Chuyện ông giám đốc người Nhật đứng cúi chào khách hàng là chuyện bình thường của người Nhật. Về mức độ lễ độ thì cũng chỉ tương đương cái gật đầu của những người Việt Nam bận rộn mà thôi.
Hình ảnh ông giám đốc công ty xăng dầu người Nhật đội mưa, đứng cúi chào khách hàng đến đổ xăng gây xôn xao mấy ngày nay. Nó trái ngược với phần lớn tư duy giám đốc là phải lên xe xuống ngựa, nghĩ lớn làm lớn, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu…
Chuyện không phải lạ với người Nhật nhưng rõ ràng là cú sốc văn hóa đối với người Việt Nam, những người thường ngạc nhiên trước cảnh trai gái hôn nhau ngoài đường và bàng quan trước cảnh… tè bậy trên hè phố. Vậy là người ta lại ồn ào “Giá như…”
Ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng.
Người Nhật từ bé đã dậy con trẻ cúi đầu khi chào hay nhận gì đó từ người khác, thể hiện sự khiêm nhường, lễ độ cũng như tôn trọng người đối diện. Thậm chí, người Nhật khi nói chuyện điện thoại với ai đó cũng liên tục cúi gập người cứ như người đó đang đứng ngay trước mặt.
May cho người Nhật, cuộc sống an nhàn và cả xã hội cùng duy trì cái nền nếp đấy đâm ra mới giữ được cho đến giờ. Nhiều khi ra đường cúi chào đáp lễ cũng phát mệt. Người bán rong, chào. Người soát vé, chào. Người dọn vệ sinh trên tàu, chào…có những hôm chào nhiều đau hết cả cột sống.
Thực ra quý vị đừng vội mặc cảm. Người Việt Nam cũng đã dậy trẻ con từ bé phải biết khoanh tay cúi đầu chào người lớn. Tiếc rằng, nhịp sống hối hả cuốn người ta đi đến nỗi nhiều khi chẳng đủ thời gian để mà duy trì đầy đủ cái thủ tục đó, vậy là người ta tìm cách rút gọn nó hay gọi là cải cách cũng được.
Đầu tiên là màn khoanh tay bỏ trước, nói gì nói cái này cũng dễ thông cảm. Ví dụ như đang lái xe máy hay cầm vật gì đó thì làm sao mà khoanh tay, vậy là chỉ mỉm cười cúi đầu miệng chào to một câu. Nhưng mà như thế vẫn rườm rà quá, nhỡ đang đi nhanh mà cúi đầu không nhìn đường va phải ai đó thì sao? Vậy là cắt giảm, chỉ gật đầu cười và chào to một cái. Thôi thì an toàn là trên hết, ta cũng nên thông cảm.
Nhưng rồi cuộc sống càng hối hả hơn, người ta lúc nào cũng vội. Ngay đến chuyện vào thang máy mà còn chẳng đủ thời gian chờ cho người bên trong đi ra hết đã phải vội chen vào cho kịp, thở chẳng ra hơi thì cái việc mở mồm chào có lẽ là hơi xa xỉ. Vậy là chỉ còn gật đầu cười một cái cho hợp xu thế.
Yêu nhau, quý nhau đứng xa liếc vào còn được, quan trọng gì cái câu cửa miệng phỏng ạ. Lắm lúc đang chen nhau chạy xe trên vỉa hè tránh tắc đường thì nhận ra nhau để gật đầu chào cũng còn là khó ấy chứ.
Nhưng nói thật, cái việc cúi gập đầu chào của người Nhật cũng không phải toàn mang các thông điệp tốt lành.
Một lần ở thành phố Hirosaki. Hai chú cháu me xừ Long sau khi đi bộ thăm lâu đài cổ đã hết cả hơi nên bảo nhau bắt taxi đi về ga đường sắt. Vốn biết phần lớn người Nhật không nói được ngoại ngữ thứ hai nên me xừ Long giơ cái bản đồ du lịch tiếng Nhật ra, chỉ vào cái nhà ga cho ông cụ lái taxi. Úi chà, ông cụ cúi đầu “OK, OK” liên tục làm mình cũng phải liên tục gập người "bổ củi" đáp lễ.
Nghi thức cúi chào của người Nhật Bản.
Xe chạy một hồi thì thấy dừng lại trước một tòa nhà ngay cạnh đường chắn xe lửa. Ông tài giơ ngón tay chỉ chỉ ra điều đi qua cái nhà đó là tới khiến mình cứ nghĩ là lối tắt nào đó mà dân địa phương hay dùng. Xuống xe còn lưu luyến cúi chào nhau vài lần nữa mới chia tay được. Vừa qua khỏi tòa nhà thì trước mặt là…úi chà…toàn đồng không mông quạnh! Ngoái nhìn lại chiếc taxi đã chạy mất từ đời nào. Đành đi bộ đến cái xóm cách đấy gần 1 km.
May sao gặp một ông chủ nhà tốt bụng, nói được tiếng Anh cũng chuẩn bị lên ga đón con nên cho hai chú cháu đi nhờ không lấy tiền. Nghe than phiền chuyện taxi thì ông ấy an ủi là đừng giận ông taxi mà tội nghiệp. Thực ra ông taxi cũng vẫn thả đúng điểm đến là ga Hirosaki. Chỉ có điều là hai đầu ga khác nhau và cách nhau khoảng …5km thôi mà.
Vậy đó, phải nói lại lần nữa chuyện ông giám đốc người Nhật đứng cúi chào khách hàng là chuyện bình thường của người Nhật. Về mức độ lễ độ thì cũng chỉ tương đương cái gật đầu của những người Việt Nam bận rộn mà thôi. Chuyện chả có gì mà ầm ỹ.
Cơ mà cũng phải thừa nhận, khi móc túi đưa tiền cho người ta mà được cúi gập người nhận thì cũng thấy vui vẻ hơn.
>> XEM THÊM: Hà Nội: Chủ cây xăng Nhật đội mưa nhiều giờ cúi gập người chào khách