Trong 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước đạt 1 tỉ 649 triệu USD, tăng 18% so với cả năm 2014, đáp ứng được 48% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân.
Ngày 16/3 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo Nâng cao sức khỏe người bệnh: Tầm quan trọng của chất lượng và phát minh trong lĩnh vực dược phẩm, do Tiểu ban Dược phẩm (PharmaGroup), trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocharm). Tham dự và chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn.
Phát biểu tại hội thảo, bà Cecile Degans – Tổng giám đốc IMS Health tại Việt Nam cho biết mức giá của đa số các nhãn hiệu thuốc gốc phổ biến nhất ở Việt Nam thấp nhất trong khu vực
Theo bà Cecile Degans, Việt Nam có cơ sở hạ tầng y tế tốt với số lượng giường bệnh bình quân đầu người nhiều hơn ở các nước APAC và nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN. Tỷ lệ chi tiêu công trên tổng chi tiêu y tế tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với Malaysia hoặc Thái Lan.
Tại Việt Nam, bệnh nhân được tiếp cận thuốc chất lượng với mức giá hợp lý. Mức giá của đa số các nhãn hiệu thuốc gốc phổ biến nhất ở Việt Nam là thấp nhất trong khu vực ASEAN trong hầu hết các nhóm điều trị. Cụ thể, mức giá trung trên các nhóm điều trị tại Thái Lan là 1.14%, tại Việt Nam là 0.79% (mức giá đã được quy chuẩn với giá trung bình giữa các nước trong năm 2010 là 100%). Đặc biệt, thị phần về số lượng thuốc sản xuất trong nước của Việt Nam cao nhất so với các nước ASEAN (tính theo số lượng thuốc cung ứng năm 2014 là 74%, về giá trị chiếm 38%).
(Ảnh minh họa)
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết những đổi mới của ngành y tế, lĩnh vực dược trong thời gian qua đã từng bước phát triển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước ước đạt 1,649 tỷ USD, tăng 18% so với cả năm 2014. Sản lượng trong nước đã đáp ứng được khoảng 48% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân.
Hiện nay, dự thảo Luật Dược sửa đổi đang được Quốc hội xem xét và thông qua trong thời gian tới. Trong Luật dược sửa đổi đã bổ sung những quy định mới thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực dược cũng như khuyến khích các sản phẩm dược chất lượng cao, khuyến khích phát triển thuốc sản xuất trong nước, đặc biệt là thuốc có nguồn gốc dược liệu...
Ông Bradley Silcox, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm của Eurocham khẳng định cam kết của Tiểu ban trong việc phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam phát triển một ngành công nghiệp dược phẩm với chất lượng cao và bền vững.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác cùng các cơ quan hữu quan Việt Nam để tạo ra những diễn đàn đối thoại với sự tham gia của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các doanh nghiệp nhằm mục đích cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những giải pháp để phát triển ngành công nghiệp dược phẩm chất lượng và bền vững”, ông Bradley Silcox nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tầm quan trọng của chất lượng dược phẩm trong việc nâng cao sức khoẻ người bệnh và các giải pháp thúc đẩy phát triển thuốc phát minh trong ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam. Đặc biệt, các diễn giả quốc tế đã chia sẻ những bài học và kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý chất lượng dược phẩm và những biện pháp khuyến khích dược phẩm phát minh.