“Anh ấy đau không ngủ nổi, đến 4h sáng anh ấy mới chợp mắt được một lúc”, vợ "người hùng" cứu bé gái rơi từ tầng 12A chung cư nói.
Ngày 1/3, chia sẻ trên Dân Việt, chị Phùng Thị Thuỷ (vợ anh Nguyễn Ngọc Mạnh, “người hùng” cứu cháu bé) cho biết, chị vẫn chưa hết bất ngờ về hành động của chồng.
“Tôi chưa hình dung cháu bé bị rơi như nào đến khi chị gái mở cho xem clip, lúc đó tôi rất bất ngờ. Tôi rất hạnh phúc vì chồng mình đã làm được việc tốt”, chị Thuỷ nói.
Anh Mạnh cũng có con gái 3 tuổi
Chị Thuỷ cho hay, từ hôm qua đến giờ hai vợ chồng chị cũng chưa nói chuyện nhiều do anh Mạnh đi ăn sinh nhật. Đêm qua, khi anh Mạnh về, chị Thuỷ thấy chồng vẫn còn bần thần, tay bị đau nên chị lấy thuốc xoa bóp cho chồng.
“Anh ấy đau không ngủ nổi, đến 4h sáng anh ấy mới chợp mắt được một lúc”, chị Thuỷ kể.
Theo chị Thủy, anh Mạnh là người hiền lành, tốt bụng, nhiều lần bị người khác gây khó dễ khiến chị phát bực lên nhưng anh vẫn bỏ qua. Thậm chí khi đi làm có lúc nhặt được tiền, anh Mạnh cũng gói chặt vào túi nilon, sau đó đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm người trả, dù tiền ít hay nhiều.
Chị Thuỷ cũng cho biết, từ thời thanh niên, anh Mạnh vốn sức khỏe không được như mọi người, nhưng đến giờ anh đã làm rất nhiều nghề từ thợ cắt tóc đến bán máy lọc nước để kiếm tiền nuôi vợ con.
Đặc biệt, từ khi lấy vợ đến nay anh luôn có suy nghĩ không để vợ con phải thiếu thốn nên anh sẵn sàng làm mọi việc chính đáng để có tiền. Mấy năm gần đây, anh Mạnh học nghề lái xe tải và chọn công việc chuyển nhà trọn gói. Dù công việc có vất vả nhưng có tiền trong ngày nên lo được bỉm sữa cho con, có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.
(Theo Đời sống @ Pháp Luật)
Hà Nội: Ấn định thời gian nhà hàng ăn uống, cà phê trong nhà được mở trở lại
Chiều 1/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP họp dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội, từ 16/2 đến nay (14 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới. Tuy nhiên hiện nay các chuyên gia, người lao động kỹ thuật tiếp tục được nhập cảnh và trong thời gian tới khi nới lỏng các biện pháp so với giai đoạn trước, đặc biệt là các trường Đại học, cao đẳng mở cửa trở lại thì sinh viên các tỉnh sẽ trở lại TP học tập nhiều hơn trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch. Vì vậy trong thời gian tới Hà Nội vẫn có thể ghi nhận thêm các ca mắc mới.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.
Theo ông Hạnh, dù dịch bệnh trên địa bàn TP cơ bản được kiểm soát, các đơn vị vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chi đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP, bên cạnh đó phải có các biện pháp phù hợp để phát triển kinh tế xã hội.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng giáo dục và các trường trực thuộc triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch trong nhà trường khi học sinh đi học trở lại. Nếu có trường hợp nghi ngờ cần cách ly và thông báo cho cơ quan y tế để kịp thời xử lý.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, kể từ 0h 2/3 các nhà hàng kinh doanh ăn uống phục vụ trong nhà (trong đó có cà phê) cho phép mở cửa trở lại với điều kiện phải đảm bảo giãn cách 1m giữa khách, có tấm chắn và khuyến khích bán đồ mang về.
Các nhà hàng phải thực hiện khai báo QR Code, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Riêng quán bar, vũ trường, karaoke, quán ăn vỉa hè, trà đá… vẫn tiếp tục đóng cửa cho đến khi TP cho phép.
Các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, địa phương cho rà soát phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị này, lên phương án để mở cửa lại. Thời gian cụ thể TP sẽ có thông báo sau. Đối với chùa Hương, Sở Văn hoá Thể Thao sẽ hướng dẫn phòng chống dịch tại chùa Hương.
Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội từ ngày 3-3
Ngày 1-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã quyết định kết thúc giãn cách xã hội toàn tỉnh sau 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16, đồng thời, dỡ bỏ phong tỏa với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng.
Theo đó, từ 0 giờ 3-3, toàn tỉnh Hải Dương kết thúc giãn cách cách xã hội sau 15 ngày thực hiện giãn cách, đồng thời, gỡ bỏ phong tỏa với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Toàn tỉnh chuyển sang trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, đối với các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, TP Hải Dương và thị xã Kinh Môn là nhóm có nguy cơ sẽ thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Cụ thể, các địa phương này sẽ tiếp tục dừng các sự kiện tập trung 20 người 1 phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ở ngoài công sở, trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu được mở cửa.
