Mới hôm thứ hai, thằng Pon (tên gọi ở nhà của cháu Dư Minh Vỹ) từ Sài Gòn về, nó còn gọi điện cho tôi bảo rằng con nhớ mẹ quá. Còn hai ngày nữa là biết kết quả thi lên lớp 10, con đạt điểm cao mẹ nhớ thưởng cho con nha”.
Nói đến đây, cổ họng chị nghẹn đắng. Nước mắt lăn dài trong từng tiếng nấc nghẹn ngào.
Hai ngày qua, dư luận cả nước chấn động bởi một vụ thảm sát xảy ra tại ấp 2 (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vào đêm 6-7. Thủ đoạn tàn bạo, rùng rợn của kẻ thủ ác đã vĩnh viễn lấy đi sự sống của cặp vợ chồng chủ xưởng gỗ Quốc Anh (ông Lê Văn Mỹ và bà Ánh Nga) và 4 đứa trẻ. Trong số đó, hai nạn nhân là con của người chị gái bà Ánh Nga.
Giữa trưa, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà xảy ra vụ án mạng. Cổng chính thường ngày nhìn rất khang trang nay bị đóng kín bỗng hóa thảm đạm, đìu hiu…
Chúng tôi men theo con hẻm nhỏ vào đến cổng phụ ngôi nhà – nơi đang diễn ra tang lễ của các nạn nhân. Trên khoảng sân rộng, 6 chiếc quan tài được đặt thành một hàng ngang trong căn nhà đang xây dở. Vài chiếc rạp được dựng lên để làm chỗ tiếp khách đến viếng. Mọi người ai nấy đều không khỏi đớn đau khi nhìn thấy 6 tấm di ảnh đặt phía trước những chiếc áo quan.
Trong góc nhà, một người phụ nữ ngồi thất thần, tóc tai rối bời. Gương mặt nhợt nhạt, đầu chị đầy những miếng dán giảm đau. Chị khẽ đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn lên chỗ những chiếc quan tài đang nằm cạnh nhau rồi đưa tay đập mạnh vào lòng ngực vì… những đớn đau không thể trút hết bằng nước mắt. Người phụ nữ đáng thương ấy là Lê Thị Tố Nga (mẹ của hai nạn nhân Dư Minh Vỹ và Dư Thị Tố Như).
Phải cố gắng lắm, chị Tố Nga mới có thể gắng gượng tiếp chuyện cùng chúng tôi. Mắt chị đỏ hoe, sưng và chực trào nước mắt. Chị cho biết mình và chồng đã ly hôn từ lâu. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, chị phải gửi hai con cho em gái ruột (là nạn nhân Lê Thị Ánh Nga) nuôi hộ. Tuy phải xa con tha hương cầu thực, chị vẫn luôn có niềm an ủi là các con đều chăm ngoan và yêu thương mẹ.
Những tưởng con mình sẽ được sống sung sướng và học hành đến nơi đến chốn, nên chị an tâm lao vào làm ăn để kiếm tiền dành dụm sau này dựng vợ gả chồng cho con. Nào đâu, cớ sự xảy ra bất ngờ...
Người mẹ ngồi thất thần, tâm can xé nát khi nhìn cảnh người đến thắp hương cho con mình. Ảnh: Hồng Trâm
Chị cho biết: “Mới hôm thứ hai, thằng Pon (tên gọi ở nhà của cháu Dư Minh Vỹ) từ Sài Gòn về. Nó còn gọi điện cho tôi bảo rằng con nhớ mẹ quá. Còn hai ngày nữa là biết kết quả thi lên lớp 10, con đạt điểm cao mẹ nhớ thưởng cho con nha”. Nói đến đây, cổ họng chị nghẹn đắng. Nước mắt lăn dài trong từng tiếng nấc nghẹn ngào.
Hồi lâu, chị mới có thể kể tiếp câu chuyện còn dang dở. Buổi sáng hôm đó, chị bất ngờ nhận được cuộc điện thoại báo tin rằng cả gia đình Ánh Nga và hai đứa con chị đều bị cắt cổ. Như sét đánh trúng người, chị gào lên như điên dại rồi chạy ngay đến xưởng gỗ Quốc Anh của em gái.
Chị mím chặt môi: “Cô chú không biết đâu… Tôi chạy như người điên dại. Vừa chạy, tôi vừa cầu Thánh, thần, trời, Phật mong sao đây không phải là sự thật. Tôi chạy tới cổng thấy người ta xúm lại đông nghẹt rồi phía trong là xác thằng Pon nằm bên vũng máu… Tôi chết lặng…”
“Tôi như chết thêm 1 lần nữa khi hay tin con gái tôi cũng bị người ta cắt cổ. Cả nhà em tôi cũng bị cắt cổ. Chỉ còn sót lại một mình Na Na (bé gái 18 tháng tuổi)…”.
Nói đến đây, người đàn bà đáng thương như lịm đi.
Bà Hải (62 tuổi, hàng xóm của nạn nhân) cho hay: “Người đã chết thì rất đáng thương nhưng người còn sống cũng đớn đau, đáng thương không kém. Tội nghiệp con Tố Nga. Vợ chồng Ánh Nga và mấy đứa nhỏ ra đi là cú sốc quá lớn với nó”.
Thoáng chốc đến giờ đọc kinh, chị lê từng bước đến ngồi trên chiếc chiếu. Nhìn lên trên bức di ảnh của người quá cố, chị nói trong từng tiếng nấc nghẹn ngào: “Thôi, hai em đi nhớ chăm sóc tụi nhỏ giùm chị. Còn Na Na, mấy đứa yên tâm, chị sẽ dành cả đời để lo cho nó”.
Những người đến viếng ngồi lặng im, không nói thành lời.