Đầu giờ tối nay 18/11, nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM xuất hiện cơn mưa như trút nước kèm sấm chớp, gió giật mạnh. Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cơn mưa này do ảnh hưởng bởi cơn bão số 14.
Bão di chuyển nhanh, áp sát đất liền Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận
Lúc 18 giờ tối nay 18/11, vị trí tâm bão số 11 đang ở 11,40N-112,50E, cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 11. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h.
Đến 4 giờ sáng ngày 19/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Bắc, 150km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.
Bão số 14 trên ảnh mây vệ tinh
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km; khoảng sáng đến trưa mai bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc.
Trong những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Cam-pu-chia.
Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Từ sáng sớm mai (19/11) vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh.
Từ sáng sớm ngày mai (19/11), trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở Phú Yên và khu vực Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Từ đêm nay (18/11), ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ đêm mai, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh tăng cường nên vùng mưa lớn có xu hướng mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).
Hai kịch bản được đưa ra
Trả lời phỏng vấn Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định trường hợp xấu là sáng 19/11, bão số 14 đạt cực đại cấp 8 đến cấp 9 và đổ bộ trực tiếp các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do khu vực này có nhiều đảo vịnh ven bờ, ông Hải lưu ý người dân cần chú ý các phương án sẵn sàng đối phó với bão, bởi gió ngoài biển lúc này hoạt động rất mạnh.
Kịch bản thứ 2 được đưa ra là lúc vào ven bờ, bão có thể vẫn ở cấp 8 hoặc suy yếu.
Cơn bão số 14 xuất hiện vào cuối mùa nên sẽ có những bất ngờ, phức tạp, khó lường, vì thế ông Hải cảnh báo người dân không nên chủ quan.
TP.HCM nguy cơ ngập nặng do ảnh hưởng của bão số 14 kết hợp với triều cường
Trưa nay, UBND TP.HCM đã phát đi 2 công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi và yêu cầu các sở, ban, ngành cùng 24 quận huyện sẵn sàng ứng phó với bão số 14.
Chiều tối nay mưa to, gió giật mạnh xuất hiện ở nhiều quận huyện trong TP HCM khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Người lao động)
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 14 và tình hình triều cường, mưa trên địa bàn TP để kịp thời thông tin đến mọi người dân biết để chủ động phòng tránh.
Đầu giờ tối 18/11, nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM xuất hiện cơn mưa như trút nước. Đáng nói, trong cơn mưa kèm theo hiện tượng sấm chớp, gió giật mạnh khiến người đi đường lo sợ tìm nơi trú ẩn.
Mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ khiến hàng loạt tuyến đường Sài Gòn bị ngập, gây khó khăn cho người dân đi lại.
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ cơn mưa này do ảnh hưởng bởi cơn bão số 14. Ngoài mưa to, dân TP HCM lo lắng trước việc triều cường đe doạ. Cụ thể đỉnh triều trong đợt này xuất hiện vào ngày 19-11 và 20-11.