Một công dân xã An Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) sau 39 năm bặt vô âm tín, được cho là mất tích, mới đây qua rà soát làm thẻ căn cước công dân, chính quyền địa phương xã An Ninh đã phát hiện công dân này lưu lạc ở miền Nam từ bấy đến nay.
Làm căn cước công dân, phát hiện anh trai sau gần 40 năm mất tích
Ông Trương Văn Long, Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: Năm 1984, ông Trương Văn Phong (sinh năm 1964) sau khi cự cãi với cha mẹ ông Phong bỏ đi biệt tăm. Gia đình tìm kiếm nhiều năm nhưng không có thông tin và cứ tưởng ông Phong mất tích. Chính quyền địa phương sau một năm tìm kiếm cũng đưa ông Phong vào diện mất tích.
Ông Phong (trái) chụp ảnh với người thân khi được gia đình đón về quê
Đầu tháng 11/2023, UBND xã An Ninh nhận được điện thoại từ công an phường Xuân Thanh, TP Long Khánh (Đồng Nai) đề nghị xác minh danh tính ông Phong để làm căn cước công dân.
Qua thông tin, ông Trương Văn Thường, xã đội phó phát hiện đó là anh trai mình, người mất tích 39 năm qua. Gia đình đã đón ông Phong cùng vợ con trở về làm các thủ tục giấy tờ để được Công an Đồng Nai cấp căn cước công dân.
Qua tìm hiểu, sau khi bỏ nhà đi, ông Phong vào Long Khánh làm thuê, cần cù lao động. Năm 1992, ông Phong lấy vợ là bà Lê Thị Thu Hồng (sinh năm 1968, quê gốc Quảng Trị, định cư tại Long Khánh).
Ông Phong (trái) cùng với họ hàng ở quê
Ông Phong và bà Hồng sinh được 2 người con gái, trong đó một người đã lập gia đình, còn người con gái út đang làm công nhân nhà máy ở Đồng Nai. Cuộc sống hiện tại của ông Phong được nói là khó khăn.
Ông Phong có cha là ông Trương Văn Phát (1930 - 2020), mẹ là bà Trần Thị Thẻo (1939 - 2022). Ông Phát, bà Thẻo sinh được 9 người con, 8 nam 1 nữ. Ông Phong là con cả.
Khi vào Long Khánh, ông Phong khai tên thành Trương Văn Thạch, vợ con nhiều lần gặng hỏi quê ở đâu để về thăm gia đình, nhưng ông Phong chỉ nói ở Quảng Bình, không nói nguyên quán huyện, xã, thôn.
Đại gia đình ông Phong bên phần mộ của cha mẹ ở quê
Đầu tháng 11/2023, do làm căn cước công dân, địa phương rà soát mới biết ông Thạch có tên thật là Phong. Từ đó, ông Phong mới về quê sau gần 40 năm biệt tăm, nhưng cha mẹ đã qua đời.
Xe tải tông vào quán ăn, 3 người thương vong
Chiều 12-11, lực lượng chức năng của huyện Hòn Đất và tỉnh Kiên Giang đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường vụ xe tải tông vào quán ăn khiến 3 người thương vong.
Trước đó, vào lúc 4 giờ 35 phút cùng ngày, tại khu phố Sư Nam, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, xe tải chạy hướng Rạch Giá – Hà Tiên, do tài xế Nguyễn Bá Hùng (SN 1982, thường trú xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất) điều khiển đã tông vào nhà bà Nguyễn Thị Ánh (SN 1982) tại khu phố Sư Nam, thị trấn Hòn Đất.
Hiện trường vụ tai nạn
Lúc tai nạn xảy ra, nhà bà Ánh mở cửa sớm để bán đồ ăn sáng cho khách qua đường. Bà Mã Thị Mai B. (SN 1978) và bà Phùng Thị T. (SN 1982) đi xe máy từ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đến quán bà Ánh thì dừng lại để ăn sáng. Cú tông trực diện của xe tải làm bà B. tử vong tại chỗ, bà T. bị thương nặng; một người trong quán cũng bị thương nhưng chưa rõ danh tính.
Ngoài thiệt hại về người, cơ quan chức năng bước đầu ghi nhận vụ tại nạn còn làm thiệt hại nhiều tài sản và căn nhà của bà Ánh.
Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để điều ra vụ việc và hỗ trợ các nạn nhân.
Bị lừa 900 triệu đồng sau thông báo sim điện thoại "bị khóa 2 chiều"
Ngày 12/11, ông Trần Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cát Văn (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã này vừa có trường hợp một người phụ nữ trình báo bị lừa đảo qua mạng mất 900 triệu đồng.
Thông tin ban đầu cho biết, trước đó vào ngày 11/11, chị D. (SN 1977, trú xã Cát Văn) nhận được một thông báo đến sẽ khóa 2 chiều sim điện thoại của chị D. Lo sợ bị khóa sim, chị D. hỏi hướng dẫn cách mở lại sim của mình. Chị D. sau đó đã bị đối tượng này dẫn dụ lừa bắt chuyển khoản tiền cho chúng để mở.
