Theo dự báo thời tiết, khoảng 13h chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Tin áp thấp nhiệt đới
Theo dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo trong những giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Khoảng 13h chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đến 7h sáng mai (16/7), áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng di chuyển và tốc độ nhanh hơn với 15km/h. Lúc này, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Lào và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều nơi trên cả nước có mưa rất to.
Dự báo thời tiết áp thấp nhiệt đới
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nối với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ, từ chiều qua đến sáng nay, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La, Hòa Bình, Bắc và Trung Trung Bộ, Nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 15h ngày 14 đến 8h ngày 15 có nơi trên 90mm như: Vạn Mai (Hòa Bình) 97.6mm, Diễn Lâm (Nghệ An) 94.2mm, Trung Sơn (Quảng Trị) 157.2mm, Giang Hải (Thừa Thiên Huế) 129mm…
Dự báo từ sáng nay đến sáng 17/7, ở khu vực Hòa Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Trong đó, khu vực Hòa Bình, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm; Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa 60-120mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Ngoài ra, từ hôm nay đến ngày 18/7, ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ, Nam Trung Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm/24h, cục bộ có nơi trên 80mm/24h (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
Cơ quan khí tượng cảnh báo, chiều và đêm 17/7, ở khu vực Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 30-60mm, cục bộ có nơi trên 100mm.
Chiều và tối 17/7, khu vực Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Từ 18/7, mưa có khả năng giảm dần.
Cũng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.
Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8-9. Biển động. Khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6. Biển động; sóng biển cao 1,5-2,5m.
Áp thấp nhiệt đới là gì?
Áp thấp nhiệt đới là tên gọi một hiện tượng thời tiết phức hợp diễn ra trên diện rộng trên biển hoặc đất liền khi có hiện tượng gió xoáy tập trung quanh một vùng áp thấp nhưng chưa đủ mạnh để gọi là bão nhiệt đới.
Sự hình thành của áp thấp nhiệt đới đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi bão: Áp thấp thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một cơn bão đang tràn qua đại dương nhiệt đới. Hàng chục áp thấp nhiệt đới hình thành mỗi mùa bão. Mặc dù không mạnh như bão nhiệt đới hoặc cuồng phong, nhưng chúng có thể mang lại lượng mưa lớn, giông bão và lũ lụt tàn khốc.
Áp thấp nhiệt đới ở Việt Nam thường diễn ra khi nào?
Việt Nam nằm trong khu vực chịu tác động của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão ở Tây Bắc – Thái Bình Dương. Mùa mưa bão nước ta thường bắt đầu khoảng tháng 5-6 tại miền Bắc, tháng 9-12 ở miền Trung. Trong đó, các thời gian tháng 9, 10, 11 là thường hay xảy ra nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm Việt Nam có từ 4 - 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển.
Khi chưa hình thành bão, tốc độ gió dưới 63km/h thì gọi là áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên áp thấp nhiệt đới cũng có thể mạnh lên thành bão, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết áp thấp nhiệt đới.
Khi có áp thấp nhiệt đới cần làm gì?
Cần theo dõi thường xuyên bản tin dự báo thời tiết áp thấp nhiệt đới của cơ quan khí tượng.
Cần buộc, chèn các đồ vật ngoài trời.
Có biện pháp phòng tránh cây to bị đổ và khả năng mất điện.
Chuẩn bị phương án di chuyển khi mưa to gây lũ lụt cục bộ.
Không nên đi bộ hoặc lái xe qua những con đường ngập nước.
Tránh bơi lội ở các bãi biển, vì gió của áp thấp nhiệt đới có thể gây nguy hiểm.