Trong khi mỗi con chim yến có thể mang lại hàng triệu đồng mỗi năm từ chính chiếc tổ của chúng thì một số người dân lại dùng lưới bẫy để bán cho các đầu mối với giá vài nghìn đồng khiến người đầu tư vào nhà yến “khóc đứng khóc ngồi”.
Nếu như người nuôi yến đầu tư hàng tỷ đồng để xây nhà yến, tạo môi trường sinh thái cho yến sinh sản, mất cả năm trời để dụ yến về, chờ yến xây tổ, sinh con và nuôi con trưởng thành mới thu hoạch tổ yến mang bán nhằm phát triển kinh tế thì những người bẫy chim yến chỉ cần một tấm lưới và chiếc loa phát âm thanh dụ yến là có thể “hốt” được cả nghìn con chim yến mỗi ngày.
Chim yến được coi là “lộc trời tiền tỷ” bởi không ít người trở thành tỷ phú nhờ làm nhà dụ chim yến đến xây tổ.
Sau khi bị bắt về, những con chim quý được nhốt trong những chiếc lồng chật chội và bán cho người dân để làm vật phóng sinh vào ngày rằm hay mùng 1, thậm chí lên bàn nhậu với giá chỉ 3.000 đồng/con. Những người đầu tư nhà nuôi yến tiền tỷ chỉ biết “khóc đứng khóc ngồi” trước tình trạng săn bắt yến bởi không biết kêu ai.
Ông Nguyễn Tuấn, trú tại xã Tấn Tiến (thị xã La Gi, Bình Thuận) cho biết, năm 2014, nhận thấy địa bàn xã Tân Bình có tiềm năng phát triển nhà yến nên ông đã đầu tư xây dựng nhà nuôi yến rộng 360m2 với chi phí 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 6 năm xây nhà yến mà số lượng chim yến về ngày càng giảm khiến cho ông gặp không ít khó khăn.
Những tấm lưới dài vài trăm mét được giăng lên để bẫy yến.
“Khi xây nhà yến và dùng kỹ thuật để dụ chim về làm tổ thành công tại xã Tân Bình, tôi lại tiếp tục vay mượn ngân hàng xây thêm 2 nhà yến tại xã Tân Tiến với chi phí hơn 2 tỷ đồng, thế nhưng chim về đến đâu người dân lại dùng lưới bẫy hết đến đó”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, chim yến là động vật sống bầy đàn và rất chung thủy, nếu bị tấn công, chim yến sẽ phát ra tiếng kêu cứu, khi đó cả đàn chim yến sẽ kéo đến giải vây. Lợi dụng điểm yếu này, những người bắt yến đã dùng lưới giăng cả km kèm loa có phát ra âm thanh giả tiếng chim yến kêu cứu hoặc dùng chính những con chim đang sống, buộc lên để bẫy chim, bán vào nhà hàng, quán nhậu.
Thậm chí họ dùng chính những con chim yến còn sống rồi cột vào cành cây để bẫy cả đàn.
“Mỗi buổi sáng tại các cồn cát sát bờ biển có hàng trăm người kéo nhau đi bắt chim yến, nhìn hàng nghìn con chim bị nhốt trong những chiếc lồng mà đau thắt ruột. Bởi chim yến bị giết thịt đồng nghĩa với việc nhà yến không có chim về làm tổ, hoặc những con chim non sẽ không được ăn mồi mà chết dần trong tổ yến”, ông Tuấn thở dài.
Đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng nhà yến, anh Huỳnh Thái Dương, trú tại xã Bình Tân (huyện La Gi) cũng ở trong cảnh “vườn không nhà trống” khi số lượng chim yến về làm tổ ngày một thưa dần do tình trạng bẫy chim yến ngày càng nhiều.
“Những người không có nhà yến lại đi bắt yến theo kiểu truy sát. Họ dùng các tấm lưới đánh cá dài hàng trăm mét, dệt bằng sợi nilon trong suốt, buộc vào 2 cây tre cao hàng chục mét, giăng lên để bẫy chim yến. Sau đó dùng loa phát ra âm thanh dể dẫn dụ, 1 con mắc lưới thì hàng trăm con cứ thế lao vào cứu, người bẫy chim chỉ việc hạ lưới xuống và cho vào lồng”, anh Dương cho biết.
Những con chim yến khỏe mạnh được nhốt vào lồng để bán làm vật phóng sinh.
Theo anh Dương, những con khỏe mạnh sẽ được đổ cho các mối để bán tại các cổng chùa làm vật phóng sinh với giá 7.000 đồng/cặp. Những còn yếu hơn sẽ được làm lông sạch sẽ, cấp đông rồi bỏ sỉ cho các quán nhậu với giá 700 đồng/con. Các quán nhậu chế biến “đội lốt” chim sẻ rồi bán ra với giá 3-5.000 đồng/con.
“Tôi cùng một số nhà yến khác có đến tận chỗ họ đang bẫy bán nhưng không ngăn cản được vì họ nói đó là chim trời, không phải của riêng nhà ai. Trong khi đó, hàng loạt nhà yến không có yến về, coi như mất trắng”, anh Dương nói.
Ông Đỗ Nguyễn Thy Linh, Chi hội trưởng Chi hội yến sào Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 1.000 nhà yến. Trong 2 năm trở lại đây, do nạn săn bắt chim yến diễn ra phức tạp nên lượng chim giảm đi từ 30-40% khiến nhiều nhà yến gặp khó khăn, thậm chí có nhà phải bỏ không vì không có chim về.
Theo ông Linh, việc bắt chim làm vật phóng sinh không đáng lo bằng việc lấy chim yến làm mồi nhậu. “Thường họ phóng sinh vào một số ngày lễ lớn hoặc ngày tuần, còn dùng làm mồi nhậu thì quanh năm nên tình trạng này mới nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Chim yến được làm sạch, cấp đông thành từng túi rồi bán cho các quán nhậu với số lượng lớn.
Theo tính toán, mỗi cặp chim yến sẽ sản xuất ra khoảng 3 tổ chim/năm, với vòng đời của chim yến có thể sản xuất ra lượng tổ tương đương khoảng 5 triệu đồng. Chưa kể chim non được sinh ra, trưởng thành và tiếp tục làm tổ, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Hơn nữa, chim yến là loài vật chuyên ăn sâu bọ, bảo vệ hoa màu cho bà con nông dân nên bắt chim yến làm mồi nhậu sẽ làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái môi trường.
Nắm bắt được tình hình giăng lưới bắt chim yến có điểm nóng tại thị xã La Gi, từ đầu năm 2020, Chi hội yến sào Bình Thuận cùng với một số cơ quan chức năng và khoảng 50 thành viên thuộc cộng đồng những người bảo vệ chim yến đã tổ chức đi tuần hành xung quanh thị xã, phát loa tuyên truyền và đến từng nhà vận động người dân không nên săn bắt chim yến.
“Việc săn bắt yến từ Bình Thuận đã lan ra một số địa phương khác như khu vực huyện Krông Pắk, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), TP.Châu Đốc (An Giang), TP.Tuy Hòa (Phú Yên)… gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế mà ngành nuôi yến tạo ra nên rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc để có chế tài xử lý, bảo vệ loài chim quý này”, ông Linh nói.