Sau 3 ngày sát hại cha rồi đốt xác phi tang, nghi can 15 tuổi đã thú nhận với gia đình rồi đến công an đầu thú.
Con trai 15 tuổi ở Lâm Đồng sát hại cha rồi đốt xác phi tang
Ngày 25-12, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ Nguyễn Đình Thi (15 tuổi ngụ xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) để điều tra hành vi giết người.
Người dân ngỡ ngàng khi hay tin đứa trẻ 15 tuổi giết cha rồi đốt xác phi tang. Ảnh: VT
Theo điều tra ban đầu, ngày 22-12, Thi cãi lại ông Nguyễn Mạnh T (53 tuổi, cha của Th).
Sau khi lời qua tiếng lại, Thi đã dùng hung khí sát hại cha mình rồi đốt thi thể ông T. Sau đó, Thi dùng băng keo quấn thi thể ông T lại rồi gác lên la phông phía sau mái nhà tắm để phi tang.
Đến khuya 24-12, khi bà nội hỏi Thi cha đâu thì Thi mới tự thú với bà là đã ra tay sát hại cha mình rồi lên công an đầu thú.
Tiếp nhận tin báo, Công an tỉnh Lâm Đồng khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi điều tra, làm rõ vụ án mạng.
Thi đang là học sinh lớp 10 tại một trường THPT trên địa bàn TP Bảo Lộc.
Căn hộ chung cư mini sẽ được cấp sổ hồng nhưng quản lý chặt hơn
Sáng 25/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
7 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 gồm: Luật Viễn thông; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước; Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Kinh doanh bất động sản.
Về Luật Nhà ở, tại họp báo, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Luật có 13 chương với 198 điều, có hiệu lực thi hành 1/1/2025. Luật đã quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, trong đó bỏ quy định về kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm.
Luật quy định chặt chẽ hơn về việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; bỏ quy định lấy ý kiến Bộ Xây dựng khi thực hiện thủ tục xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Đáng chú ý, Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân (hay còn gọi là chung cư mini) để bán, cho thuê mua, cho thuê của luật theo hướng chặt chẽ hơn về điều kiện đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê hướng chặt chẽ hơn.
Trả lời thêm về nội dung trên tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ đã có quy định, tuy nhiên trong thực hiện đã có bất cập.
Vì thế, trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở lần này, phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê, cũng như việc cấp giấy chứng nhận là một trong những chính sách được quan tâm sửa đổi để đảm bảo chặt chẽ hơn so với trước đây.
Tại Điều 57 đã nêu rõ các quy định liên quan đế việc phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán và cho thuê. Trong đó có đưa ra một số yêu cầu, như việc đầu tư xây dựng phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng cũng như quy định khác liên quan.
Đáng chú ý, Luật sửa đổi quy định căn hộ chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế căn hộ, hoặc từ 2 tầng, có quy mô 20 căn hộ trở lên) đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai (còn gọi là sổ hồng). Những căn hộ này cũng được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Với căn hộ chung cư mini (nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ, tại mỗi tầng có thiết kế) chỉ để cho thuê, cá nhân có quyền sử dụng đất phải đáp ứng 3 điều kiện. Đầu tiên là đáp ứng yêu cầu về xây dựng nhà ở theo quy định của Bộ trưởng Xây dựng. Tới đây sẽ có quy định cụ thể về nội dung này. Thứ hai, là đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Thứ ba là đáp ứng về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội
Một trong những điểm mới đáng chú ý khác trong Luật Nhà ở sửa đổi là chính sách về nhà ở xã hội. Theo ông Sinh, Luật xác định rõ trách nhiệm dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
Ông nhấn mạnh, việc trao quyền gắn với trách nhiệm để tạo cơ chế linh hoạt cho địa phương triển khai thực hiện.
Luật bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo đó, bên cạnh việc được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì đối tượng công nhân, người lao động tại khu công nghiệp còn được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đối tượng là lực lượng vũ trang nhân dân được mua, thuê, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồng thời, đề xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho công nhân, người lao động của mình thuê lại.
Điểm mới đáng chú ý là bổ sung quy định cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội cho thuê....
Hà Nội xem xét cho thuê vỉa hè vào tháng 1/2024
Tại phiên họp chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè.
"Dự kiến việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, vành đai 1, 2, 3 hay các vành đai 2, 5, 3 để ra từng khu vực, từng quận huyện", ông Tuấn nói.
UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024. Hiện, một số quận của Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè.
Dẫn thực tế ở TPHCM đã có quy định thu phí vỉa hè, ông Tuấn cho biết Hà Nội định hướng những vỉa hè đủ điều kiện ở các khu phát triển du lịch, văn hóa có thể được cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ du lịch.
