Thư viện nhỏ của ông Phạm Thế Cường (số 352 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) là địa chỉ lui tới quen thuộc của hàng nghìn người dân, sinh viên, học sinh gần xa.0
Mới 6 tuổi, cậu bé Phạm Thế Cường đã rất thích đọc sách. Mặc dù chưa thật rành mặt chữ nhưng vào những lần không đến trường cậu bé Cường đã trốn gia đình tìm đến những thư viện quanh nhà, ngồi bệt xuống hành lang đọc “ngấu nghiến” từng cuốn sách dành cho thiếu nhi.
Thư viện của ông Cường luôn là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân, nhất các em nhỏ
“Thời gian đó tôi sinh sống ở Hà Nội. Thời kỳ miền Bắc đang trong quá trình xây dựng nên còn rất khó khăn, nhà sách cực kỳ ít. Chính vì thế dù chỉ mới là học sinh tiểu học nhưng tôi phải cuốc bộ cả mấy cây số mới có thể đến được nhà sách. Chẳng hiểu sao, sách lại mê hoặc tôi nhiều như thế”- ông Cường nhớ lại.
Dần dần, niềm yêu thích đọc sách bắt đầu cứ lớn dần trong ông. Mỗi lần có tiền ông lại dành dụm để mua sách. Mỗi lần đọc xong ông lại cất giữ cẩn thận trong tủ sách của mình. Cứ thế, tủ sách nhỏ của ông cứ bắt đầu lớn dần lên và số đầu sách cũng tăng dần từ đó. Năm 15 tuổi, ông Cường đã có hơn 100 cuốn sách và trên giá sách của ông không đủ chỗ để ông kê sách của mình.
Thư viện của ông Cường hiện có trên 25.000 đầu sách các loại
Năm 1982, ông chuyển công tác vào làm việc tại xí nghiệp X32 TP.HCM (trực thuộc Bộ Quốc phòng). Sau khi về hưu ông sở hữu lượng sách khổng lồ với hơn 25.000 đầu sách các loại, chiếm nhiều nhất là sách thể loại văn học, khoa học xã hội và một số ít sách kinh tế, khoa học tự nhiên, hội họa...
“Mỗi khi đọc sách lúc nào tôi cũng có thói quen giữ lại sách. Đến khi về hưu tôi có thời gian, có sách mà thấy các cháu xung quanh nhà thường đến tiệm Internet để giải trí, mà trên Internet lại có nhiều cái không hay nên tôi nghĩ tại sao mình không mang sách mình ra phục vụ các cháu”- ông Cường kể.
Vậy là vào ngày 19-05-2008, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng do chính ông xây dựng ra đời và đưa vào sử dụng. Dù căn nhà của ông không mấy rộng rãi nhưng ông cũng dành ra hơn 40m2 làm kệ sách kín cả 4 vách tường, rồi ông kê thêm vài bộ bàn ghế cho các em ngồi đọc. Những em nhỏ muốn mượn sách về nhà đọc ông cũng sẵn sàng cho mượn miễn phí. Mỗi em nhỏ khi đến mượn sách đều được ông làm một chiếc thẻ mượn sách để dễ dàng nắm được lượng sách mượn.
Dù đồng lương hưu không được là bao nhưng mỗi tháng ông Phạm Thế Cường đều phải bỏ ra từ 3 đến 4 triệu đồng duy trì hoạt động của thư viện và mua thêm sách bổ sung cho các cháu thiếu nhi. Mỗi em đến đọc sách ông đều ân cần chỉ bảo và tìm hiểu xem sở thích đọc sách của các em rồi âm thầm lên mạng tìm địa chỉ bán sách rồi đạp xe đi mua sách bổ sung vào thư viện.
Thư viện ông Cường luôn mở rộng cửa đón tất cả người dân, các em học sinh tới đọc và mượn sách
Thư viện của ông sau khi mở cửa nhiều tổ chức cá nhân ở TP.HCM đã ủng hộ nhiều đầu sách cho thư viện ông như thư viện khoa học tổng hợp, thư viện quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình….
Không chỉ lập thư viện miễn phí, ông Cường còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, dã ngoại cũng hoàn toàn miễn phí cho các em thiếu nhi. Lúc thì bảo tàng, khi là các công viên, dinh Thống Nhất…
“Tôi muốn ngoài những giờ học các em được đến vui chơi tại những địa điểm giải trí trong thành phố. Điều này không những giúp các em mở mang kiến thức mà còn dạy cho các em nhiều giá trị cao đẹp trong cuộc sống”- ông Cường chia sẻ.
Ngày hè đến, thư viện của ông Cường đông hẳn. Mỗi buổi chiều tối thứ 2,4,6 và ngày chủ nhật thư viện của ông Cường luôn đông đúc các em nhỏ đến đọc sách và mượn sách về đọc. Không những thế nhiều sinh viên các trường ĐH trong thành phố cũng đến mượn sách về đọc.
Em Đặng Đình Thi, học sinh lớp 5 kể: “Từ khi đến đọc sách ở thư viện bác Cường con không còn sợ môn Văn nữa. Những câu chuyện trong những cuốn truyện chữ giúp con có một vốn từ vựng phong phú giúp con vận dụng tốt trong các bài làm Văn. Ngoài ra con còn tìm đọc những cuốn truyện tranh hay như cô tiên Xanh, thần đồng đất Việt giúp con hiểu được những giá trị trong cuộc sống”.
Trong lúc các em đọc sách ông lặng lẽ sắp xếp lại những cuốn sách trên kệ để tiện cho việc tìm kiếm tên sách
Còn với em Nguyễn Ngọc Bảo Ngân, 15 tuổi thì mỗi khi đến với thư viện là những lúc em cảm thấy thoải mái nhất. “Được đọc những trang sách, rồi bật cười với những câu chuyện hay trong sách. Đến đây ngoài đọc sách em còn làm quen được rất nhiều bạn mới cùng yêu thích đọc sách với mình để cùng trò chuyện về những giá trị mà từng cuốn sách mang lại”- Ngân tâm sự.
Đối với ông Phạm Thế Cường, được nhìn thấy những em nhỏ chăm chú đọc sách với sự ham thích là lúc đó ông cảm thấy vui nhất vì ông luôn tâm niệm một điều “Những người yêu sách, ham thích đọc sách thì tuyệt nhiên sẽ không bao giờ làm những điều xấu cả”.