Thử nghiệm này mở ra hi vọng mới cho những người mắc ung thư, căn bệnh đang cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm.
Một loại vắc xin mới dùng để chống ung thư đang được thử nghiệm tại Anh. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, loại thuốc này sẽ hiệu quả trong việc tiêu diệt các khối u, khi tất cả các phương pháp điều trị khác thất bại.
Hai tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm vắc xin tại bệnh viện Guy ở London. Dự kiến, có tổng cộng khoảng 30 bệnh nhân sẽ tham gia vào nghiên cứu này trong hai năm tiếp theo.
Tương tự như cách các loại vắc xin bảo vệ chúng ta khỏi những căn bệnh nhất định, loại vắc xin mới cũng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Thông thường, các thành phần khác nhau của hệ thống miễn dịch - trong đó bao gồm các tế bào bạch cầu như các tế bào T - bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư bằng cách tiêu diệt các tế bào khối u. Tuy nhiên, một số khối u có thể tránh được những hàng rào tự nhiên này.
Khi các khối u "trốn" được các tế bào T và ung thư phát triển đến một giai đoạn nhất định, hệ thống miễn dịch thường bị đàn áp. Nhiều yếu tố được cho là chịu trách nhiệm về hiệu ứng này. Có thể do tế bào khối u có khả năng gây tổn hại cho các tế bào miễn dịch hay làm giảm sản xuất tế bào máu trắng khi ung thư lan đến tủy xương.
Vắc-xin mới được tạo ra để kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các khối u. Ảnh minh họa: EsHanPhot/Shutterstock
Về cơ chế hoạt động của vắc xin, bệnh nhân thường được tiêm một lượng nhỏ kháng nguyên, loại chất có khả năng gợi ra một phản ứng miễn dịch, kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu chủ động. Khả năng tạo ra các kháng thể này được giữ lại trong một khoảng thời gian, có nghĩa là hệ thống miễn dịch ghi nhớ và có thể chống đỡ được những trường hợp tương tự trong tương lai.
Theo đó, loại vắc xin đang được thử nghiệm bao gồm các mảnh nhỏ của một loại enzyme được tìm thấy trong các tế bào ung thư. Được gọi là human telomerase reverse transcriptase (hTERT), các mảnh này có chức năng điều chỉnh độ dài của mũ bảo vệ trên nhiễm sắc thể gọi là telomere, cho phép các tế bào ung thư phân chia liên tục.
Các nhà khoa học hi vọng rằng kháng nguyên sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể có thể nhắm mục tiêu vào enzyme này, qua đó tạo điều kiện cho việc phá hủy các tế bào ung thư.
Để kích hoạt quá trình điều trị, vắc xin được kết hợp với hóa trị liệu liều thấp để tiêu diệt một số tế bào khối u và đảo ngược ức chế hệ thống miễn dịch.
Các nhà khoa học tin rằng, sau thử nghiệm, loại vắc xin mới có thể chứng minh tính hiệu quả trên tất cả các loại khối u.
Hiện vắc xin này đang được thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư.
Kelly Potter, một phụ nữ 35 tuổi được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối vào mùa hè năm ngoái, nói rằng việc tham gia nghiên cứu này đã "thay đổi cuộc đời tôi". Cô cũng nói thêm rằng: "Thật tuyệt vời khi là một phần của một nghiên cứu đột phá".