Việc cắt ghép, tích hợp môn lịch sử là hết sức tùy tiện, chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Nhiều chuyên gia và giáo viên lịch sử khẳng định không thể dạy được môn lịch sử kiểu tích hợp như vậy
Những bức xúc của các nhà khoa học, chuyên gia, giáo viên lịch sử bị dồn nén bấy lâu đã được “trút” ra tại hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11 ở Hà Nội. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều, căng thẳng đến mức PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo trung ương, phải thốt lên: “Tôi từng điều hành nhiều hội thảo nhưng chưa hội thảo nào như hội thảo này”.
Chưa từng có trong lịch sử giáo dục
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển được mời phát biểu đầu tiên. Ông Hiển đề nghị hội thảo tập trung vào vấn đề đổi mới như thế nào cho hiệu quả nhất hơn là nói về vai trò, vị trí của môn lịch sử. Ông Hiển nhấn mạnh làm tốt được điều này, môn lịch sử sẽ xứng tầm với vị trí vốn có.
Tuy nhiên, các nhà lịch sử lại không có chung quan điểm này. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định dù Bộ GD-ĐT có giải thích thế nào thì trên thực tế, việc tích hợp môn lịch sử với giáo dục công dân và an ninh quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc cũng đã “khai tử”, xóa bỏ môn lịch sử. GS Lê cho rằng khi một kiến thức lịch sử bị cắt bỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn khác thì lịch sử đã không còn vị thế của một môn học trong sự toàn bộ và hệ thống của nó.
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo Ảnh: THU HÀ
GS Vũ Dương Ninh, ĐHQG Hà Nội, cũng lo lắng rằng đúng là từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ GD-ĐT có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn lịch sử hoặc loại bỏ môn sử nhưng thực tế hoàn toàn khác. Vị trí của môn sử và vài môn khác đã bị đẩy lùi dần và đến nay thì mất tên chính danh trong chương trình THPT. Nó bị lẫn vào môn khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên, chỉ còn là môn chính thức đối với học sinh chọn ban khoa học xã hội. Có nghĩa là lớp trí thức trẻ tương lai, ngoại trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội, sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, đất nước mình.
GS Trần Thị Vinh, Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng việc lắp ghép môn lịch sử như một phân môn trong môn công dân với Tổ quốc là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. “Cách làm của Bộ GD-ĐT sẽ phá vỡ môn lịch sử. Học sinh sẽ không nhận thức được tính hệ thống, liên tục của dòng chảy lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc. Việc lắp ghép lịch sử vào môn giáo dục công dân là sự lắp ghép những kiến thức rời rạc, “những mảnh vỡ của lịch sử” vào một môn học chưa từng có tiền lệ” - GS Vinh nhận định.
Quá nhiều hệ lụy mà bộ không lường hết
PGS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, khẳng định lịch sử là một bộ môn khoa học, giáo dục lịch sử phải là giáo dục tri thức khoa học. Thế nhưng, theo PGS Hiển, quan điểm “môn lịch sử không thể biến thành khoa học lịch sử (đây là phần dành cho những nhà nghiên cứu)” mà đại diện ban dự thảo chương trình đưa ra là một nhận thức mơ hồ, lệch lạc.
Nếu như giáo dục lịch sử không phải là giáo dục những tri thức khoa học thì giáo dục cái gì? Việc coi môn lịch sử không phải khoa học là sự phủ nhận trực tiếp vai trò của môn học này nói riêng và giáo dục lịch sử nói chung. Đó là sai lầm rất nghiêm trọng về phương pháp luận, mở đầu cho một loạt sai lầm khác.
Một giờ học lịch sử tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Khẳng định thiết kế chương trình như Bộ GD-ĐT đang làm là “ép duyên”, chắp vá, thiếu cơ sở khoa học, GS Đỗ Thanh Bình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng có những vấn đề đặt ra mà những người làm chương trình phải tính toán lại, đừng chỉ vì cố hoàn thành dự án mà để lại hậu quả, sẽ tác động không tốt tới xã hội. Trước hết, chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày nay. Chương trình vừa mới “thai nghén” đã gặp phải nhiều ý kiến tâm huyết trái chiều, liệu khi hoàn thành, đưa vào thực tiễn thì “tuổi thọ” của nó có được lâu dài? Giáo dục không thể là nơi thí nghiệm.
