Lời thú nhận của ông chủ Hoàng Khải như một cú tát khiến nhiều người trước còn hồ nghi nay thêm tin thương hiệu Khaisilk thực sự đã chết.
Tôi vừa nghe một người bạn kể câu chuyện. Anh đến quán phở của ông Khaisilk bên quận 7. Thứ làm anh ấn tượng nhất về ông Khải chính là một thư viện rất lí tưởng để thư giãn và đọc sách. Lần đầu tiên anh thấy người làm ăn có thư viện là ở tòa lâu đài này. Anh đánh giá cao người có tủ sách hơn là kẻ có tủ rượu. Dù anh đắm đuối với rượu!
Trò chuyện với anh, ông Khải nói nhiều về đạo đức, triết lí kinh doanh, rằng nền tảng làm thước đo giá trị cho doanh nghiệp là thật thà, sang trọng, đẳng cấp và đẹp. Giữa một rừng đại gia phá làng, phá xóm làm dự án thì cái ông bán lụa, bán phở và kinh doanh nhà hàng này xem ra ổn nhất.
Thế rồi hôm nay, Khaisilk bán lụa Trung quốc gắn mác Việt Nam như đưa thêm nhát bào làm xói mòn đến tận cùng lòng tin vốn đã rất lung lay của anh. Đau hơn nữa “ mặt nạ” của vị doanh nhân kia đã rơi xuống và anh phải thốt rằng “ Anh Khải ạ, tại sao người sở hữu một thư viện như anh lại có lá gan to đến mức vậy chứ?
Còn riêng mình, tôi lại tiếc cho những khách hàng của ông ấy- những người vì ủng hộ hàng Việt, bị mê hoặc vì bề ngoài bóng bẩy và hào nhoáng của thương hiệu này mà nay nhận một cái tát đau đớn.
Mặc dù cho ông chủ Khaisilk Hoàng Khải đã “cúi đầu xin lỗi” nhưng những lời biện bạch ấy chưa đủ để xoa dịu dư luận mà còn bùng lên câu hỏi : Khaisilk chỉ sai lầm hay cố tình lừa dối khách hàng?
Cửa hàng Khaisilk bán hàng 'made in China' chiều 26/10
Người ta giận dữ bởi suốt mấy chục năm qua, một thương hiệu từng là niềm tự hào của lụa, tơ tằm Việt lại hành xử gây sốc như thế. Họ phẫn nộ bởi một doanh nhân đã từng phô bày bao triết lý cùng đạo đức kinh doanh nay lại rơi mặt nạ như vậy. Ngay cả lời xin lỗi của ông ấy, cực khó để tìm thấy sự chân thành.
Ông Hoàng Khải bảo rằng đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân xuất phát từ ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.
Ông chủ Hoàng Khải đã lên tiếng thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Trong khi đó nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Do vậy mà gần đây, ông quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về. Khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.
Tôi gọi điều đó là nguy biện bởi một cái khăn lụa tương tự ở Vạn Phúc trên dưới 50.000 đồng còn chiếc mà khách hàng phát hiện cắt mác “Made in China” gắn thương hiệu Khaisilk “ Made in Vietnam” vào bán đến 600.000đ!
Tôi cho đó là lấp liếm bởi khi bị phát hiện, Khaisilk vẫn cho rằng nhân viên lấy nhầm hàng và khi nhiều khách hàng khác lên tiếng, ông Hoàng Khải mới đăng đàn nói mấy lời trên. Nếu không bị phát giác và truy đến tận cùng, liệu vị này có mở lời hối lỗi như thế? Tôi không thấy có gì hứa hẹn ông ta sẽ làm thế.
Họ phẫn nộ chưa hẳn chỉ vì những cái khăn mác Việt hàng Tàu vì thật ra đôi khi chất lượng cũng ngang ngửa nhau. Tôi nghĩ họ nổi đóa vì thái độ của ông chủ thương hiệu Khaisilk.
Ông ta im lặng để nhân viên chống chế, tiếp tục lừa dối khách hàng. Họ giận dữ vì trò đánh lận con đen này đã diễn ra hàng chục năm nay. Họ không chấp nhận được một doanh nhân luôn răn dạy sự tử tế, đạo đức kinh doanh cho mọi người mà lại trắng trợn kéo dài như thế.
Tôi không biết khách hàng có thể tha thứ và ông còn cơ hội vực dậy hay không sau thảm họa này nhưng nếu ông Hoàng Khải vẫn giữ tư duy bóng bẩy bề ngoài kia tôi tin rằng lại một thương hiệu Việt đã qua đời...
Cú ngã của Khaisilk có lẽ sẽ kéo nhiều nhãn hàng và làng nghề tơ lụa ít ỏi còn lại của nước nhà vào cảnh lao đao. Lúc này đây khách hàng đã mất hết lòng tin vào thương hiệu gần như lớn nhất thì làm sao họ có thể tin vào những mặt hàng tương tự khác? Tôi không hiểu Hoàng Khải có cảm thấy hối lỗi với họ hay chỉ lo cho sự cố của mình?
>> Xem thêm: Khaisilk thừa nhận bán khăn Trung Quốc, xin lỗi và hứa bồi thường