Vỉa hè cho thuê tại phố Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm.
Hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.
Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng: Trật tự vỉa hè là "cả một vấn đề rất phức tạp". Mỗi đợt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì có cải thiện, sau đó "đâu lại vào đó".
Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trong đó, phải giải được các câu hỏi bến đỗ xe, tuyến đỗ xe thế nào. Đồng thời, phải giải quyết được bài toán kinh tế của các hộ dân với việc đảm bảo trật tự văn minh đô thị, đảm bảo hài hòa lợi ích.
2 bé sơ sinh bị bỏ rơi trong đêm Noel kèm lá thư của người mẹ
Ngày 25/12, UBND xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết đang tìm người thân của 2 bé sơ sinh bị bỏ rơi tại ấp Tân Lập 2.
Hai cháu bé bị bỏ rơi.
Tối 24/12, người dân phát hiện một thùng carton lạ ven đường nên đến kiểm tra. Khi mở thùng ra nhiều người dân bất ngờ thấy 2 bé sơ sinh (1 trai và 1 gái) được quấn khăn. Ngoài ra, người dân còn thấy một giỏ chứa quần áo, tã kèm một lá thư để lại.
Nội dung bức thư nhắn gửi: “Tôi là mẹ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn, không nuôi nổi 2 bé nên nhờ gia đình hiếm muộn nuôi dưỡng...”.
Sau đó, 2 bé sinh đôi khoảng 1 tuần tuổi được người dân đưa đến trạm y tế để kiểm tra sức khoẻ. Hiện sức khoẻ đã ổn định và đang nhờ một gia đình tại địa phương chăm sóc.
Vụ nữ sinh suy sụp vì bị mắng "không có não": Cô giáo "rút kinh nghiệm sâu sắc"
Ngày 25-12, nguồn tin cho biết hội đồng kỷ luật của Trường TH-THCS Lê Lai (huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk) đã thống nhất kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với giáo viên xúc phạm, chửi học sinh "không có não".
Trường THCS Lê Lợi thiết lập hồ sơ và các tài liệu liên quan gửi sang Trường TH-THCS Lê Lai để xử lý cô Q.A.
Trước đó, bà Đ.T.C. tố cáo cô P.Q.A. có lời lẽ không chuẩn mực khiến con gái bà là em T.T.N. (khi còn là học lớp 8, Trường THCS Lê Lợi) suy sụp tinh thần, phải điều trị tâm lý, sụt 10kg.
Ngày 17-11, Trường THCS Lê Lợi đã làm việc với 35 học sinh từng học với cô giáo Q.A. để làm rõ vụ việc. Hầu hết các em học sinh đều xác nhận có việc cô Q.A. xúc phạm em N. Ngoài ra, qua làm việc, cô Q.A. thừa nhận đã có lời lẽ thiếu chuẩn mực, xúc phạm em N.
Do cô Q.A. đã chuyển sang công tác nên Trường THCS Lê Lợi đã thiết lập hồ sơ và các tài liệu liên quan gửi sang Trường TH-THCS Lê Lai để xử lý.
Sau khi nhận tài liệu, Trường TH-THCS Lê Lai đã thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý cô giáo Q.A. Trước hội đồng kỷ luật, cô Q.A. đọc bản tự kiểm điểm và cam kết rút kinh nghiệm sâu sắc về hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của mình.
Sau khi thảo luận, hội đồng kỷ luật Trường TH-THCS Lê Lai đã thống nhất kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với cô Q.A.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh bà C. tố cáo cô Q.A. có lời lẽ miệt thị con mình khi làm chủ nhiệm lớp 8A6, Trường THCS Lê Lợi năm học 2022-2023. Việc này khiến con gái bà bị stress nặng, phải điều trị tâm lý và sụt hơn 10 kg.
Theo bà C. năm học 2022-2023, con gái bà học lớp do cô A. chủ nhiệm và dạy môn toán. Vào đầu năm học, em N. có tham gia lớp học thêm của cô A. nhưng học được 3 tháng thì xin nghỉ vì ở nhà có người thân kèm.
Bà C. cho rằng sự việc bắt nguồn từ chuyện con gái bà nghỉ học thêm cô A. Khi ở trên lớp, N. bị phân biệt đối xử, xúc phạm, miệt thị nặng nề.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, cô Q.A. thừa nhận mắng học sinh N. "Em không có não để suy nghĩ à" và phạt em đứng trong lớp. Tuy nhiên, cô Q.A. phủ nhận viện xúc phạm học sinh là vì em N. nghỉ học thêm.