Cuối năm học, giáo viên tiểu học phải ghi học bạ cho học sinh. Yêu cầu là nội dung phải phản ánh được quá trình, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh sau một năm học, chữ viết phải đẹp. Nếu viết sai thì nhiều nơi không "chấp nhận" sửa và giáo viên phải thay quyển khác...
Việc này tốn kém tiền bạc mua học bạ và mất khá nhiều thời gian, công sức cho giáo viên...
Ai đọc?
Có giáo viên phát biểu, ví học bạ học sinh tiểu học như là "bức thư không bao giờ được gửi", mà chỉ "cho có" (để đối phó với thanh tra, kiểm tra chẳng hạn...). Vậy, ai có thể đọc học bạ của học sinh?
- Giáo viên viết ra thì phải đọc (đương nhiên).
- Hiệu trưởng đọc rồi thì mới ký (về lý thuyết).
- Phụ huynh học sinh đọc để biết học lực, hạnh kiểm con mình (nếu họ quan tâm, có thời gian và biết chữ - xin lỗi, nhiều đồng bào dân tộc không biết...).
- Giáo viên lớp sau sẽ tiếp quản lớp học sinh này (nếu tâm huyết)...
Có nhất thiết phải có học bạ "giấy"?
Học bạ học sinh theo Thông tư 30
Tôi cho rằng, người cần quan tâm nhất đến học bạ của học sinh là giáo viên dạy lớp trên liền kề. Bởi vì, trong dạy học, có một nguyên tắc tối quan trọng - đó là tính vừa sức: nội dung, phương pháp, hình thức và kiểm tra, đánh giá phải vừa sức với học sinh (nhất là cá nhân học sinh) thì mới có chất lượng, hiệu quả dạy học.
Để tổ chức được hoạt động vừa sức với học sinh, giúp học sinh chiếm lĩnh được nội dung (và từ đó tiến bộ), giáo viên nhất thiết phải nắm chắc trình độ (kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi liên quan các môn học và hoạt động giáo dục), những năng lực và phẩm chất của từng em. Và, khi đó, một nguồn thông tin quan trọng là học bạ. Tốt hơn nữa, những thông tin này cần được giáo viên lưu giữ "đâu đó" (không ai có tài thánh đọc học bạ một lần là nhớ ngay được tất cả nội dung học bạ từng em học sinh!) như máy tính chẳng hạn... Vậy thì, giáo viên lớp sau nên có "file phần mềm" học bạ từng học sinh.
Bên cạnh đó, thậm chí nhiều giáo viên cho rằng, để biết trình độ học sinh tiểu học đầu năm, họ tự tổ chức khảo sát học sinh (mà không căn cứ vào học bạ)?!
Có nên thay học bạ giấy không?
Tôi cho rằng, nên thay học bạ "giấy" bằng học bạ "điện tử" (nếu có điều kiện thuận lợi như: giáo viên có máy tính, có kỹ năng sử dụng máy tính, quản lý giáo dục tạo chấp nhận...). Học bạ này có thể được lưu giữ trong máy tính của giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng và dễ dàng được in ra khi cần (có lưu dưới dạng file PDF).
- Đối với giáo viên chủ nhiệm: Phải chịu trách nhiệm về nội dung của những "file học bạ" này (những file này gửi qua email như là "bằng chứng" về nội dung giáo viên gửi cho người khác).
- Đối với hiệu trưởng: Hiệu trưởng phải nhận được những "file học bạ" này từ giáo viên chủ nhiệm (tốt nhất qua email để bảo đảm về pháp lí, nếu có gì thì giáo viên không "cãi" được; ký xác nhận khi cần (in ra giấy cho phụ huynh chẳng hạn).
- Đối với phụ huynh: Đọc "file học bạ" qua email hoặc đã được in ra giấy (nếu quan tâm...).
- Đối với giáo viên lớp trên liền kề: Nhận "file học bạ" từ hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp trước (qua email), rồi lưu vào máy (nếu không có máy tính thì nhận bản in).
Học bạ "điện tử" vừa tiết kiệm, lại giảm áp lực cho giáo viên. Tại sao không? Bác Hồ dạy, "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh". Vậy thì, CÁI GÌ CÓ LỢI CHO GIÁO VIÊN, HỌC SINH thì phải làm ngay! CÁI GÌ MANG TÍNH HÌNH THỨC ĐỐI PHÓ thì phải xem xét lại và dẹp ngay!
Tuy nhiên, sự thay đổi này vấp phải những thách thức không nhỏ như: quan niệm và nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, máy tính nối mạng, kỹ năng sử dụng máy của giáo viên tiểu học, phần mềm phù hợp và thuận tiện... Suy ra cho cùng, khó nhất vẫn là yếu tố CON NGƯỜI.
ĐỂ TRA CỨU ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT QG NĂM 2015 SOẠN TIN: DIEM <SỐ BÁO DANH> gửi 8702 VD: Thí sinh thi ở cụm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội, SBD là BKA000345, soạn tin: DIEM BKA000345 gửi 8702 Xem chi tiết Bấm đây |