Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, ngoài trụ cầu T22 bị nứt dọc đơn vị này còn phát hiện trụ T23 và T24 cũng xuất hiện vết nứt, tuy có nhỏ hơn.
Trụ T23 và T24 cũng có vết nứt
TEDI là đơn vị khảo sát, thiết kế và giám sát quá trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy trên địa bàn Hà Nội. Ngay sau sự cố nứt trụ cầu T22, đơn vị này đã thực hiện khảo sát hiện trường.
Kết quả khảo sát được ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI cho biết, kết cấu dầm cầu bê tông không xuất hiện nứt, các trụ cầu làm việc ổn định, không có hiện tượng lún, nghiêng. Các trụ cầu từ TI8 đến T21 không có hiện tượng nứt bê tông theo phương dọc, ngang.
Riêng trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc có thể quan sát thấy bàng mắt thường, vết nứt xuất hiện tại tim trụ theo hướng dọc câu ở cả hai phía. Phía Vĩnh Tuy vết nứt xuất phát từ phạm vi bắt đầu phần rỗng của thân trụ kéo lên phía trên khoảng 10m, chiều rộng vết nứt lớn nhất ở phía dưới khoảng 2 mm, phía trên nhỏ dần với bề rộng khoảng 0,5mm. Mặt đối diện của thân trụ phía Long Biên vết nứt với xu hướng tương tự, tuy nhiên chiều rộng vết nứt nhỏ hơn, khoảng 0,3mm và chiều dài khoảng 8m.
Vết nứt dọc trên trụ T22 có nước rỉ và rêu xanh
Ngoài ra, tại vị trí trụ T23 cũng xuất hiện vết nứt nhưng chiều rộng nhỏ ở vị trí tương tự trụ T22, chiều dài vết nứt khoảng (2-3)m, chiều rộng vết nứt lớn nhất khoảng 0,3mm. Hiện tượng này cũng có xuất hiện trên thân trụ T24 nhưng chỉ có ở phía Long Biên, bề rộng vết nứt nhỏ hơn nhiều, quan sát kỹ mới thấy.
“Từ kết quả kiểm tra hiện trường kết hợp với rà soát hồ sơ bản vẽ và bản tính cho thấy, vết nứt trên thân trụ T22 mang tính cá biệt trong khi các trụ có cấu tạo và điều kiện chịu lực tương đồng như các trụ TI8, TI9, T20, T21 và T23 không xuất hiện vết nứt hoặc có vết nứt nhưng rất nhỏ, trong khi kết cấu chỉ làm việc trong điều kiện khai thác thông thường.
Vết nứt không phản ánh kết cấu bị hư hỏng do điều kiện làm việc, cụ thể vết nứt nằm ở tim và chạy dọc theo thân trụ lên phía trên, vết nứt có tính đơn lẻ. Vị trí và đặc điểm của vết nứt ít ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của thân trụ trong điều kiện cốt thép ở vị trí vết nứt không bị hư hỏng”, ông Sơn đánh giá.
'Kết luận co ngót bê tông là vội vàng'
Qua thông tin nhận được từ đơn vị quản lý cầu, thân trụ T22 đã xuất hiện hiện tượng nứt theo phương dọc nói trên từ tháng 3/2010, qua thời gian vết nứt này phát triển dọc theo thân trụ lên phía trên và mở rộng dần nhưng từ năm 2012 đến nay vết nứt không phát triển nữa.
“Vết nứt dọc trên thân trụ T22 không phải do điều kiện chịu lực mà khả năng trong quá trình thi công thân trụ do ảnh hưởng bất lợi của một hay tổ hợp những yếu tố bất lợi như độ ẩm, nhiệt độ môi trường xung quanh, độ sụt lựa chọn của bê tông, quá trình bảo dưỡng sau khi đổ bê tông đã tác động tới quá trình thuỷ hoá bê tông làm hình thành vết nứt ngay trong khi bê tông đang ninh kết”, ông Sơn kết luận.
Thêm 2 trụ cầu được phát hiện nứt, tuy vết nứt nhỏ hơn trụ T22
TEDI cũng đưa ra hướng khắc phục đối với các vết nứt trên các cụ trâu Vĩnh Tuy. Theo TEDI cần sớm tiến hành ngay việc bơm keo trám kín khe nứt nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của môi trường bên ngoài tới cốt thép chịu lực, đặc biệt đối với vị trí nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của mực nước thay đổi.
Ngoài ra, cần có phương án tiếp tục theo dõi diến biến của vết nứt sau khi được khắc phục để có biện pháp xử lý kịp thời. TEDI cũng khuyến nghị Sở GTVT Hà Nội có chỉ định một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đánh giá mức độ ảnh hưởng do vết nứt và đề xuất phương án xử lý.
Theo ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), các vết nứt nếu nhìn bằng mắt thường thì không quá nghiêm trọng, cầu đảm bảo phương tiện lưu thông bình thường.
Tuy nhiên, theo đánh giá tại thời điểm này, nguyên nhân gây nứt trụ cầu không chỉ do co ngót bê tông mà còn nhiều nguyên nhân khác tác động đến.
“Kết quả cụ thể về vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy phải chờ đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đưa ra. Việc thuê tư vấn độc lập sẽ do chủ đầu tư thực hiện theo công trình vì đây là công trình đã đưa vào sử dụng và có thời gian bảo hành,” ông Hùng cho hay.
Còn ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, để tìm nguyên nhân nứt trụ cầu, các cơ quan chức năng cần phải có cách tiếp cận chặt chẽ và khoa học về cấu tạo, tính chất hoạt động của kết cấu cũng như lịch sử thi công và khai thác sử dụng của cây cầu.
“Vết nứt dọc trụ cầu là biểu hiện bất thường. Đây là trụ bê tông rỗng, dạng nứt dọc có vẻ không phải dọc chịu lực thông thường. Cần thiết phải thành lập đơn vị kiểm định, sử dụng phương tiện kỹ thuật để “siêu âm”, tìm ra nguyên nhân sớm nhất. Đặc biệt, khi chưa tiến hành kiểm định mà kết luận do co ngót bê tông là hơi vội vàng và chưa thể khẳng định ngay được,” ông Trần Chủng nhìn nhận.