Thu Hằng đỗ chương trình thạc sĩ Giáo dục của Đại học Oxford hồi tháng 4, trước khi nhận bằng thủ khoa tốt nghiệp trường Ngoại ngữ với điểm trung bình 3.97/4.
Vũ Thu Hằng là sinh viên khoa Sư phạm Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hằng cho biết vui và tự hào với kết quả đạt được nhưng không quá bất ngờ bởi đã đặt mục tiêu từ đầu.
"Ngay khi vào đại học, tôi xác định sẽ học thạc sĩ ở nước ngoài. Muốn thế, tôi cần duy trì điểm trung bình học tập (GPA) cao suốt 4 năm đại học để có lợi thế cạnh tranh", cô nói.
Vũ Thu Hằng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thủ khoa tốt nghiệp cho hay không có bí quyết học cụ thể, chỉ đặt mục tiêu, cố gắng thực hiện và có niềm tin đạt được điều mong muốn. Một ngày, Hằng chia thời gian cho cả học tập, hoạt động xã hội và đi làm. Cô tập trung nhiều nhất cho việc học, thường vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn, tùy lịch của trường.
Hằng nói vì muốn đạt điểm cao nên cô luôn khắt khe với bản thân, cố gắng hoàn thành bài một cách tốt nhất. Nhiều lần, vì chưa ưng ý với bài vở, Hằng thức xuyên đêm để học.
"Việc duy trì điểm số khiến tôi áp lực, có lúc chán nản, tự hỏi sao phải khổ như vậy. Tuy nhiên, áp lực cũng chính là động lực để tôi duy trì kỷ luật nhằm đạt mục tiêu", Hằng kể.
Hằng nói không gặp nhiều khó khăn với các môn chuyên ngành vì từng học tiếng Anh nhiều năm. Cô là cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, giành nhiều huy chương vàng tại các kỳ thi Olympic tiếng Anh, thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ. Năm 2020, Hằng đạt giải nhất quốc gia, được nhiều trường tuyển thẳng như Đại học Y Hà Nội, Ngoại thương, Ngoại ngữ...
Cô chọn ngành Sư phạm tiếng Anh vì thích làm về giáo dục. Sau khi vào trường Đại học Ngoại ngữ, được các thầy cô truyền cảm hứng, Hằng càng yêu thích ngành sư phạm. Nhờ chăm chỉ, Hằng giành học bổng ở 7/8 kỳ học.
Song song đó, Hằng chú ý đến hoạt động ngoại khóa để hoàn thiện hồ sơ du học như làm trưởng nhóm nghiên cứu và báo cáo viên tại các hội thảo khoa học về giảng dạy ngoại ngữ. Nữ sinh cũng ứng tuyển và được chọn tham dự nhiều chương trình giao lưu tại Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Thái Lan, cùng một số hoạt động tình nguyện.
Ngoài ra, Hằng sắp xếp đi làm thêm để có kinh nghiệm giảng dạy, từ năm thứ nhất. Có IELTS 8.0 nên Hằng dạy ôn IELTS cho nhiều lứa tuổi và trình độ. Nữ sinh nhìn nhận công việc này giúp bản thân hiểu tâm lý người học, đặt vào vị trí của họ để tạo ra sự kết nối và tin tưởng, nâng cao hiệu quả.
Cuối năm thứ ba, Hằng tập trung tìm hiểu các chương trình thạc sĩ, quyết định ứng tuyển vào Đại học Oxford, Anh. Ngôi trường này hiện đứng đầu trên bảng xếp hạng đại học của Times Higher Education (THE).
Khó khăn lớn nhất với Hằng là vừa phải hoàn thành khóa luận tốt nghiệp vừa chuẩn bị hồ sơ du học. Vì phải tập trung cho khóa luận, cô lỡ đợt xét học bổng của Oxford hồi giữa tháng 1, phải nộp hồ sơ vào đợt tháng 3. Nữ sinh cho hay mất ba tháng để viết xong bài luận cá nhân, hai bài viết học thuật, xin thư giới thiệu. Ở vòng phỏng vấn, mọi thứ dễ dàng hơn.
"Tôi không gặp trở ngại gì suốt cuộc phỏng vấn 20 phút vì không khí trao đổi thoải mái", Hằng kể. "Ban tuyển sinh hỏi sâu về định hướng nghiên cứu ở bậc thạc sĩ của tôi".
Hằng cho biết muốn nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động tới sự phát triển của giáo viên, trong bối cảnh ở Việt Nam, để đề xuất chính sách và hỗ trợ phù hợp cho họ.
TS Nguyễn Thu Lệ Hằng, Trưởng bộ môn Giáo dục Khai phóng, khoa Sư phạm tiếng Anh, tự hào khi học trò nhận thư trúng tuyển Oxford khi chưa tốt nghiệp. Cô Hằng nói ấn tượng vì dù bận đến đâu Hằng vẫn hoàn thành các bài tập lớn cùng nhóm, với sự sáng tạo và chỉn chu.
"Tôi tin em ấy sẽ tiếp tục tiến xa và vững vàng trên con đường lựa chọn", bà nói.
Cuối tháng 9, Hằng sẽ lên đường sang Anh du học một năm. Cô định trở về Việt Nam sau khi học xong, mong muốn được giảng dạy, nghiên cứu ở một trường đại học.
"Hãy có niềm tin vào bản thân và năng lực của mình. Khi đủ quyết tâm với điều mình muốn, sớm muộn bạn cũng đạt được mục tiêu", Hằng đúc kết.