Hàng loạt quảng cáo về dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên facebook, zalo xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội với cam kết giá rẻ, bảo mật, uy tín đã thu hút nhiều người bỏ tiền triệu vào dịch vụ này.
Không khó để tiếp cận dịch vụ đọc trộm tin nhắn khi loại hình này được quảng cáo liên tục công khai trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người vì tò mò về các mối quan hệ xung quanh người yêu, chồng, đối tác mà nảy sinh ham muốn đọc trộm tin nhắn, nhằm kiểm soát và thăm dò sự chung thủy của đối phương.
Chỉ cần gõ từ khoá "đọc trộm tin nhắn" người dùng có thể bắt gặp hàng chục hội nhóm lớn nhỏ, nhan nhản các tài khoản cá nhận nhận thực hiện dịch vụ này. Bên cạnh đọc trộm tin nhắn còn là các dịch vụ đi kèm như hack tài khoản zalo, theo dõi định vị, khôi phục tin nhắn đã xoá....
Nhiều hội nhóm lớn nhỏ nhận đọc trộm tin nhắn, các nhóm này sở hữu lượng thành viên lớn.
Một tài khoản cá nhân giới thiệu dịch vụ đọc trộm tin nhắn. Tài khoản này có hơn 90.000 người theo dõi.
Theo lời giới thiệu của một tài khoản cá nhân chuyên làm dịch vụ này, tất cả hoạt động truy cập vào tài khoản của đối phương đều được bảo mật, không bị phát hiện, không để lại dấu vết. Chỉ cần cung cấp số điện thoại và đường link facebook, tên zalo... Sau đó, phía nhận dịch vụ sẽ thực hiện các thủ thuật để có được mật khẩu truy cập vào tài khoản được cung cấp từ trước.
Không có mức giá thống nhất và cố định trong thị trường này giao dịch này, người rẻ người đắt dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Liên lạc với tài khoản facebook Phương Nguyễn để tìm hiểu về giá dịch vụ, PV nhận được báo giá 500.000 đồng xem vĩnh viễn, đăng nhập song song không bị phát hiện.
Tài khoản này tuy có lượng người theo dõi lớn nhưng không có thông tin rõ ràng cụ thể, các bài đăng rất hạn chế và nội dung mới nhất được cập nhật từ cuối năm 2020. Tuy nhiên khi được hỏi giá cả dịch vụ đọc trộm tin nhắn thì tài khoản này ngay lập tức phản hồi, đề nghị kết bạn zalo để tiện trao đổi công việc. Sau khi thống nhất về giá cả, người này yêu cầu chuyển tiền trước để thực hiện dịch vụ, khẳng định chỉ "chốt đơn, nhận khách" khi tiền vào tài khoản chứ không có các hình thức thanh toán sau.
Khi mở lời đặt nghi vấn về việc sợ bị lừa đảo, đối tượng đã gửi nhiều hình ảnh biên lai chuyển tiền, tin nhắn trao đổi với các khách hàng khác để tạo lòng tin. PV mong muốn gặp mặt để làm việc trực tiếp cho an tâm thì tài khoản facebook trên cho biết "quá đông khách hàng nên không làm việc trực tiếp, không làm thì thôi".
Trên thực tế, đây chính là một hình thức lừa đảo chuyển tiền trước rồi chặn liên lạc như rất nhiều sự việc khác từng được cảnh báo trên mạng xã hội. Lợi dụng sự tò mò, ham muốn của nhiều người mà các đối tượng xấu bày đủ trò để chiếm đoạt tiền bạc. Trong các hội nhóm kín, nhiều tài khoản ảo được lập ra và đăng bài giới thiệu, khen ngợi một số đối tượng nhất định để tạo lòng tin cho những "gà mờ" vừa vào nhóm.
Các đối tượng xấu đều không sử dụng tên và hình ảnh thật. Tin nhắn trao đổi, biên lai chuyển tiền đều được ngụy tạo tinh vi. Những người bị lừa tiền chỉ dám "ngậm bồ hòn làm ngọt", không dám đăng bài cảnh báo, "bóc phốt" vì sợ người thân, bạn bè biết được hành vi của mình.
Bảng giá công khai trên một trang web, mức giá khá "mềm" so với mặt bằng chung.
Các phản hồi của khách hàng đa phần được ngụy tạo chứ không có thật.
Trong vài năm trở lên đây, tính năng bảo mật tài khoản mạng xã hội đã được nâng cấp, facebook có bảo mật 2 lớp, zalo phát hiện tài khoản lạ cố tình đăng nhập vào tài khoản cá nhân và giới hạn số lượng thiết bị truy cập nhằm bảo đảm quyền riêng tư cho người dùng. Hiện nay, tính cảnh giác và cẩn thận của người dùng khi sử dụng mạng xã hội ngày càng được nâng cao, rất khó để dùng các thủ thuật đơn giản xâm nhập trái phép vào tài khoản của người khác.
Những tưởng như đây chỉ là hành vi thỏa mãn nhu cầu cá nhân, nhưng thực chất việc đọc trộm tin nhắn, nghe lén điện thoại bằng các hình thức chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, thư tín, điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.
Điều 12 Luật Viễn thông 2009 cũng có quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, gồm có: "Thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông; trộm cắp, sử dụng trái phép tài nguyên viễn thông, mật khẩu, khóa mật mã và thông tin riêng của tổ chức, cá nhân khác”.