Bác sĩ Nguyệt có lần đi truy vết, về cách nhà chỉ vài trăm mét mà không vào được nhà dù nhớ bố mẹ đến lặng người.
Tại khu cách ly trường Đại học Kỹ thuật - Hậu Cần Công an nhân dân (Thuận Thành, Bắc Ninh) khi nhắc đến bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, từ cán bộ huyện, quản lý khu cách ly và cả những người cách ly dường như ai cũng biết.
Bác sĩ là Nguyệt là người con của quê hương Thuận Thành, vì thế khi dịch COVID-19 bùng phát, nữ bác sĩ này đã viết đơn tình nguyện xin được đi ra tuyến đầu chống dịch, mong góp phần nhỏ bé của mình để dịch bệnh không lan rộng. Bất kể ngày đêm, mỗi khi tiếp nhận người dân đến khu cách ly, bác sĩ Nguyệt lại có mặt để làm công tác truy vết, hỗ trợ nhóm sinh viên tình nguyện theo dõi, chăm sóc sức khỏe của từng F1.
Bác sĩ Nguyệt cho biết, khi phải đi cách ly tâm lý ai cũng hoang mang, lo lắng, vì thế các cán bộ, bác sĩ ở khu cách ly khi đó phải đặt vai trò là người thân của họ. Vừa động viên, vừa chia sẻ, vừa đảm bảo an toàn để không bị lây nhiễm bệnh (trong trường hợp F1 đã nhiễm virus), công việc tưởng dễ nhưng lại khó vô cùng.
Phút nghỉ ngơi của các cán bộ chống dịch trong khu cách ly.
“Chúng tôi còn phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng trường hợp. Ví dụ các cháu nhỏ thì ăn cháo, sư thầy thì ăn chay, người có bệnh nền thì chế độ ăn uống thế nào cho phù hợp”, bác sĩ Nguyệt tâm sự.
Với tính chất công việc cơ động, liên tục, thời gian nghỉ ngơi của bác sĩ Nguyệt cũng như các cán bộ khác ở khu cách ly chỉ có thể tính bằng phút và phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi. Địa điểm nghỉ ngơi có thể là bậc thang, thềm hè hoặc là ngay dưới các tán cây. Thời tiết tháng 5 nắng nóng, khi được cởi bộ đồ bảo hộ ra ai cũng thấy như trút được “gánh nặng”, thế nhưng có những lần vừa cởi bộ đồ ra lại có người vào cách ly và phải thay bộ mới.
“Sau những lần như vậy chúng tôi không cởi đồ bảo hộ ra nữa, cứ mặc trên người cho đỡ xót, mỗi bộ đồ mấy trăm nghìn chứ có ít đâu”, giọng bác sĩ Nguyệt nhỏ nhẹ nói sau tấm kính chắn giọt bắn.
Bác sĩ Nguyệt năm nay đã 33 tuổi, khi hỏi về chuyện viết đơn đi chống dịch thì chuyện gia đình sẽ bố trí ra sao, nữ bác sĩ cười và đáp: “Em chưa có người yêu, ai cũng giục, sốt ruột lắm rồi”.
Bác sĩ Nguyệt bật khóc khi nói về nỗi nhớ gia đình.
Con gái còn độc thân, vẫn là con gái nhỏ trong mắt bố mẹ nên khi biết tin Nguyệt vào khu cách ly làm việc, bố mẹ Nguyệt ở nhà lo lắng, cứ mỗi khi có ca bệnh mới lại gọi điện hỏi xem có an toàn hay không. Khi đó, bác sĩ Nguyệt lại trấn an bố mẹ: “Không có vấn đề gì đâu, chiến thắng dịch bệnh con về nhà, mang thêm cả người yêu về nữa”. Nghe Nguyệt động viên bố mẹ như vậy, các đồng nghiệp, lãnh đạo quản lý khu cách ly cũng động viện cô bác sĩ độc thân: “Cố gắng nhé, sau đợt này về Trung tâm Y tế sẽ phát cho một anh người yêu”.
Công việc của Nguyệt và đồng nghiệp phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao vì tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp F1. Thuận Thành có đến 18 khu cách ly tập trung, chỗ nào khó khăn, đông dân, nhóm của Nguyệt lại nhanh chóng có mặt để triển khai những biện pháp không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng.
Công việc truy vết cần sự tỉ mỉ, chính xác cao. Vì thế ngay cả khi đã gọi điện thoại lấy thông tin nhưng thấy chưa chuẩn, Nguyệt lại phải về tận nơi xác minh, kê khai đầy đủ từng trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh.
“Ngày nào cũng chạy suốt thế đấy anh ạ. Có hôm đi về qua lối vào nhà cách mấy trăm mét, tự dưng thấy nhớ bố mẹ đến lặng người. Mười mấy ngày liên tục chưa được gặp người thân, sao có cảm giác đường về nhà mình xa thế”, nữ bác sỹ tậm sự.