Thể hiện lòng yêu nước không đúng nơi, đúng chỗ lại có hành động chống đối, đập phá, một công nhân đã phải chịu tội trước pháp luật.
Hành vi sai trái
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lê Văn Nghiêm (SN 1991, tỉnh Cà Mau) phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Trước đây, Nghiêm từng làm công nhân tại Cà Mau nhưng do tiền lương quá thấp nên theo bạn bè đến tỉnh Bình Dương xin việc làm. Ở đây, Nghiêm được nhận vào làm công nhân tại công ty cổ phần Chấn Kiệt (xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Khoảng 18 giờ ngày 13/5/2014, Lê Văn Nghiêm (SN 1991, tỉnh Cà Mau) đi bộ đến phòng trọ của bạn tên Quân để chơi và lấy cây đèn pin mà Quân mượn trước đó. Chừng một tiếng sau, Nghiêm cầm cây đèn pin ra về. Trên đường đi về ngang qua công ty cổ phần Chấn Kiệt, Nghiêm nhìn thấy có nhiều người tụ tập hô hò hét, biểu tình tại công ty nên đi lại cổng để xem.
Nghiêm hối hận đối với hành vi đã gây ra
Nghiêm thấy có chừng 200 người đang biểu tình. Cổng của công ty đã bị nhóm người biểu tình xô ngã. Thấy vậy, Nghiêm xen vào nhóm người biểu tình cùng hò hét, hô hào với khẩu hiệu: “Đuổi bọn Trung Quốc về nước”. Một lúc sau, Nghiêm cầm đèn pin cùng với những người biểu tình chạy vào khu vực xưởng số 6 của công ty tiếp tục hò hét, kích động mọi người hô hào: “Đuổi bọn Trung Quốc về nước”.
Lúc này, có lực lượng dân quân xã An Tây đến để giải tán đám đông, Nghiêm dùng lời lẽ thô tục, xúc phạm lực lượng dân quân đang làm nhiệm vụ. Nghiêm hò hét, kích động trong xưởng số 6 được khoảng 10 phút thì đi cùng với một nhóm người ra ngoài cổng chính của công ty tiếp tục hò hét.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Văn Tòng là trưởng công an xã An Tây điều khiển xe ô tô chở sáu dân quân thường trực xã đến để phối hợp giải tán đám đông. Khi xe của anh Tòng vừa tới dùng trước cổng công ty thì Nghiêm chạy lại chặn trước đầu xe.
Lúc này, Nghiêm nghĩ xe ô tô của người Trung Quốc nên cầm cây đèn pin đập một cái vào đầu làm xe bị móp. Vừa lúc này, anh Tòng cùng lực lượng dân quân xuống xe bắt giữ Nghiêm đưa về trụ sở công an xã An Tây làm việc. Đến ngày 14/5/2014, công an xã An Tây đã chuyển giao vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra công an thị xã Bến Cát để điều tra theo thẩm quyền.
Hối hận muộn màng
Sáng 25/5/2014, TAND thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) mở phiên tòa lưu động xét xử Nghiêm về hai tội Gây rối trật tự công cộng và Cố ý làm hư hỏng tài sản. Đứng trước vành móng ngựa, Nghiêm cho biết, trong khoảng thời gian qua, nghe Trung Quốc đặt giàng khoan tại biển Đông trên lãnh thổ Việt Nam thì vô cùng bức xúc. Cũng vì thế, khi đi ngang công ty, thấy có đoàn người biểu tình nên tham gia.
“Lúc đó, tôi thấy nhiều người nên cũng muốn góp sức. Ban đầu, tôi không nghĩ hành vi của mình là sai phạm pháp luật. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, Trung Quốc đặt giàng khoan sai trái thì phải đuổi người Trung Quốc ra khỏi đất nước mình. Tôi thấy mọi người hô thì cũng hô theo. Tuy nhiên, đến khi bị bắt, ngồi trong trại giam, tôi nhận thấy hành vi của mình là quá sai trái”, Nghiêm khai.
Hàng nghìn người dân có mặt để tham dự phiên tòa
Trong phiên tòa, kiểm sát viên cho rằng, đứng trước tình hình hiện nay, việc Trung Quốc hạ giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta vẫn hết sức kiềm chế, dùng mọi biện pháp để gìn giữ hòa bình, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời, kiên quyết phản đối hành động sai trái của Trung Quốc.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi mọi người dân không có những hành động vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu cùng nhau gìn giữ an ninh trật tự, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển, sản xuất kinh doanh nâng cao đời sống xã họi.
Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội thì bị cáo lại thực hiện hành vi gây rối, đập phá tài sản của công dân là đi ngược đường lối, chính sách của Đảng và trái với pháp luật của Nhà nước.
Bản thân Nghiêm cũng là một công nhân lao động tại công ty cổ phần Chấn Kiệt, lẽ ra, khi nhìn thấy những người biểu tình tụ tập, gây rối đập phá tài sản của công ty nơi mình làm việc, bị cáo phải biết can ngăn và giữ thái độ bình tĩnh, sáng suốt cùng với anh em công nhân và mọi người dân bảo vệ tài sản của công ty, không thực hiện hành vi gây rối, kích động làm cho tình hình căng thẳng thêm, vì đây là nơi tạo công ăn việc làm ổn định cho bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo lại hành động ngược lại.
Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước ta. Gây ảnh hưởng rất lớn đến chính sách ngoại giao và càng làm căng thẳng hơn tình hình an ninh, chính trị của nhà nước. Tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo thật sự ăn năn hối cải nên tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội Gây rối trật tự công cộng, 18 tháng tù về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản, tổng cộng hình phạt là 36 tháng tù giam.