Sau khi sự việc xảy ra, bác sỹ người Trung Quốc Trịnh Túc Vinh - người đã trực tiếp khám cho chị T. đã "không thấy tăm tích".
Liên quan đến trường hợp thai phụ Trần Thị Thu T. đến khám phụ khoa tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, sau đó bị rơi vào tình trạng co giật, hôn mê và phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, chiều ngày 7/3, phía phòng khám đã có thông tin chính thức bằng văn bản tới các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, trong thông cáo này nhiều vấn đề vẫn chưa được phía phòng khám giải thích rõ ràng. Điển hình như việc phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc Trịnh Túc Vinh - người trực tiếp thăm khám và chỉ định điều trị cho bệnh nhân, nhưng sau khi xảy ra sự việc ông đã “biến mất” khỏi phòng khám.
Trong buổi kiểm tra phòng khám ngày 7/3, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bác sĩ này có mặt để giải trình sự việc, nhưng phía phòng khám cho biết bác sĩ này đi đâu và không thể liên lạc được bằng điện thoại.
Báo cáo phòng khám gửi Sở Y tế Hà Nội về sự việc.
Được biết, bác sĩ Trịnh Túc Vinh trước đây đã từng bị phát hiện một số sai phạm, sau đó Sở Y tế tước giấy phép hành nghề.
Ngoài ra, trong thông cáo phía phòng khám không hề đề cập tới trách nhiệm của mình khi để xảy ra trường hợp thai phụ đi khám phụ khoa bị hôn mê, dẫn đến chết não.
Phía phòng khám cho biết: “Ngày 6/3, đại diện phòng khám đã có buổi làm việc với thân nhân của thai phụ và các cơ quan chức năng liên quan, đồng thời phối hợp với bệnh viện Bạch Mai, nơi thai phụ đang điều trị để giải quyết sự việc.
Kết quả hội chẩn ban đầu tại bệnh viện Bạch Mai cho thấy, thai nhi 22 tuần tuổi vẫn bình thường, còn thai phụ hiện vẫn hôn mê do các chấn thương về não”.
Còn phía Bệnh viện Bạch Mai thì xác nhận bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, sau đó đã rơi vào tình trạng chết não.
Ngoài ra, một vấn đề cũng được cho là “tiền hậu bất nhất” khi trước đó điều dưỡng phòng khám này khai rằng có đặt máy rung để vệ sinh âm đạo cho bệnh nhân T. theo lộ trình 5 phút. Nhưng sau khi chạy được 3 phút thì bệnh nhân có biểu hiện co giật, ngất và hôn mê.
Tuy nhiên, thông tin gửi báo chí, phòng khám cho biết: “Sau khi hoàn thành các thủ tục, đến 17h cùng ngày, chúng tôi tiến hành điều trị các bước: rửa âm đạo bằng dung dịch Nacl 0,9%, khí dung bằng dung dịch Nacl 0,9% pha với Gentamycin và Dexamethasone được khoảng 3 phút thì bệnh nhân có biểu hiện khó thở, thở dốc, kèm theo co cứng người”.
Trước đó, ngày 6/8, gia đình chị Trần Thị Thu Hằng (ở Quảng Ninh) đã có đơn trình báo tới cơ quan công an huyện Thanh Trì về sự việc người nhà (em gái chị Hằng) đến khám tại Phòng khám đa khoa 168 (Km12, đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) khám bệnh phụ khoa xảy ra tình trạng co giật, hôn mê. Sau đó được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Chị T. đang mang thai 21 tuần, đến khám vì nghĩ mình bị viêm nhiễm phụ khoa. Khi đến khám đã được nhân viên y tế siêu âm 4 chiều, lấy máu và chạy máy rung để vệ sinh phụ khoa do có nhiều khí hư.