Ông P.V.T. (cha ruột Phan Văn Minh) cho biết, Minh lấy vợ từ lúc đang học lớp 11, sau đó chuyển về quê vợ sinh sống. Hiện tại vợ chồng Minh có 3 con trai. Cháu đầu học lớp 3, cháu tiếp theo học lớp 2 và cháu út 4 tuổi.
Mời quý vị và các bạn đón xem video dưới đây:
Vụ sát hại người yêu sau khi cầu hôn: Nghi phạm đã có vợ, 3 con
Ngày 20-10, ông Phan Văn T. (49 tuổi, trú huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã thông tin về việc con trai là Phan Văn Minh (27 tuổi) kể đã sát hại cô gái Y.H (23 tuổi, trú huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) sau khi cầu hôn ở Đà Nẵng, gây xôn xao mạng xã hội.
Theo ông Phan Văn T, vào đầu giờ chiều ngày 16-10, Phan Văn Minh đã gọi điện về cho gia đình, xin gặp cha. Lúc này, Minh nói rằng đã uống thuốc sâu để tự tử vì vừa giết người. "Tôi hỏi con đang ở đâu thì nó không nói. Tôi đã khuyên con cứ bình tĩnh, đến bệnh viện để rửa ruột cấp cứu, rồi đến công an đầu thú, mọi chuyện đều có cách giải quyết" - ông Phan Văn T. kể lại.
Đối tượng Phan Văn Minh cầu hôn chị Y.H tại Đà Nẵng được đăng tải trên mạng xã hội
Ông Phan Văn T. kể tiếp, sau đó con trai ông đã cho biết địa chỉ nhà nghỉ, nơi đã ra tay sát hại cô gái. Nghe xong, ông này đã gọi điện nhờ người quen ở Đà Nẵng đến tận nhà nghỉ con trai kể để xác minh và phát hiện cô gái đã tử vong.
Cũng theo người cha này, trước đây con trai ông đã từng dẫn chị Y.H về nhà chơi và giới thiệu là bạn gái.
Ông Phan Văn T. cũng kể thêm rằng con trai ông đã có vợ và 3 người con trai. Tuy nhiên, hai vợ chồng đang ly thân nhiều năm nay.
Sau khi gây án, Minh đã điện cho cha mình báo nhà nghỉ nơi ra tay sát hại nạn nhân - Ảnh NLĐO
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 14-10, Minh đến thuê phòng tại nhà nghỉ ở khu vực trước Bến xe trung tâm TP Đà Nẵng.
Sau đó, Minh đi ra ngoài. Khoảng 23 giờ ngày 15-10, Minh quay lại phòng cùng với chị Y. H.
Đến 11 giờ ngày 16-10, Minh rời khỏi nhà nghỉ. Sau đó, chủ nhà nghỉ kiểm ra phòng và phát hiện chị Y.H đã tử vong với nhiều thương tích nên báo công an.
Riêng đối tượng Minh sau khi rời khỏi nhà nghỉ, lẩn trốn tại khu vực đồi núi thuộc xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và uống thuốc diệt cỏ để tự tử nhưng bất thành.
Máy trộn hồ rò điện làm 1 phụ nữ bị điện giật tử vong
Ngày 20-10, thông tin từ UBND xã Ea Đah (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ bị điện giật tử vong khi đang trộn hồ.
Người phụ nữ bị điện giật khi đang trộn hồ. Ảnh chụp màn hình
“Gia cảnh nạn nhân thuộc hộ nghèo. Địa phương đã cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kinh phí để gia quyến lo mai táng cho nạn nhân được chu toàn”, lãnh đạo UBND xã Ea Đah thông tin.
Theo tin ban đầu, chiều 18-10, hai vợ chồng tại thôn Thanh Xuân, xã Ea Đah trộn hồ để xây chuồng heo của gia đình.
Khi người chồng đang xây ở chuồng heo ở phía sau, người vợ lên trước nhà trộn hồ để mang ra cho chồng.
Không may, chiếc cối trộn hồ bị rò rỉ điện. Vì vậy, khi người phụ nữ nắm tay nắm vào vòng xoay của cối trộn hồ thì bị điện giật, gục xuống đất.
Trong quá trình bị điện giật, phụ nữ này có la hét, kêu cứu. Tuy nhiên, sự việc diễn biến rất nhanh, kèm thêm tiếng ồn lớn từ chiếc cối trộn hồ nên không ai nghe thấy.
Sau đó, nạn nhân được phát hiện, đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong.
Bức xúc cảnh xe 16 chỗ chèn ép, tạt đầu ô tô tải trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Đoạn video được camera hành trình ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, vào khoảng 12 giờ 40 phút ngày 19/10, trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn cách nút giao quốc lộ 2B - IC4 2km), chiếc xe tải chở hàng khi đang di chuyển trên đường thì bất ngờ bị một xe khách loại 16 chỗ từ phía sau vượt lên, liên tục chèn ép, tạt đầu.
Để tránh va chạm, lái xe tải đã phải đánh xe về phía làn đường khẩn cấp, tuy nhiên chiếc xe khách vẫn không chịu "buông tha", tiếp tục ép xe tải vào sát dải phân cách, phanh gấp để buộc tài xế xe tải dừng lại.
Xe 16 chỗ chèn ép, tạt đầu ô tô tải trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dù chưa rõ sự việc cụ thể ra sao, thế nhưng đoạn video sau khi đăng tải đã nhận được hàng ngàn lượt xem và bình luận, đa số ý kiến đều bức xúc trước hành động nguy hiểm của lái xe khách, không những gây nguy hiểm cho các phương tiện khác mà còn đe dọa an toàn của chính các hành khách đang ngồi trên xe.
"Hành vi chèn ép của xe 16 chỗ là không chấp nhận được, nếu trên xe có khách thì càng xem thường tính mạng người khác
"Xe tải bám nhập làn chậm, xe 16 chỗ vượt láo lại dính lách xe đen bên trái. Phải phạt thật nặng mới sợ".
"Nhiều xe 16 chỗ chạy cao tốc rất láo. Đi bất chấp, lạng lách vượt ẩu. Nếu có chỗ gửi video để phạt nguội thì tôi chăm gửi định kỳ luôn", là một số bình luận được người xem để lại.
Ứng phó với gió mạnh và mưa dông trên biển
Ngày 20/10, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang về việc chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.
Triển khai các biện pháp đề phòng gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày và đêm 20-21/10, khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0 - 5,0m; vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Để chủ động ứng phó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Cơ quan khí tượng cho hay, trong tháng 10, tháng 11, không khí lạnh tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ. Từ tháng 12, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh hơn và gây ra các đợt rét đậm, rét hại.
Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này. Rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12, tương đương so với trung bình nhiều năm.