Ba người trong gia đình “rất khác” mà báo Pháp Luật TP HCM đã phản ánh sẽ được làm giấy khai sinh trước ngày 30-7 tuy nhiên trong giấy khai sinh để trống phần họ.
Gia đình ‘rất khác’ ở Đà Nẵng sẽ được làm khai sinh nhưng để trống họ
Ngày 25-6, ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, vừa qua UBND quận này đã tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề của gia đình “rất khác” ở Đà Nẵng mà báo Pháp Luật TP HCM đã phản ánh, đang sống ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Nhiều đơn vị cùng họp để giải quyết
Cuộc họp có sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan và đưa ra một số thống nhất.
Gia đình "rất khác" vẫn đang sống ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Ảnh: HẢI HIẾU
Về giấy tờ tùy thân, đối với trường hợp anh Dương Minh Châu (38 tuổi), Công an Phường Hoà Minh đã xác minh là nơi đăng ký thường trú của anh là tổ 121, phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) nên không làm khai sinh.
Đối với chị Trần Thị Bình (34 tuổi), theo lời chứng giám của dì ruột là địa điểm sinh tại Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng và quê mẹ là ở xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, quê của mẹ chị Bình).
Tuy nhiên, sau khi làm các thủ tục xác minh theo qui định mà không có kết quả như thực tế.
Vì vậy, trên giấy khai sinh đơn vị đứng tên thay cha mẹ chị Bình là Hội Bảo trợ phụ Nữ và trẻ em nghèo bất Hạnh quận Liên Chiểu. Trong khai sinh cũng chỉ ghi tên Bình và ngày tháng năm sinh theo biên bản ghi lại lời khai chứng giám của dì ruột đang còn sống và tâm trí bình thường, không ghi họ vì chưa rõ cha chị Bình là ai.
Đối với hai cháu trai tên Phương (9 tuổi) và Nam (4 tuổi) cũng tương tự do Hội Bảo trợ phụ Nữ và trẻ em nghèo bất Hạnh quận Liên Chiểu đứng tên thay cha mẹ. Trong khai sinh cũng chưa ghi họ (chờ các bước xác minh liên quan). Nơi sinh sẽ là tổ 129, phường Hoà Minh tức chỗ ở tạm hiện nay.
UBND phường Hòa Minh sẽ là đơn vị thực hiện, thời gian hoàn thành khai sinh cho cả ba mẹ con là ngày 30-7.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho gia đình
Sau khi có giấy khai sinh, UBND quận sẽ chỉ đạo các đơn vị có chức năng hỗ trợ các công việc tiếp theo như: Đăng ký mã định danh; thủ tục nhập học; Bảo hiểm y tế; Chứng thực hộ nghèo, người khuyết tật, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội để hưởng chính sách của nhà nước....
Về chỗ ở, quận đề nghị UBND TP Đà Nẵng giao cho Trung tâm bảo trợ xã hội TP tiếp nhận trong thời gian sớm nhất.
Về khám và điều trị bệnh lao, Giao Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu tiếp tục hỗ trợ điều trị cho đến khi bệnh hết hẳn nguy cơ lây nhiễm.
Về học hành, giao cho Phòng GD & ĐT hỗ trợ hai cháu nhỏ nhập học sau khi có giấy khai sinh. Còn một phương án khác là giao cho Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh lập thủ tục đưa các cháu vào làng hy vọng để nuôi dạy nếu xét thấy về lâu dài việc nuôi dạy con của cha mẹ là không đảm bảo.
Về các khoản hỗ trợ, giao Phòng LĐTBXH và các hội đoàn thể tham mưu UBND quận chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ giúp đỡ ở mức tốt nhất (cả việc vận động tài trợ cá nhân, tổ chức ngoài cộng đồng).
Bán “hớ” sổ BHXH, người đàn ông mất cả trăm triệu đồng
Trong lúc cần tiền, người đàn ông ở một tỉnh phía Nam đã bán cuốn sổ BHXH giá 30 triệu đồng bằng hình thức ký giấy ủy quyền nhận BHXH một lần cho một người thu mua.
Gần 2 tháng sau đó, người này nhận được tin nhắn thông báo đã được giải quyết hưởng BHXH một lần với số tiền gần 150 triệu đồng, bằng 1/5 số tiền thực lĩnh. Khi đó anh mới biết đã "bán hớ" cuốn sổ BHXH đã đóng BHXH được hơn 12 năm.
Thông tin mua bán sổ BHXH công khai trên mạng xã hội.
"Lúc có tin nhắn thông báo trên hệ thống VssID tôi thật sự bất ngờ vì số tiền mà mình được hưởng theo quy định. Khi đến BHXH hỏi cụ thể tôi rất nuối tiếc và xót xa vì không nghĩ mình có được được giải quyết số tiền lớn đến vậy"- Người này chia sẻ.
Ông Phạm Tuấn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra – Kiểm tra, BHXH Việt Nam cho biết sổ BHXH là giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của người lao động làm cơ sở để giải quyết các chế độ. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Tuy nhiên, quy định cho phép ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hiện nay khiến nhiều kẻ gian lợi dụng lôi kéo lao động mua bán sổ BHXH kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để rút khoản một lần, hưởng chênh lệch. Tình trạng mua bán sổ BHXH gặp nhiều ở địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Nhiều trường hợp nhận được số tiền chỉ bằng 20%-30% so với số tiền BHXH một lần được cơ quan BHXH đã giải quyết, chi trả.