GS Phan Huy Lê khẳng định lịch sử cần phải được xác định là một môn học độc lập, bắt buộc. Bộ GD-ĐT cần coi trọng tính khoa học của môn lịch sử. Tất cả nội dung đưa vào sách giáo khoa (SGK), vào bài giảng phải được chọn lọc rất kỹ, bảo đảm độ tin cậy cao. Ngoài cán bộ chuyên trách và các cơ quan chức năng, Bộ GD-ĐT nên tổ chức những hội thảo mang tính chuyên đề để các chuyên gia cùng nghiên cứu, tranh luận, làm sáng tỏ cơ sở khoa học của công việc đổi mới căn bản toàn diện môn lịch sử trong trường phổ thông.
Giáo viên không thể dạy tích hợp môn sử!
Phản hồi ý kiến của các chuyên gia lịch sử, ông Tạ Ngọc Trí, thành viên Bộ phận Thường trực đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông, cho rằng môn lịch sử không mất đi mà nằm trong một lĩnh vực học tập, cụ thể là lĩnh vực khoa học xã hội, đó là cách sắp xếp do yêu cầu mới. Ý kiến này ngay lập tức nhận được sự phản đối khiến ông Trí không lâu sau đó phải rời hội thảo!
Hàng loạt chỉ trích của các đại biểu cũng dành cho một thành viên khác của Bộ phận Thường trực đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông là GS Đinh Quang Báo khi vị này đặt vấn đề: “Tại sao những môn khác thì tích hợp được mà lịch sử lại không? Tích hợp không có nghĩa là làm mất đi môn học mà tạo ra logic mới, chỉnh thể mới, giá trị mới”.
Từ thực tế đứng lớp của mình, một giáo viên THPT đến từ Nghệ An thẳng thắn cho hay: “Tôi không tán thành lời dẫn và cách đặt vấn đề của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Hội thảo này là về việc lịch sử có phải là môn bắt buộc không chứ không phải dạy như thế nào, học ra sao”.
Giáo viên này chia sẻ suốt 3 tháng qua, từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo chương trình phổ thông, các giáo viên lịch sử khắp cả nước ăn ngủ không yên, nhiều thầy cô bức xúc, phản ứng dữ dội. “Nhiều người buồn bã, thất vọng, chán chường, nhiều người buông xuôi. 500 giáo viên sử THPT đã gửi tin nhắn qua Facebook và điện thoại nhờ tôi khẳng định tại hội thảo rằng họ không thể dạy tích hợp môn lịch sử và bộ hãy trả lại tên cho môn học này” - giáo viên này cho biết và khẳng định sự nghi ngờ của mình trước tuyên bố của bộ đã lấy ý kiến của các thành phần về chương trình mới. “Bộ phải lấy ý kiến của giáo viên lịch sử trên khắp cả nước” - giáo viên này đề nghị.
GS Trần Thị Vinh cũng đặt vấn đề ai sẽ là người dạy môn công dân với Tổ quốc bởi các trường sư phạm hiện nay ở nước ta và trên thế giới đều không đào tạo giáo viên dạy những môn học lắp ghép kiến thức như thế. “Với cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học, chất lượng của các môn học “tích hợp” ở cấp THPT sẽ ra sao và nền giáo dục nước nhà sẽ đứng đâu trong hệ thống giáo dục toàn cầu?” - bà Vinh bức xúc.
Bộ GD-ĐT kêu oan Trước khi GS Phan Huy Lê phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thêm một lần nữa đăng đàn. Ông Hiển cho rằng nhiều đại biểu chưa nghiên cứu kỹ tài liệu nên nói oan cho bộ. Theo ông, mọi người cần đọc lại tài liệu sẽ thấy không có chuyện khai tử môn lịch sử. Phản hồi của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển gặp nhiều sự không đồng tình đến mức ông phải lên tiếng “cần phải tôn trọng nhau”. Cũng theo ông Hiển, “Bộ GD-ĐT rất chú ý lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc chứ không phải tiếp thu tất cả” và đề nghị các đại biểu “cùng suy nghĩ lại”. Trước quan điểm này, GS Phan Huy Lê cho hay Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, nhà nước, Chính phủ và MTTQ Việt Nam để bảo vệ môn lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến THPT. GS Lê cũng nói thêm trong SGK lịch sử, địa lý đang lưu hành hoàn toàn chưa đề cập lịch sử xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hội nghị khẩn thiết đề nghị Bộ GD-ĐT bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này, không thể chờ đợi đến khi biên soạn lại SGK - phải vài ba năm sau mới hoàn thành. |