Với lời mời đầu tư vào các gói nhiệm vụ "thả tim", chia sẻ video trên nền tảng tiktok để kiếm tiền hời, hàng nghìn người đã dính bẫy lừa kiếm tiền online "việc nhẹ lương cao". Các chiêu trò này đã được cảnh báo nhiều trên mạng xã hội nhưng vẫn có không ít người mắc bẫy.
Gần đây, nhiều người chia sẻ câu chuyện bị các email rác nhắn tin mời làm việc tại tiktok, số khác thì nhận được cuộc gọi trực tiếp từ nhân viên tổng đài. Điểm chung của các lời mời này đều nhấn mạnh vào các yếu tố như: đơn giản, làm việc tại nhà, thu nhập tốt, có nhân viên hướng dẫn tận tình cụ thể.... khiến nhiều người vội tin tưởng.
Chị H. M nhận được cuộc gọi từ người tự nhận mình là nhân viên của tuyển dụng của tiktok, gợi ý chị làm công việc rất đơn giản: lên tiktok, nhấn follow (theo dõi) và like (thích) bất kỳ một video rồi chụp màn hình gửi cho hệ thống để tính tiền. Người làm công việc này phải thông qua một ứng dụng (tuỳ vào phía kẻ lừa đảo chỉ điểm) và kiếm tiền thông qua ứng dụng đó.
Các ứng dụng này đưa ra nhiều nhiệm vụ được đặt tên bao gồm: đồng, bạc, vàng, bạch kim và kim cương hoặc VIP1,2,3,4 với mức giá từ khoảng 800.000 đến hàng trăm triệu, có ứng dụng tối đa chỉ vài chục triệu. Gói nhiệm vụ càng lớn thì nhiệm vụ được làm càng nhiều, khi hoàn thành xong nhiệm vụ, người làm có thể thu nhập tới hàng chục triệu động theo tư vấn của nhân viên giả mạo.
Đằng sau công việc hứa hẹn tạo ra thu nhập từ 500 đến 800.000 đồng/ngày này là một chiêu trò lừa đảo khá mới mẻ. Từ các trang web, các ứng dụng tải về điện thoại như Likevi789.com, Hana, Timebucks, Ninja Tiktok...những người làm công việc này muốn kiếm tiền nhiều phải sử dụng gói đắt tiền để nhanh chóng thu hồi vốn và có thu nhập cao. Các ứng dụng này cũng hứa hẹn tiền sẽ về tài khoản hàng ngày, không cần chờ đợi lâu.
Bên cạnh hình thức trên, hệ thống còn kêu gọi người dùng giới thiệu thành viên để hưởng "hoa hồng" tương ứng. Hứa hẹn tặng các vật phẩm có giá trị như vàng, xe máy, thậm chí là cả ô tô nếu trở thành thành viên tích cực. Điều này không khác gì mô hình hoạt động của các tổ chức đa cấp lừa đảo - vấn nạn nhiều năm nay tại Việt Nam.
Các dự án quảng bá là kiếm tiền trên tiktok đều vẽ ra một kịch bản lừa đảo chung là tạo nên thị trường mua bán lượng người theo dõi, lượt yêu thích thật cho những người muốn nổi tiếng, sẵn sàng bỏ tiền để mua tương tác. TikTok sẽ dùng nguồn tiền này để thuê người tham gia tăng tương tác trên nền tảng.
Với cái "bánh vẽ" ngọt ngào này, không ít người đã dễ dàng sập bẫy và bỏ tiền vào mua nhiệm vụ để kiếm tiền. Ban đầu, khi người dùng mới nạp tiền, hệ thống sẽ vẫn trả tiền làm nhiệm vụ để tạo lòng tin, sau đó liên tục kêu gọi những người này nâng cấp các nhiệm vụ để kiếm nhiều tiền hơn. Một nạn nhân ở TP HCM nạp gói nhiệm vụ đầu tiên với giá 2 triệu 700 ngàn đồng, làm nhiệm vụ được 5 ngày thì nạp thêm 9 triệu để nâng cấp nhưng chỉ mới nhận về hơn 2 triệu thì không thể truy cập và ứng dụng. Không ít nạn nhân vì thấy cái lợi trước mắt và vay vốn, cầm cố tài sản để mua các gói nhiệm vụ đắt đỏ.
Những quảng cáo không được kiểm soát xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội
Những hệ thống này thực chất chỉ hoạt động theo thời gian từng tuần, từng tháng và sẽ "bốc hơi" sau khi huy động được một số vốn khủng. Người bị lừa không biết tìm ai vì tất cả đều thực hiện qua hệ thống, không gặp gỡ bất kì ai trong qua trình làm việc. Các đối tượng xấu hướng đến các bà nội trợ, những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường thường xuyên sử dụng tiktok và tất cả những ai nhẹ dạ cả tin đều đã mắc bẫy một cách cay đắng.
Các trang web hoạt động trá hình, ẩn danh, không có nguồn gốc rõ ràng. Trước đó, hình thức này tồn tại dưới dạng xem video trên youtube để kiếm tiền và cũng đã có rất nhiều người dính "bẫy". Điều đáng nói là các website, ứng dụng này còn được quảng cáo tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.
Các từ khoá như "kiếm tiền trên tiktok", "5 ứng dụng kiếm tiền trên tiktok đơn giản" đã thu hút sự chú ý của những người đang có nhu cầu kiếm việc online. Bạn Nguyễn Ngọc (quận 3, TP HCM) cho biết bản thân đã khá tỉnh táo khi nhận được các lời mời làm việc qua tiktok nhưng bạn bè (đang còn là sinh viên đại học) đã bị mất bộn tiền vì chiêu trò này.
"Từ những nhiệm vụ vài trăm nghìn, các bạn vay thêm tiền để tăng thêm nhiệm vụ vài triệu khi nghe lời hứa hẹn sẽ nhận về khoản thu nhập cao. Khi chuyện vỡ lỡ, nhiều bạn không dám nói với gia đình, đành vay tín dụng đen để trả khoản nợ trước mắt rồi tìm cách xoay sở tiếp. Nhưng dính vào tín dụng đen thì lại càng nguy hiểm hơn khi đến hẹn không trả đúng nợ sẽ bị làm phiền đến cuộc sống" - Nguyễn Ngọc chia sẻ.
Bộ Công An và các cơ quan truyền thông liên tục đăng tin cảnh báo về vấn nạn lừa đảo tìm việc online. Người dùng mạng xã hội cần thận trọng khi làm việc qua mạng xã hội, không có thông tin rõ ràng về công ty hay các hình thức đầu tư. Cảnh giác với các công việc cần phải bỏ tiền thế chân, nạp tiền làm nhiệm vụ...