Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Thông tư 30 quy định về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học. Kết thúc năm học, dư âm đọng lại vẫn là lo lắng và đối phó.
Nhận xét theo “cẩm nang”
Chị Minh Hoàng, có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 (TPHCM) cho biết: “Con tôi về kể rằng, cuối giờ học, cô giữ mấy bạn học giỏi lại để cắt dán lời nhận xét mà cô đã in sẵn vào sổ liên lạc. Con thấy lời nhận xét nào cũng giống hệt nhau”.
Trên các mạng xã hội, trong các nhóm của giáo viên tiểu học, không khó để tìm được các cuốn “từ điển lời phê”, “cẩm nang nhận xét” được các thầy cô giáo chuyền tay nhau để đối phó với “vấn nạn” sổ sách cuối năm.
Những lời nhận xét được giáo viên "nhân bản" để đối phó với áp lực sổ sách
Một giáo viên (đề nghị giấu tên) của trường tiểu học trên địa bàn quận 6 giải thích: “Dù bị xã hội lên án là “nhân bản vô tính lời phê”, nhưng đó là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để tất cả học sinh trong lớp mình quản lý không cảm thấy bị hụt hẫng, vì sao bạn này có mà bạn kia không”.
Ngoài ra, quy định mới còn buộc giáo viên phải hoàn thành nhiều loại sổ sách khác như học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, phiếu hoặc sổ liên lạc trao đổi ý kiến của cha mẹ học sinh, giấy chứng nhận, giấy khen, xác nhận thành tích của học sinh...
Không chỉ có thế, trong đợt kiểm tra cuối học kỳ II vừa rồi, giáo viên lại phải “vác” thêm gánh nặng đề thi. Theo các giáo viên, những năm trước đây, đề kiểm tra do phòng GDĐT biên soạn hoặc ban giám hiệu kết hợp với tổ trưởng chuyên môn ra đề. Nhưng kể từ năm học này, mỗi giáo viên từ khối 1 đến khối 4 phải tự ra đề kiểm tra cho lớp mình. Riêng đối với khối 5, mỗi giáo viên sẽ ra một bộ đề kiểm tra, sau đó ban giám hiệu tổng hợp lại để ra đề chung cho toàn khối.
Như vậy ngoài nhiệm vụ tập trung ôn tập cho học sinh hệ thống lại toàn bộ kiến thức, giáo viên còn kiêm luôn trách nhiệm biên soạn đề thi và xây dựng đáp án với các mức thang điểm rõ ràng, bên cạnh đó vẫn phải nhận xét cho các loại sổ sách. Áp lực quá tải đổ lên giáo viên không hề giảm chút nào mà ngày càng căng thẳng hơn.
Có đánh giá đúng thực chất?
Nhiều phụ huynh lo ngại khi cả năm con mình chỉ được nhận xét, cuối năm lại thi lấy điểm. Nếu cả năm các em đều nhận được những lời nhận xét tốt nhưng điểm số bài thi cuối năm thấp hoặc ngược lại, cả năm bị thầy cô đặt bút phê “cần cố gắng” nhưng bài kiểm tra cuối năm đạt điểm 9, 10 thì phụ huynh sẽ dựa vào đâu để đánh giá năng lực thật sự của con em mình?
Nhiều hiệu trưởng bày tỏ sự lo lắng về hướng dẫn khen thưởng cuối năm. Bởi lẽ khi đã giao hoàn toàn quyền chủ động cho các trường, trong đó có việc tự lên danh sách và đặt ra những tiêu chí khen thưởng học sinh thì vấn đề làm sao “đẹp lòng” tất cả phụ huynh lại là bài toán khó đặt ra cho các trường.
Để Thông tư 30 thực sự có chất lượng, rất cần những sửa đổi cũng như chỉ đạo cụ thể và chính xác hơn nữa của các cấp lãnh đạo đối với các trường và giáo viên, những người trực tiếp thực hiện.