Công an Nghệ An triệt phá, bắt giữ đối tượng lừa đảo qua mạng trước đó.
Được biết, gia đình chị D. làm nông nghiệp, có 2 con trưởng thành đi làm ăn xa có tiền nên gửi về cho bố mẹ thì nay đã bị kẻ lừa đảo lừa hết tiền.
Trao đổi với PV, Công an xã Cát Văn xác nhận đã nhận được trình báo vụ việc của chị D. Hiện người này chỉ mới thông tin việc bị lừa tiền vì thông báo khóa sim điện thoại 2 chiều. Phía công an xã đang tiếp tục làm việc để xác minh lại thông tin sự việc này đúng hay không, từ đó sẽ điều tra vụ việc.
Trước đó, Tiền Phong đã có phản ánh thời gian qua tình trạng người dân ở các xã của huyện Thanh Chương bị lừa đảo qua mạng rất nhiều. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, có đến cả chục người dân bị lừa đảo nhiều tỷ đồng. Tình trạng người dân bị lừa xảy ra ở các xã Thanh Tiên, Thanh Liên, Thanh An, Thanh Mỹ, Võ Liệt…
Đơn cử, một cụ ông 80 tuổi ở xã Thanh Tiên đã bị các đối tượng gọi điện đến giả danh cán bộ công an thông báo người này đang dính vào một vụ án. Nhóm đối tượng lừa đảo sẽ liên kết, dẫn dụ nạn nhân từng bước chuyển tiền cho mình để chứng minh trong sạch. Đến khi nạn nhân phát hiện ra bị lừa thì đã bị chiếm đoạt 470 triệu đồng.
Một lãnh đạo Công an huyện Thanh Chương cho biết, thời gian qua đơn vị này đã tiếp nhận một số thông tin vụ việc người dân bị lừa đảo qua mạng. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng đều đang ở nước ngoài, sử dụng công nghệ cao để thực hiện việc lừa đảo nên việc đấu tranh, điều tra gặp khó. Phía đơn vị cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân để biết được các thủ đoạn cũng như hình thức lừa đảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số người già lớn tuổi chưa nắm bắt được thông tin dẫn đến bị lừa.
1 học sinh bị đánh hội đồng, gãy ngón tay
Ngày 12-11, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột vừa có báo cáo vụ việc liên quan đến học sinh đánh nhau ngoài nhà trường.
Nam học sinh bị nhóm học sinh đánh dã man. Ảnh cắt từ clip
Trưa 3-11 (sau giờ tan học 15 phút), em PNAK và NĐH (cùng là học sinh lớp 9 Trường THCS Lạc Long Quân, TP Buôn Ma Thuột) có tham gia đánh em TVQĐ (học sinh lớp 9 Trường THCS Hùng Vương) tại địa điểm phía sau khu dân cư hẻm Nguyễn Cư Trinh (phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột).
Nguyên nhân ban đầu được xác định, do trước đây em Đ có xảy ra mâu thuẫn với em A. (học sinh Trường THCS Hùng Vương). Sau đó, em A nhờ K và H đánh em Đ.
Sau vụ ẩu đả này, em Đ bị gãy ngón tay út và xây xước ngoài da.
Các học sinh và cha mẹ học sinh có liên quan vụ việc đã được Công an phường Tự An mời lên làm việc, viết tường trình và cam kết.
Hiện gia đình các bên học sinh liên quan vẫn đang trong quá trình giải quyết sự việc cùng cơ quan công an.
Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột cũng khẳng định, vụ việc đánh nhau có ghi lại bằng video clip và chưa có kết luận chính thức từ phía Công an phường Tự An.
Lãnh đạo trường THCS Lạc Long Quân và Trường THCS Hùng Vương đã khẩn trương phối hợp xử lý vụ việc. Đồng thời, cử thầy cô giáo đến thăm hỏi em Đ và phối hợp làm việc với Công an phường Tự An để phục vụ công tác điều tra và xử lý vụ việc.
Phụ huynh của những học sinh tham gia đánh đã tới nhà em Đ thăm hỏi, động viên và chịu các khoản chi phí, thuốc men cho nam sinh này.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip nam học sinh bị nhóm học sinh đánh hội đồng.
Nội dung đoạn clip ghi lại vụ việc cho thấy, một nam sinh bất ngờ bị nhóm học sinh mặc đồng phục trắng và xanh lao vào đánh tới tấp vào người. Bị tấn công, nam sinh bị ngã xuống đường.
Tuy nhiên, nhóm nam sinh vẫn lao vào dùng chân đá liên tiếp vào mặt, đầu của nạn nhân. Bị đánh, nam sinh chỉ biết dùng tay ôm đầu chịu trận.