Thân thế gây bất ngờ của 2 đại gia dám gác lại sự nghiệp để dấn thân giúp Bắc Giang chống dịch

Ngày 09/06/2021 16:25 PM (GMT+7)

Hai người đàn ông, 1 người là chủ tịch một công ty viễn thông, 1 người là chủ một showroom ô tô có tiếng nhưng đã gác lại tất cả để dành chút tâm sức giúp người dân Bắc Giang chống dịch.

Chủ tịch Tập đoàn trốn vợ vào lái xe trong tâm dịch Bắc Giang

Thân thế gây bất ngờ của 2 đại gia dám gác lại sự nghiệp để dấn thân giúp Bắc Giang chống dịch - 1

Ông Mẫn (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các nhân viên y tế tham gia chống dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

7 giờ sáng 3/6, ông Phạm Văn Mẫn xách theo chiếc túi đi làm thường ngày ra xe. "Ông đi đâu đấy?", vợ ông hỏi. "Tôi đi làm chứ còn đi đâu", ông chồng là Chủ tịch một công ty công nghệ ở Hà Nội nói rồi lên xe nổ máy.

Hai tiếng sau khi lên đường, ông Mẫn đã có mặt ở Bắc Giang và nhận lệnh đưa đón các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến và các bác sĩ tại Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.

Số điện thoại của ông lập tức trở thành số hotline của mọi đoàn nhân viên y tế đang hoạt động trong vùng dịch. Ngày đầu ở đây, người đàn ông 67 tuổi đã phải chạy vài chục "cuốc", chẳng kể giờ giấc. Chưa quen đường sá ở Bắc Giang, ông mở bản đồ Google hay hỏi thăm dân để tìm đường đi "đón khách".

Chiều tối cùng ngày ông Mẫn mới gọi về nhà, báo tin vùng dịch đang cần hỗ trợ về dịch vụ viễn thông nên lên đó vài ngày. Vợ ông vẫn thấy nghi ngờ nên đến công ty hỏi và "lặng người" khi biết chồng không có lịch công tác ở Bắc Giang.

"Bố về đi, bố nhiều tuổi rồi đi thế này các con không yên tâm. Mẹ con ghê lắm", cô con gái "dọa" ông qua điện thoại. Ông Mẫn cười bảo: "Con biết tính bố rồi còn gì. Ở nhà bố còn day dứt, khó chịu hơn, đi thế này bố khỏe hẳn ra. Mấy đứa ở nhà cố động viên mẹ cho bố".

Thân thế gây bất ngờ của 2 đại gia dám gác lại sự nghiệp để dấn thân giúp Bắc Giang chống dịch - 2

Ông Mẫn cho biết tối 5/6 đã được nhân viên y tế hướng dẫn để tham gia chống dịch hiệu quả, an toàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tối ngày thứ hai, ông Mẫn đón bác sĩ Nguyễn Lâm Oanh từ Trung tâm xét nghiệm Bắc Giang về khách sạn. Cô gái 23 tuổi ngồi ghế sau bắt chuyện: "Chú có số điện thoại đẹp quá. Chú làm công việc gì vậy ạ?". Oanh bất ngờ khi biết "chú tài xế riêng" cho mình hai hôm nay là người sáng lập một công ty công nghệ viễn thông. Ông Mẫn cũng kể chuyện giấu vợ vào tâm dịch rồi bật điện thoại, nhờ Oanh nói chuyện với bà Hoa: "Cháu động viên cô giúp chú".

Hôm 5/6, ông công khai lá đơn tình nguyện của mình lên mạng xã hội.

"Hình ảnh các cháu nhỏ mới một tuổi chưa biết tự ăn đã phải xa bố mẹ đi cách ly, cảnh người già, cựu chiến binh ngày đêm trực chốt tại điểm nóng của tâm dịch, cảnh bộ đội, công an tổ chức cứu trợ, bác sĩ không ngại hiểm nguy cứu người khiến người đàn ông đủ sức khỏe, tinh thần chiến đấu như tôi rất băn khoăn. Tôi viết đơn này xin ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ Y tế và tỉnh Bắc Giang phê duyệt để tôi vào tham gia chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang...", ông Mẫn viết trong đơn.

Trước lúc viết đơn tình nguyện, ông Mẫn dành hai tuần để rèn thể lực. "Tôi đi bộ giữa trưa để chuẩn bị cho những ngày làm việc trong thời tiết nắng nóng ở tâm dịch", ông kể. Hai người bạn nghe ông Mẫn nói muốn đi tình nguyện cũng định đồng hành cùng ông. Họ cùng nhau sắm ba chiếc ô tô hơn hai tỷ đồng đi vào tâm dịch nhưng phút cuối, hai người bạn không thể đi được vì người nhà ngăn cản. Rút kinh nghiệm, ông chỉ nói thật với vợ khi "sự đã rồi".

