Chứng kiến chú voi bị xích chân, gầy gò và liên tục chảy nước mắt khiến không ít người thương xót, tuy nhiên khi nói về ý định đưa đi nơi khác nhiều người lại có phản ứng bất ngờ.
Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, kêu gọi mọi người “giải cứu” chú voi đang được nuôi nhốt tại Sở thú Hà Nội. Các thông tin trên mạng cho rằng, một chú voi ở sở thú đã chết thời gian gần đây, hiện chỉ còn một con duy nhất, bị nhốt trong điều kiện tồi tệ khi bị xích chân, đi không quá hai bước.
Một trang mạng xã hội khác lại đang kêu gọi 100.000 chữ ký đề nghị trả tự do cho voi đang ở Vườn thú Hà Nội, đồng thời đề xuất nên đưa chúng về Vườn quốc gia Yok Don, để voi được sinh sống tự do trong rừng.
Thông tin đưa trên mạng xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nhưng không đúng thực tế.
Trước những thông tin trên, chúng tôi đã có mặt tại Sở thú Hà Nội để ghi nhận tình hình thực tế. Tại khu vực nuôi nhốt voi, hiện vẫn đang còn 2 cá thể voi đang sinh sống và được nhân viên chăm sóc hàng ngày. Qua quan sát cho thấy, cả hai cá thể voi này đều gầy gò, luôn tỏ rõ sự mệt mỏi nhưng vẫn có thể di chuyển được chứ không như thông tin trên mạng cho rằng “không đi nổi quá hai bước”.
Hình ảnh chú voi gầy gò, luôn chảy nước mắt khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy xót xa.
Buổi sáng mỗi ngày luôn có từ 3-4 người đến dọn dẹp vệ sinh bên trong và bên ngoài chuồng nuôi nhốt voi. Sau khi dọn vệ sinh voi được đưa ra khu vực bãi đất trống ngoài trời cho ăn và phục vụ khách tham quan, du lịch. Thức ăn chính của voi là một số loại cây cỏ, thân cây chuối và mía.
Hình ảnh nhân viên dọn dẹp vệ sinh và đưa thức ăn đến cho voi vào sáng ngày 6/8.
Một thông tin trên mạng đưa khá chính xác đó là voi bị dây xích lớn cố định dù là ở trong chuồng hay khi ra ngoài trời. Chính điều này hạn chế sự đi lại, di chuyển của voi, cũng như khiến những người xem không khỏi thương tâm khi chứng kiến.
Hình ảnh hai chú voi bị xích chân cả khi trong chuồng và ra ngoài bãi đất khiến việc di chuyển bị khó khăn.
Trước thông tin vận động trả hai chú voi về tự nhiên để bảo tồn, đa số từ trẻ nhỏ đến thanh niên hay người cao tuổi khi được hỏi đều có những phản ứng bất ngờ. Bé Hoàng Linh (9 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) đi cùng mẹ đến sở thú “thăm voi” liên tục đặt các câu hỏi: “Sao không thả voi ra? Tại sao lại phải xích chân voi như vậy nhìn rất thương tâm”. Tuy nhiên, khi được hỏi có muốn đưa voi đi nơi khác, bạn trẻ này lại khẳng định: “Nếu đưa voi đi nơi khác con sẽ không vào sở thú nữa, vì con vào đây chỉ muốn được nhìn tận mắt thấy voi”.
Chị Liên và bé Hoàng Linh cho biết rất thương khi thấy voi bị xích nhưng lại không muốn chuyển đi vì như vậy khi đến thăm không còn được tận mắt thấy voi.
Chị Lê Liên (36 tuổi, mẹ cháu Linh) cho biết, khi có kế hoạch đưa con đi sở thú chơi, con gái chị đã mặc định trong đầu là đến để xem voi. Bởi cháu chưa đến sở thú bao giờ, chỉ nhìn thấy voi trên tivi chứ không nhìn thấy ngoài đời thực. Tuy nhiên, khi đến đây nhìn những chú voi bị nhốt như vậy cháu rất thương và nói với mẹ rằng: “Voi ở đây khác so với voi ở trên tivi, vì chúng như bị ốm, lại không có ngà”.
Chị Liên cũng cho rằng, sở thú thì nên có đa dạng động vật và voi là không thể thiếu, tuy nhiên cần có chế độ chăm sóc, vệ sinh tốt hơn để người đến xem có thiện cảm hơn với những con vật ở đây. “Bản thân tôi không ủng hộ việc di dời voi đi nơi khác”, chị Liên nói.
Ý kiến của hai mẹ con chị Liên cũng là quan điểm chung của rất nhiều du khách khi đến thăm sở thú Hà Nội trong sáng ngày 6/8. Đa số họ đều cho rằng, nên chăm sóc dinh dưỡng để voi béo tốt hơn, nhìn đỡ thương tâm hơn, chứ không nên chuyển đi nơi khác.
Khi đến sở thú dường như du khách nào cũng muốn nhìn tận mắt thấy voi, vì thế nếu chuyển voi đi nơi khác sẽ mất giá trị của sở thú.
Bác Hùng ở Bắc Ninh dẫn theo hai cháu nhỏ xuống Hà Nội chơi và có ghé qua Sở thú Hà Nội thăm quan, do đọc được những thông tin trên mạng nói về hai chú voi, nên điểm đầu tiên bác Hùng tìm đến khi vào sở thú đó là nơi nuôi nhốt voi. Bác cho rằng, nếu không tận mắt chứng kiến thì bác sĩ tin thông tin họ đưa là đúng, nhưng sự thật lại không hoàn toàn như vậy.
“Tôi đưa cháu đến đây từ khi nhân viên bắt đầu dọn vệ sinh, tôi quan sát họ dắt voi ra ngoài và chúng đi khá bình thường dù chân vẫn có xích sắt. Khi cho ăn chúng ăn khá khỏe khi dễ dàng bẻ gập cành cây hay cây mía dễ dàng”, bác Hùng chia sẻ.
Hình ảnh đường điện ở chuồng voi hiện không hoạt động vì có thể sẽ gây nguy hiểm cho cả động vật và người.
Theo người đàn ông này, việc xích voi là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho du khách, vì nếu thả voi ra chúng dễ tấn công khách, gây sợ hãi. Còn bờ rào điện dù có nhưng chưa chắc đã an toàn cho cả voi và du khách vì nhiều trẻ hiếu động, nếu thả voi ra chúng bẻ cây cho voi ăn như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Ông Lê Sĩ Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội cho biết, hai chú voi đang được bảo tồn tại đây, một con là voi Thái được tiếp nhận từ Quân khu 9, một con tên Banang được người dân Tây Nguyên tặng. Hai con voi này đều là voi cái, nhưng không cùng đàn, nên chúng dễ xảy ra xung đột dù đã nuôi nhốt chung nhiều năm, do vậy cần phải xích chân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, việc xích chân cũng đảm bảo an toàn cho người chăm sóc (quản tượng) vì thực tế đã có những lần chúng tấn công người chăm sóc.
Những người quản tượng vẫn có những biện pháp huấn luyện để voi thân thiện và nghe lời hơn.
Được biết, hai chú voi hiện sức khỏe hiện vẫn được đảm bảo, vào cuối mỗi buổi chiều cả hai chú voi vẫn được huấn luyện để nghe theo hiệu lệnh và gần gũi với con người hơn.