Vốn là loại rau dùng để nấu canh chua có giá chỉ 20.000-30.000 đồng một kg, nhưng khi chế biến thành sản phẩm sấy khô dọc mùng có giá lên tới hàng trăm nghin đồng.
Dọc mùng trước đây ít người sử dụng vì hàng nhiều, dễ trồng. Tuy nhiên, loại này sau khi được nhiều đơn vị thu mua để xuất đi Nhật, Malaysia, Philippines thì ngày càng có giá trị hơn. Muốn dọc mùng ngon, giữ nguyên vị, các nhà xưởng thường dùng máy sấy thay vì phơi ngoài trời.
Hiện, dọc mùng khá được ưa chuộng cho các món gỏi, thịt nướng, sushi ở nước ngoài. Còn thị trường nội địa, dọc mùng khô được nhiều nhà hàng, quán ăn phía Bắc lựa chọn vì tiện lợi. Loại này không chỉ để khách nấu canh chua, bún khi cần mà còn là dược liệu chữa sởi và đau họng cho trẻ nhỏ.
"Ngày trước, cứ thèm món canh chua dọc mùng, tôi đều phải ra chợ tìm hàng tươi về chế biến, ăn thì ngon nhưng tốn công làm. Thế nên, tôi chuyển sang dùng dòng khô, chất lượng vẫn thế mà tiện lợi" - chị Kim Oanh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ trên Vietnamnet.
Chị Hoàng Mai, một đầu mối chuyên cung cấp dọc mùng ở Hà Nội cho biết, mỗi tháng, chị đều cung cấp ra thị trường 1 - 2 tạ dọc mùng sấy khô. Hàng chủ yếu là bán buôn, đổ sỉ cho các tiểu thương, cửa hàng nhỏ, lẻ.
"Nhà tôi có 2 loại dọc mùng, một là hàng thông thường có giá 280.000 đồng/kg, còn loại đặc biệt, tuyển chọn là 350.000 đồng/kg. Khách mang về chỉ việc bảo quản nơi khô ráo, đến bữa mang ra dùng." - chị nhấn mạnh.
So với loại tươi thì loại dọc mùng sấy khô giá khá đắt, lên tới 300.000 đồng/kg do 5kg dọc mùng tươi chỉ làm ra được 6-7 lạng khô, giá hiện tại khá cao nên người mua chỉ những người có tiền mới dùng. Còn lại, nhiều người vẫn chuộng sản phẩm tươi vì giá rẻ và dễ mua, còn hàng khô vừa đắt, số lượng lại ít.
Trên trang mua bán Amazon của Mỹ, một cây dọc mùng Việt Nam bao gồm cả rễ được rao bán với giá gần 22 USD, tương đương hơn 500.000 đồng. Còn tại các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, một lạng dọc mùng sấy khô có giá 30.000 - 35.000 đồng (chưa bao gồm phí vận chuyển).
(Theo Gia đình & Xã hội)
Tắm ở hồ cá nhà ông ngoại, 3 trẻ đuối nước thương tâm
Ngày 19-5, UBND xã Tân Thủy, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) - cho biết trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của 3 cháu nhỏ.
Ảnh minh họa
Nạn nhân là cháu Nguyễn Thị P.H. (SN 2016), Nguyễn Văn H. (SN 2017, là chị em ruột, cùng trú tại xã Thái Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) và Đặng Nguyễn Minh Q. (SN 2017, trú xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá).
Trước đó, chiều 18-5, 3 em nhỏ nói trên về nhà ông ngoại tại thôn Tân Lực, xã Tân Thủy để chơi. Khi ông bà ngoại vắng nhà, 3 đứa trẻ rủ nhau ra khu vực hồ cá sau nhà chơi và không may bị đuối nước, khi người dân đến hiện trường thì 3 cháu đã tử vong.Thi thể của các nạn nhân xấu số đã được đưa về quê để lo hậu sự. Được biết hoàn cảnh của gia đình 3 cháu nhỏ đều hết sức khó khăn.
Cháy nhà ở tâm dịch Covid-19, bé trai 7 tuổi tử vong
Ngày 19-5, tin từ UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ cháy nhà khiến một bé trai 7 tuổi tử vong thương tâm.
Hiện trường nơi xảy ra vụ hỏa hoạn
Vụ việc được xác định xảy ra vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 18-5, tại nhà của gia đình chị Tẩn Tỏ M., xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ.
Thời điểm trên, ngôi nhà của chị M. bất ngờ bốc cháy dữ dội, dù người dân sinh sống xung quanh và chính quyền địa phương đã đến chữa cháy, cứu người. Tuy nhiên, do đám cháy quá lớn khiến ngôi nhà đã bị lửa thiêu rụi.
Lúc xảy ra hoả hoạn, trong nhà có cháu Tẩn Sơn M. (7 tuổi, đang học lớp 2 Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 xã Hà Nỳ, là con trai chị M.) không kịp thoát ra ngoài đã tử vong thương tâm trong đám cháy.
Trong sáng nay, chính quyền huyện Nậm Pồ cũng đã tới thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời phối hợp điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn.
Được biết, huyện Nậm Pồ đang làm tâm dịch Covid-19 của tỉnh Điện Biên khi nhiều ngày qua địa phương này liên tiếp phát hiện 26 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại xã Si Pa Phìn. Tất cả đều lây nhiễm từ nữ kế toán trường tiểu học (ca bệnh BN3758).
TP.HCM yêu cầu không thu học phí nếu không dạy học trực tuyến
Ngày 19/5, trước tình trạng nhiều cơ sở giáo dục còn nhập nhèm trong việc thu tiền học của học sinh trong thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sở GD&DT TP.HCM chính thức yêu cầu các đơn vị này không được phép thu học phí nếu không triển khai dạy học trực tuyến hoặc dạy học bù.
Chỉ những cơ sở giáo dục triển khai dạy học bù hoặc học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch COVID-19 mới được phép thu học phí. Ảnh: NLĐ
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT nhấn mạnh thời gian thu học phí và các khoản thu khác phải đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá khung thời gian quy định (không quá 9 tháng) của UBND TP.HCM về Kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, đối với các khoản thu thỏa thuận và thu chi hộ phải dựa theo thời gian thực học cùng chi phí thực tế phát sinh. Các đơn vị lưu ý điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và mức thu tiền học sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong mùa dịch COVID-19, thành phố đã yêu cầu 100% các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện thu học phí và các khoản thu khác bằng nhiều phương thức, không giới hạn ngân hàng thanh toán và ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ POS, liên kết tài khoản, thẻ ngân hàng qua các kênh trực tuyến. Đặc biệt, TP.HCM đề nghị không thu tiền bằng phương pháp nộp tiền mặt.