Tái tạo lại mặt cho nữ bệnh nhân bị bệnh ung thư ăn mòn

Ngày 05/02/2016 10:10 AM (GMT+7)

Sau 14 tiếng đồng hồ “đấu trí” căng thẳng, ca phẫu thuật đã thành công, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo và tiếp tục phục hồi thể trạng để chuẩn bị ca phẫu thuật tiếp theo.

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn và Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Bệnh viện ĐH Y Hà Nội vừa thực hiện thành công ca tái tạo mặt hết sức hy hữu cho một bệnh nhân nữ 60 tuổi, quốc tịch Lào.

Được biết, cách đây 20 năm, bệnh nhân phát hiện khối u nhỏ kích thước khoảng 1cm vùng cánh mũi, đã được khám và chẩn đoán ung thư tế bào đáy tại một bệnh viện lớn tại Thái Lan. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật tại Thái Lan, khối u của bệnh nhận tiếp tục xuất hiện và “ăn mòn: gần hết khuôn mặt, mất toàn bộ mũi và phần môi trên…

Trước tình hình bệnh tật ngày càng nguy kịch, tháng 10/2015 bệnh nhân đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn khám, rất may mắn lúc này khối u vẫn chưa chuyển sang giai đoạn di căn.

GS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn - Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại Học Y Hà Nội, người trực tiếp lên kế hoạch và phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, đây là ca bệnh có tổn thương mặt diện tích lớn vô cùng hiếm gặp trong y văn thế giới. Bệnh nhân lại trên nền thể trạng yếu do đó trong vòng gần 3 tháng, bệnh nhân được tập trung nâng cao sức khỏe trước khi phẫu thuật.

Tái tạo lại mặt cho nữ bệnh nhân bị bệnh ung thư ăn mòn - 1

Các bác sĩ đang tiến hành tái tạo lại khuôn mặt cho bệnh nhân.

8h45 ngày 28/1, ca mổ được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật hàm mặt và gây mê hồi sức. Ca mổ gồm 2 ekip phẫu thuật song song với khoảng 10 bác sĩ.

Trong đó ekip hàm mặt của PGS Lê Văn Sơn tiến hành cắt bỏ toàn bộ các tổn thương ở tầng giữa mặt và một phần môi dưới, sau đó tạo hình khung xương hàm trên, mũi và sàn ổ mắt hai bên bằng titan.

Ekip còn lại của GS Thiết Sơn tiến hành hàng loạt kỹ thuật cao trong tạo hình như phẫu tích bóc vạt đùi trước 2 bên, phẫu tích mạch nhận để chuyển vạt lên, kỹ thuật nối mạch vi phẫu và đặc biệt tạo hình 4D tầng giữa mặt với các cấu trúc đường thở, môi, vòm, mũi má. Đến 22h45 cùng ngày, ca mổ kết thúc. Bệnh nhân được chuyển phòng hồi sức tích cực để theo dõi.

Một tuần sau khi phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo. Được biết, sau khoảng 1,5 tháng nữa bệnh nhân sẽ được tái tạo lại mũi. Khi hoàn thành, gương mặt bệnh nhân sẽ hồi phục 70% so với ban đầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là ca mổ rất phức tạp vì phải tái tạo đồng thời cả mặt, đường thở và vòm miệng. Trên thế giới ít có trường hợp nào được thực hiện cùng lúc những kỹ thuật này. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của y học Việt Nam.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những ca bệnh đặc biệt