Thầy giáo kiện nhà trường vì không được đứng lớp

Ngày 22/05/2016 12:31 PM (GMT+7)

Bị thầy giáo kiện ra tòa vì đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhà trường thỏa thuận nhận thầy giáo vào làm việc lại. Thầy giáo rút đơn kiện, sau đó trường chỉ bố trí cho ông làm nhân viên giao nhận thiết bị nên ông kiện tiếp.

Ngày 20-5, TAND TP.HCM đã hoãn phiên xử phúc thẩm vụ “tranh chấp hợp đồng lao động” giữa ông HTV và một trường tiểu học ở quận Bình Tân. Lý do là ông V. bị cảm kèm đau họng, không trình bày được và có đơn xin hoãn phiên tòa. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ được mở lại vào ngày 1-6 tới.

Nhận lại làm việc nhưng cho làm nhân viên

Đây là một vụ tranh chấp về lao động khá lạ. Theo đơn khởi kiện của ông V. nộp tại TAND quận Bình Tân, đầu tháng 9-2010, ông V. đã ký hợp đồng lao động làm việc tại trường tiểu học nói trên với chức danh chuyên môn là giáo viên (hợp đồng có thời hạn một năm). Tháng 1-2011, UBND quận Bình Tân ban hành quyết định về việc tuyển dụng viên chức. Theo đó, ông V. được tuyển dụng vào viên chức loại A1, ngạch giáo viên tiểu học cao cấp, bậc 1.

Sau đó, hiệu trưởng trường tiểu học đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông V. vì cho rằng ông V. thiếu tinh thần trách nhiệm, nhiều lần vi phạm quy chế chuyên môn, năng lực yếu, ý thức tổ chức kém, nhiều lần tự ý bỏ dạy trên lớp.

Ông V. khởi kiện nhà trường yêu cầu TAND quận Bình Tân giải quyết. Đến tháng 10-2011, UBND quận Bình Tân ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết các chế độ với ông V. Trong quá trình tòa giải quyết vụ án, đại diện UBND quận Bình Tân và hiệu trưởng trường tiểu học hứa nhận ông V. trở lại làm việc và sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ông V. cũng đồng ý rút đơn khởi kiện. Từ đó, tòa đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.

Tháng 11-2012, ông V. và trường tiểu học ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với chức vụ nhân viên giao nhận thiết bị. Theo ông V., phía nhà trường giải thích với ông rằng đây chỉ là công việc tạm thời vì các lớp đang vào mùa học ổn định nên không thể xếp cho ông đứng lớp giảng dạy. Nhà trường hứa sang năm sẽ cho ông tiếp tục giảng dạy.

Đến năm học sau, ông V. nhiều lần yêu cầu trường cho ông làm công việc đúng chuyên môn giảng dạy nhưng không được chấp nhận. Đến tháng 10-2013 (sau nghỉ hè), ông V. nghỉ luôn, không vào trường làm việc nữa vì không đồng ý với việc bố trí công việc của trường. Tháng 11-2013, nhà trường đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông V.

Thầy giáo kiện nhà trường vì không được đứng lớp - 1

Tiếp tục kiện

Lần này, cho rằng trường tiểu học không thực hiện lời hứa cho ông đứng lớp giảng dạy như đã cam kết, ông V. tiếp tục khởi kiện yêu cầu TAND quận Bình Tân buộc UBND quận phải thu hồi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết các chế độ với ông năm 2011, khôi phục lại công việc theo hợp đồng lao động thứ nhất đã ký năm 2010.

Ông V. cũng yêu cầu UBND quận Bình Tân và trường tiểu học phải xin lỗi, bồi thường tổn thất tinh thần cho ông 50 triệu đồng. Mặt khác, ông cũng yêu cầu nhà trường phải trả cho ông 400 triệu đồng là tiền chia đều cho cán bộ, công chức trong trường vì trường được giao kinh phí tự chủ, tự quyết toán, cuối năm tiền dư ra chia đều cho cán bộ, công chức theo quy định. Mọi người trong trường đều được nhận nhưng riêng ông thì không được nhận từ năm 2010. Ngoài ra, ông V. còn yêu cầu tòa hủy hợp đồng lao động thứ hai đã ký với trường tiểu học. Đối với hợp đồng lao động thứ hai ký với trường tiểu học, ông V. yêu cầu tòa chấm dứt vì cho rằng hợp đồng này là giả tạo...

Đại diện trường tiểu học thì cho biết trường đã thực hiện theo tinh thần của quyết định công nhận sự hòa giải của tòa án là nhận ông V. vào làm việc lại, ký hợp đồng lao động mới không xác định thời hạn (nội dung quyết định công nhận sự thỏa thuận của tòa không ghi rõ nhà trường nhận ông V. trở lại làm việc với chức danh gì - NV)… Sau này ông V. không vào làm việc nên trường mới chấm dứt hợp đồng...

Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2015, TAND quận Bình Tân đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông V. Theo tòa, đối với hợp đồng lao động thứ nhất của ông V. đã được tòa án giải quyết bằng một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị và đã có hiệu lực. Với hợp đồng lao động thứ hai, hai bên đã chấm dứt vào ngày 1-11-2013. Đối với khoản tiền thu nhập tăng thêm, với hợp đồng lao động đầu ông V. đã ký nhận hằng tháng, còn với hợp đồng lao động thứ hai thì khoản tiền này đã cụ thể hóa vào hợp đồng lao động.

Theo LỆ TRINH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự