Thương lái Trung Quốc mua cả cây... không tên

Ngày 28/01/2013 08:37 AM (GMT+7)

Có một chợ biên giới, người Mông khi sang buôn bán thường được các thương lái Trung Quốc cho xem một tờ giấy có hình ảnh một loại cây nào đó và bảo "tôi cần tìm loại cây này, cây kia".

Một dự án bảo tồn được Trung tâm An toàn & Đa dạng Sinh học (Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật VN) thực hiện từ năm 2000 để giữ gìn nguồn gene 17 loài cây quý hiếm trên vùng đá vôi ở cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang). Chỉ tiếc, bảo tồn không theo kịp sự khai thác quá mức khiến nhiều nguồn gene quý có nguy cơ biến mất.

Cây mật gấu, tiếng địa phương gọi là ke ních. Trong sách, nó có tên mã hồ, có trong sách đỏ VN 2007 ở hạng mục nguy cấp (EN). Là cây thuốc quý hiếm dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm gan, vàng da, mấy năm nay, mật gấu bị khai thác mạnh làm thương phẩm ở Thài Phìn Tủng và các xã lân cận.

Loại cây bụi có chiều cao 2-4 mét, hoa màu vàng này chỉ mọc trên núi đá. Bà con chặt rồi bó, bán cho thương lái với giá rất rẻ cả bó trăm cây có khi chỉ được 20 nghìn đồng.

Thương lái Trung Quốc mua cả cây... không tên - 1
Cây mật gấu còn lại tại nơi thực hiện dự án "Bảo tồn và phát triển nguồn gene quý hiếm của hệ sinh thái núi đá vôi ở xã Thài Phìn Tủng, Đồng Văn, Hà Giang".

Tuy nhiên, đời sống của người Mông ở Thài Phìn Tủng và các xã lân cận rất khó khăn. "Chẳng được bao nhiêu tiền nhưng không mất vốn nên bà con vẫn làm", anh Phùng Mý Cở (Phó chủ tịch UBND xã Thài Phìn Tủng), nói.

Trên đường từ Quản Bạ đến Đồng Văn (Hà Giang), chúng tôi gặp vài cửa hàng có bán cây mật gấu sấy khô. Một gói cây mật gấu sấy khô, nặng 0,5 kg có giá 50-80 nghìn đồng.

Theo TS Lê Trần Chấn, Giám đốc Trung tâm An toàn&Đa dạng Sinh học, cây mật gấu có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Trên các núi đá tai mèo ở Thài Phìn Tủng và các xã lân cận, không dễ kiếm được loài cây có hoa vàng, thân bụi này.

Dẫn chúng tôi leo lên khu vực dự án bảo tồn cây quý của TS Chấn, anh Phùng Mý Cở bảo :Mật gấu được thu mua mạnh khoảng một năm nay. Giờ thì hết rồi.Chỉ còn gặp cây mật gấu ở khu bảo tồn này thôi".

Cây không tên cũng trụi


Đi dọc các sườn núi đá tai mèo của Đồng Văn, chúng tôi thấy còn trơ lại nhiều gốc cây bụi. Anh Cở cho hay, cách xã Thài Phìn Tủng gần 35km, có một chợ biên giới, người Mông khi sang đó buôn bán thường được các thương lái Trung Quốc cho xem một tờ giấy có hình ảnh một loại cây nào đó và bảo "tôi cần tìm loại cây này, cây kia.

Không chỉ các loại cây, một số loại củ mọc trong những khe đá cũng được thu mua thời gian gần đây. Hầu hết các loại cây này đều được thương lái thu mua với giá rất rẻ.

Trên địa bàn các xã của huyện Đồng Văn còn nhiều loại cây đặc biệt quý hiếm như thông bắc đỏ, dẻ tùng sọc nâu, hoàng đàn rủ, đỉnh tủng, thiết sam giả lá ngắn, thiết sam núi đá, du sam đá vôi, hà thủ ô đỏ, bảy lá một hoa, thông năm lá pà cò.

Tất cả các loại cây này đều nằm trong sách đỏ VN. Có cây nằm trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Phần lớn các loài này cũng nằm trong danh mục của Nghị định 32 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 về Quản lý thực vật rừng động vật rừng nguy cấp quý hiếm.

Chẳng hạn thông năm lá pà cò thuộc nhóm IA, bị nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại; đỉnh tủng thuộc nhóm II của Nghị định 32 bị hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại.

Trong khi đó, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán các loại cây quý hiếm. Nếu bắt được người khai thác, buôn bán các loại cây thì cũng chỉ nhắc nhở. Nếu là cây to thì còn dựa trên cơ sở đường kính để xử phạt.

Với các loại củ, quả nhỏ thì chỉ biết tuyên truyền, vận động không được khai thác cây bán sang Trung Quốc nữa. Chỉ biết làm vậy. "Dân mình nghèo, thấy cái gì bán được là bán thôi", anh Cở nói.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam, cho hay việc tận thu, khai thác các nguồn gene quý hiếm sẽ đánh mất các giá trị không thể tính bằng tiền.

"Khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn gene quý hiếm giống như ở Đồng Văn không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà cả kinh tế, môi trường, trong đó có những giá trị tích lũy không thể tính bằng tiền".
Nhiều cây quý trên cả nước bị tận thu

GS.TS Đặng Huy Huỳnh cho biết thêm, việc khai thác các nguồn gene quý hiếm không chỉ xảy ra ở tỉnh Hà Giang. Việc đổ xô lên rừng, lên núi khai thác cây kim cương, cây thông đỏ, trầm hương, lá điều khô, cây bần ổi đã không còn là chuyện lạ.

"Nếu chúng ta không kiên quyết ngay từ bây giờ thì ngoảnh đi ngoảnh lại số loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng sẽ cao hơn nhiều con số 461 như trong Sách đỏ VN bây giờ", ông Huỳnh nói.

(Theo Tiền Phong)
Nguồn:

Tin liên quan