Vì lén đi tình nguyện, ông Mẫn chỉ kịp chuẩn bị ít khẩu trang và vật bất ly thân là mấy lọ thuốc nhỏ mắt. Viết trong đơn sức khỏe tốt, nhưng ông bị khô mắt, cứ vài tiếng phải nhỏ mắt một lần. Chạy xe liên tục nên ông đặt một lọ thuốc trong xe, một lọ trong ví và một lọ ở đầu giường. Cứ được gọi là đi.

"Vào đến tâm dịch rồi mới biết thế nào là cuộc chiến. Ở Hà Nội tôi sẽ chẳng được sống những ngày ý nghĩa như vậy. Các cháu bác sĩ, có đứa chỉ hơn 40 kg mà vẫn đi tình nguyện, hăng hái, ý thức chẳng kém ai. Tôi học được lớp trẻ nhiều điều", người đàn ông nói.

Người đàn ông lái xe Mercedes G63 trị giá 10 tỷ đi bán vải trên phố Hà Nội

Thân thế gây bất ngờ của 2 đại gia dám gác lại sự nghiệp để dấn thân giúp Bắc Giang chống dịch - 3

Hình ảnh người đàn ông ngồi trên xe sang bán vải thiều khiến nhiều người chú ý

Hôm qua (8/6), trên mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh người đàn ông ngồi bán vải trên chiếc Mercedes G63 trị giá 10 tỷ ở Hà Nội. Nhiều người bày tỏ thích thú và tò mò khi nhìn thấy hình ảnh này, đồng thời cho rằng người đàn ông có lẽ chắc chỉ bán cho vui. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu được biết người đàn ông trên xe thực ra đang hỗ trợ tiêu thụ vải cho người dân Bắc Giang và hoàn toàn phi lợi nhuận chứ không phải là người chuyên buôn vải thiều như nhiều người đang đồn thổi.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở Bắc Giang, dẫn đến việc bà con nông dân tại đây gặp một vài khó khăn trong vấn đề tiêu thụ vải trong nước. Vì lý do này mà những ngày gần đây đã có khá nhiều người dân cũng như doanh nghiệp đã đứng ra tổ chức giúp đỡ bà con thu mua và tiêu thụ tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Và anh Quang Trọng, nhân vật chính của bức ảnh trên cũng là một trong số đó.

Thân thế gây bất ngờ của 2 đại gia dám gác lại sự nghiệp để dấn thân giúp Bắc Giang chống dịch - 4

Anh Quang Trọng đã vận chuyển tổng cộng 4 tấn vải từ Bắc Giang về Hà Nội

Theo tìm hiểu, người đàn ông trên chiếc G63 bán vải là anh Quang Trọng, chủ 1 showroom kinh doanh ô tô khá nổi tiếng ở Hà Nội, với rất nhiều dòng xe sang như Audi A8, Land Rover, Mercedes G63 AMG, Maybach GLS 600, Ferrari F8 Spyder, Lamborghini Urus 4.0 V8.

Qua liên hệ với anh Quang Trọng, được biết, do anh có người bạn ở Bắc Giang nên đã liên hệ với mục đích ban đầu là giúp đỡ địa phương trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 bằng vật chất. Tuy nhiên, người bạn của anh đã từ chối và gợi ý rằng có thể hỗ trợ thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho nông dân nơi đây.

Thân thế gây bất ngờ của 2 đại gia dám gác lại sự nghiệp để dấn thân giúp Bắc Giang chống dịch - 5

Anh Quang Trọng.

Tiếp nhận lời gợi ý này, anh Trọng đã nhờ người bạn thu mua tổng cộng là 4 tấn vải loại 1 ở khu vực Lục Ngạn, Bắc Giang và vận chuyển lên Hà Nội bằng ô tô. Những trái vải đều được bảo quản cẩn thận trong thùng xốp để đảm bảo chất lượng và tươi ngon nhất khi về đến tay người tiêu dùng Thủ đô.

Đối với những lời đồn trên các trang mạng, anh Quang Trọng cũng đã thẳng thắn chia sẻ: "Do mình nhập là vải loại 1 nên giá thành cao hơn mức thông thường chứ không có chuyện lời lãi như nhiều người vẫn nói. Toàn bộ phí vận chuyển, bảo quản và nhân công đều do phía mình chịu chứ không hề tính vào tiền vải của bà con.

Nói là 'bán' nhưng mình cũng đã tặng người quen khá nhiều và chắc chắn không có chuyện lấy lời lãi như mọi người vẫn bàn tán. Vì thời gian này việc kinh doanh cũng khá nhàn rỗi nên mình mới vận động anh em ra 'bán' vải".

COVID-19 9/6: Không chịu mặc đồ bảo hộ, bé trai 3 tuổi nghe lời sau câu nói của điều dưỡng
Nghe các cô điều dưỡng dỗ dành, mặc quần áo bảo hộ sẽ được về nhà, bé trai 3 tuổi bị ung thư võng mạc liền ngoan ngoãn hợp tác.
Theo K.N
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h