Các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và TP Chí Linh là nhóm nguy cơ thấp sẽ cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng.
Tại các huyện dừng các lễ hội, lễ nghi tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người, không tập trung đông người nơi công cộng, ngoài công sở, trường học, bệnh viện, các nhà hàng, quán ăn, bán hàng được mở cửa.Các xã, khu, điểm dân cư đang thực hiện lệnh phong tỏa thì tiếp tục thực hiện cho tới khi hết lệnh phong tỏa.
Sau cuộc họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sẽ ban hành chỉ thị về tiếp tục phòng chống dịch bệnh COVID-19, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giao cho các huyện chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng khu vực cụ thể.
Vụ người đàn ông 53 tuổi nhảy sông Sài Gòn tự tử: Thư tuyệt mệnh viết gì?
Trưa ngày 1/3, Công an TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, đã hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bàn giao thi thể ông B.T.C (53 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) về cho gia đình lo hậu sự.
Ông C. là người bỏ lại xe máy, nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử vào chiều 27/2 trên cầu vượt Bình Phước 2, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức.
Thi thể của ông C. được tìm thấy vào sáng ngày 1/3, tại khu vực bến đò An Sơn, xã An Sơn, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách vị trí tự tử gần 10km.
Người thân ngã quỵ tại hiện trường. Ảnh: Báo Giao thông
Gia đình nạn nhân cho biết đã tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh ở nhà do nạn nhân để lại, trong đó có nội dung ông C. xin lỗi vợ con, đồng thời nêu lý do mình nhảy cầu tự tử vì nợ nần số tiền lớn.
Như tin tức đã đưa, chiều 27/2, ông B.T.C. (53 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đi xe máy lên giữa cầu Bình Phước 2 đoạn giáp ranh giữa TP. Thủ Đức và quận 12 rồi để lại xe máy, nhảy xuống sông Sài Gòn.
Nhiều người chứng kiến sự việc cho biết, tình huống xảy ra quá nhanh nên mọi người lao ra ứng cứu không kịp. Mọi người hô hoán, tìm cách cứu hộ nhưng ông C. chới với giữa dòng nước được vài giây rồi chìm xuống, mất tích.
Nhận thông tin, lực lượng cứu hộ cứu nạn Công an TP. HCM nhanh chóng có mặt triển khai công tác tìm kiếm.
Đến sáng 1/3, thi thể ông C. được tìm thấy.
Hải Dương cách ly toàn bộ 1 xã với 7,5 ngàn người do có nhiều F1, F2
Vùng cách ly y tế toàn bộ xã Kim Đính (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) có tổng số 2.120 gia đình với 7.514 nhân khẩu, gồm 3 thôn: Thôn Phù Tải 1 có 648 hộ gia đình, 2.195 nhân khẩu; thôn Phù Tải 2 có 922 hộ gia đình, 3.386 nhân khẩu và thôn Chuẩn Thừng 550 hộ gia đình, 1.933 nhân khẩu. Việc cách ly y tế đối với xã Kim Đính nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid - 19.
Đây là vùng có nguy cơ cao do có nhiều trường hợp F1, F2 liên quan đến ca nhiễm Covid-19 của xã Ngũ Phúc (huyện Kim Thành).
Thời gian cách ly y tế áp dụng tối thiểu 14 ngày kể từ 14 giờ ngày 1-3.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, từ 17 giờ ngày 28-2 đến 17 giờ ngày 1-3, Hải Dương ghi nhận 8 trường hợp mắc Covid-19.
Tất cả các trường hợp mắc mới đều là F1, gồm 6 người ở TP Chí Linh (F1 của ổ dịch Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam); 2 trường hợp còn lại ở phường Hiệp An (huyện Kinh Môn) và xã Ngũ Phúc (huyện Kim Thành). Tổng số ca mắc cộng dồn toàn tỉnh là 673.
Như vậy đến nay, TP Chí Linh vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh nhất (383 ca), tiếp theo là huyện Cẩm Giàng (101 ca), thị xã Kinh Môn (64 ca). Hai huyện Thanh Miện và Gia Lộc mỗi nơi 1 ca.
Toàn tỉnh còn 376 bệnh nhân đang điều trị. Tổng số trường hợp F1 là 16.667 người, trong đó 13.583 người đã hết hạn cách ly tập trung. Trong ngày lực lượng chức năng lấy 26.005 mẫu xét nghiệm, tổng số mẫu cộng dồn đến nay là 438.369 mẫu. Trong đó chỉ còn 19.153 mẫu đang chờ kết quả.
Theo kế hoạch, huyện Kim Thành và thị xã Kinh Môn tiếp tục truy vết các trường hợp F1 theo mốc dịch tễ của bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm theo các mốc thời gian của ca bệnh. Huyện Cẩm Giàng truy vết F1 theo mốc dịch tễ của bệnh nhân, thực hiện lấy mẫu chùm khu vực có bệnh nhân và các mốc thời gian của ca bệnh. Các đơn vị, địa phương còn lại lấy mẫu theo kế hoạch đã được phê duyệt...