xử - giảng dạy của các giáo viên tại trung tâm Tâm Việt (Ảnh cắt từ clip)

"Bạo lực học đường vốn đã đáng phê phán, bạo lực với trẻ tự kỷ lại càng vô lương tâm"

Chị Trần Thị Hằng – một phụ huynh ở Lâm Đồng có con trai tự kỷ cho hay, chị vô cùng phẫn nộ khi xem đoạn clip và cho rằng trung tâm này tàn nhẫn khi quảng cáo quá đà, đánh vào thói háo danh của phụ huynh.

“Họ đưa ra những lợi ích khi phụ huynh gửi con vào đó đào đạo: “Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia”, “Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì”… nhưng lại không đầu tư cho nhân viên. Nói cách khác, họ lấy học phí cao và chất lượng phục vụ không xứng đáng. Tôi nghĩ đó là hành vi lừa đảo”, chị Hằng nói.

Cũng theo chị Hằng, với tư cách là một người mẹ, chị cực lực phản đối cha mẹ gửi con trong trung tâm quá nhiều thời gian, không tự chăm sóc các con hàng ngày, không hiểu gì về khuyết tật của con, đặc biệt là “ảo tưởng” khi giao con cho người khác rồi không biết họ đang dạy cho con cái gì…

Chị Vân (quận Hải An, TP.Hải phòng) có con gái mắc chứng tự kỷ cho biết, chị cảm thấy buồn với đoạn clip phơi bày sự thật tại trung tâm Tâm Việt. Theo chị, bạo lực học đường vốn đã đáng phê phán, bạo lực với trẻ tự kỷ lại càng vô lương tâm.

“Tôi đồng ý là bố mẹ trẻ tự kỷ nào cũng khao khát tìm được cứu cánh cho tình trạng của con nhưng ngoài mong muốn của gia đình thì luôn cần sự tỉnh táo. Con mình vô cùng thiếu kỹ năng sống và tự vệ. Vì thế giao con cho bất cứ cơ sở giáo dục nội trú nào cũng đều là mạo hiểm.

Hơn nữa, việc cải thiện cho con luôn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và gia đình. Con cần nhiều tình cảm và yêu thương hơn trẻ bình thường rất nhiều, nên cá nhân tôi không tán thành việc giao con hoàn toàn cho người lạ”, chị Vân bày tỏ quan điểm.

Về góc độ khác, chị Vân cho rằng chúng ta đang rất thiếu hụt các cơ sở chính quy (có sự đầu tư và quản lý, tài trợ của Nhà nước) cho các trẻ đặc biệt. Do đó phụ huynh có con tự kỷ không có nhiều sự lựa chọn ngoài các cơ sở giáo dục tư thục, tự phát hoặc để con ở nhà. Tương lai của trẻ tự kỷ ở Việt Nam thực sự mờ mịt.

Trung tâm Tâm Việt bị phanh phui Sự thật đáng sợ: Giám đốc Phan Quốc Việt là ai?
Được biết đến với rất nhiều danh xưng: diễn giả, tác giả, diễn viên, MC truyền hình,... Giám đốc của Tâm Việt - Tiến sĩ Phan Quốc Việt là ai?
Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h