Ngoài ra, còn có tình trạng người thu mua sổ cố tình thông tin việc giải quyết thủ tục BHXH rất phức tạp đẩy người lao động vào tâm lý lo lắng, e ngại việc thực hiện thủ tục giải quyết và đồng ý bán sổ BHXH với giá rẻ.
Trước tình trạng mua bán, cầm cố sổ BHXH, ông Cường cho biết thời gian qua BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thành phố nâng cao trách nhiệm trong tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xem xét kỹ khi gặp các hồ sơ được ủy quyền đề nghị giải quyết cho từ người thứ 2 trở đi.
BHXH Việt Nam cũng đã có Công văn gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề nghị vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ BHXH của các hội, nhóm, fanpage…
"Để ngăn chặn trục lợi chính sách, đảm bảo quyền lợi người lao động, trong Luật BHXH sửa đổi lần này, BHXH Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mua bán, cầm cố sổ BHXH, cũng như mượn hồ sơ của người khác"- ông Cường đề xuất.
Tạm đình chỉ công tác nam giảng viên bị "tố" quấy rối, "gạ tình" nữ sinh
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh (GDQPAN) thuộc Trường ĐH Hải Phòng, nhà trường đang khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc và sẽ sớm thông tin cho báo chí.
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết nam giảng viên quân sự của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh thuộc Trường ĐH Hải Phòng, người bị một nữ sinh của Trường ĐH Hải Phòng lên mạng xã hội "tố" quấy rối, đã bị nhà trường tạm đình chỉ công tác.
Hiện, phía nhà trường đã yêu cầu nam giáo viên bị nữ sinh "tố" "gạ tình" phải viết báo cáo giải trình.
Nội dung phản ánh của nữ sinh Trường ĐH Hải Phòng cùng clip ghi âm kèm theo đăng tải trên diễn đàn sinh viên.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, vào tối 22-6, trên group của sinh viên Trường ĐH Hải Phòng, tài khoản T.C. có đăng tải bài viết thông tin về việc giảng viên quân sự của Trung tâm GDQPAN nhiều lần gọi điện, quấy rồi nữ sinh viên và kèm theo 7 đoạn ghi âm có nội dung trao đổi giữa 2 người nam và nữ.
Theo phản ánh của nữ sinh T.C., vào giữa tháng 6-2023, nhà trường có tổ chức cho sinh viên kỳ học quân sự tập trung tại Trung tâm GDQPAN. Trong quá trình theo học, một nam giáo viên đã nhiều lần gọi lên phòng riêng hoặc điện thoại cho nữ sinh này với những lời lẽ không chuẩn mực, gạ gẫm, quấy rối tình dục…
Nữ sinh T.C. chia sẻ sở dĩ đăng tải nội dung trên do trước đó có nghe các anh chị khóa trên phản ánh và giờ đến lượt mình là nạn nhân. Nữ sinh T.C. cũng cho rằng các bạn đọc được bài viết này và cũng đã bị bất kì hình thức làm phiền hay quấy rối nào thì cứ mạnh dạn lên tiếng.
Nữ sinh này muốn phơi bày sự thật để những bạn khóa sau không gặp phải và được tận hưởng kỳ học quân sự trọn vẹn trong thời sinh viên.
Theo thông tin chia sẻ, nữ sinh bị quấy rối là sinh viên năm thứ hai, tham gia học quân sự đợt này với 134 sinh viên khác tại trung tâm trong 3 tuần, kết thúc vào ngày 17-6.
Được biết, Trung tâm GDQPAN của trường Đại học Hải Phòng được thành lập vào năm 2003. Đây là nơi học tập, huấn luyện về giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu III (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam). Trung tâm hiện có 6 đại đội quản lý sinh viên.
Nam sinh lớp 12 bị nước cuốn trôi tử vong khi tham gia giải bơi vượt sông
Sáng 25-6, tại khu vực sông Cầm, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh diễn ra Giải bơi vượt sông truyền thống thị xã (TX) Đông Triều và Hội bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng tỉnh Quảng Ninh lần thứ 45. Giải bơi diễn ra khi thời tiết xấu, mưa khá lớn.
Ban tổ chức tiến hành kiểm tra dòng, các phương tiện, thiết bị phục vụ an toàn cho giải đấu dự kiến diễn ra sáng Chủ nhật 25-6 trên dòng sông Cầm. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Hội bơi có sự tham gia của hơn 100 vận động viên của 3 địa phương gồm: TP Hạ Long, thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên, trong đó có 80 vận động viên (VĐV) tham gia Giải bơi Truyền thống thị xã Đông Triều.
Các VĐV tranh tài ở các nội dung: Cá nhân nam chính, nữ chính; nam trẻ, nữ trẻ; đồng đội nam chính, đồng đội nữ chính, đồng đội nam, nữ trẻ và giải toàn đoàn chính, toàn đoàn trẻ với các cự ly từ 1-3 km.
Khoảng 9 giờ 15 phút, sự cố xảy ra khi VĐV T.Đ.K. (SN 2005, trú tại khu Yên Hợp, phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều) không may bị nước cuốn trôi và mất tích. T.Đ.K. hiện là học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông, thị xã Đông Triều.
Sau gần 5 giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của nam học sinh này trên sông Cầm. Thi thể nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Được biết thời điểm diễn ra cuộc thi này nước trên sông Cầm, tại thị xã Đông Triều xuất hiện lũ do thời tiết mấy ngày nay tại Quảng Ninh có mưa to kéo dài.