Khi vụ cháy xảy ra rạng sáng 21/1, họ thấy Phước cũng có mặt tại hiện trường, sau đó lên xe máy bỏ đi.
Lộ chân dung bất ngờ nghi phạm phóng hỏa ở quận 9 gây chết 5 người
Ngày 23/1, Công an quận 9, TP.HCM tạm giữ hình sự Nguyễn Hữu Phước (38 tuổi) để điều tra về hành vi phóng hỏa làm 5 người tử vong trong căn nhà ở đường Đỗ Xuân Hợp.
Theo Zing.vn, khi biết Phước là nghi phạm gây ra vụ cháy, người dân trong con hẻm 567 đều bất ngờ. Không ai nghĩ kẻ phóng hỏa lại là hàng xóm sát vách với nạn nhân.
"Không thể tin nổi, anh ta là hàng xóm cách chỉ một vách tường với gia đình nạn nhân. Họ sống cạnh nhau cả 30 năm nay rồi, thậm chí còn chẳng xích mích với nhau", một người dân sinh sống cùng con hẻm nói.
Theo người dân nơi đây, khi vụ cháy xảy ra rạng sáng 21/1, họ thấy Phước cũng có mặt tại hiện trường. Sau đó người đàn ông này lên xe máy bỏ đi. Nghi can lúc này mặc quần ngắn, áo phông và đi giày.
Nghi phạm Nguyễn Hữu Phước. Ảnh: Công an cung cấp.
Một tiếng sau khi đám cháy được dập tắt, Phước quay trở lại. "Anh ta còn nói chuyện với các hàng xóm xung quanh, hỏi mọi người nên để xe ở đâu. Cử chỉ, bộ dạng hoàn toàn bình thường, không có vẻ gì là lo lắng", hàng xóm kể.
Theo những người ở con hẻm này, Phước sống cùng ba mẹ. Người đàn ông này chưa có vợ con, không nghề nghiệp ổn định. Hàng xóm nhận xét Phước sống khép kín, ít giao tiếp với người xung quanh.
Chiều 22/1, khi hàng chục cảnh sát đến nhà để đưa Phước đi, bà con ở hẻm 567 đường Đỗ Xuân Hợp mới biết anh ta là kẻ gây ra vụ cháy làm 5 mẹ con bà Lê Thị Huệ (70 tuổi) chết thảm.
Bất cẩn trong đun nấu, cháy nhà ngày 29 Tết
Theo thông tin ban đầu, khoảng 7h50 ngày 23/1 (nhằm 29 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), người dân phát hiện khói và ngọn lửa bốc lên tại căn bếp của nhà anh Nguyễn Đăng Khoa, ngụ phường 4, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long nên truy hô và điện thoại báo cho lực lượng chữa cháy đến hỗ trợ.
Cảnh sát đang phun nước dập lửa.
Nhận được tin báo, phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Vĩnh Long đã xuất 2 xe và gần 20 cán bộ chiến sỹ, nhanh chóng đến hiện trường triển khai đội hình chữa cháy.
Do nơi đây có chứa nhiều vật dụng dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát.
Căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ nên việc tiếp cận và dập tắt đám cháy gặp nhiều khó khăn. Bằng các biện pháp chữa cháy hiệu quả, sau 15 phút đám cháy được dập tắt.
Rất may vụ cháy không có thiệt hại về người, nhưng căn bếp đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bất cẩn trong sử dụng lửa đun nấu.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt phòng, chống bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán
Thủ tướng Chính phủ điện: Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và đã lan ra một số nước. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục bám sát diễn biến tình hình để đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam, sẵn sàng áp dụng kịp thời các biện pháp phù hợp với các tình huống dịch.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu; hướng dẫn kỹ các quy trình theo dõi, phát hiện, cách ly y tế, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ bệnh ngay tại các cửa khẩu, tại các địa phương. Ngăn chặn sớm nhất dịch bệnh không để lây lan và hạn chế thấp nhất tử vong trong trường hợp có dịch xâm nhập vào Việt Nam.
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế kiểm tra thân nhiệt và kê tờ khai y tế cho hành khách. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người dân, khách du lịch và người lao động về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống; đến ngay các cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, sẵn sàng ứng phó, triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch.
Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện quyết liệt sẵn sàng ứng phó với các tình huốc chống dịch và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Mức xử phạt mới nhất theo Nghị định 100 với những lỗi tài xế thường mắc phải dịp Tết
Nghị định 100 thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 bổ sung, tăng nặng nhiều hành vi vi phạm đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy.
1. Mức xử phạt cao nhất đối với người đi xe máy là vi phạm nồng độ cồn
Theo đó, Điểm e Khoản 8 Điều 6 quy định: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hành vi này Nghị định 46 chỉ xử phạt 3 - 4 triệu đồng.
Nhiều người lái xe ngày Tết thường sử dụng rượu, bia.
Ở mức thấp hơn, Nghị định phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46 chỉ xử phạt 1 - 2 triệu đồng.
Đáng chú ý nếu như Nghị định 46 trước đây vẫn cho phép tỷ lệ cồn nhất định thì nay Nghị định 100 xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 22 - 24 tháng.
2. Chạy quá tốc độ
Điểm e Khoản 2 Điều 5 quy định: Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h. Trước đây, Nghị định 46 chỉ xử phạt 100.000 - 200.000 đồng.
Điểm a Khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
Ở mức cao nhất, Điểm a Khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Nghị định 46 chỉ xử phạt 3 - 4 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 2 - 4 tháng.
3. Không đội mũ bảo hiểm
Điểm i Khoản 2 quy định: Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng đối với người điều khiển xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ. Nghị định 46 chỉ xử phạt 100.000 - 200.000 đồng.
Điểm k Khoản này cũng xử phạt người điều khiển xe chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Đi xe kẹp ba
Điểm l Khoản 2 quy định: Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng đối với người điều khiển xe Chở theo 02 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
5. Đi xe kẹp bốn
Điểm b Khoản 3 quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe chở theo từ 3 người trở lên trên xe.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 - 3 tháng.
6. Đi sai làn đường
Điển g Khoản 2 quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều).
7. Đi vào đường cấm
Điểm i Khoản 2 quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
8. Đi vào đường ngược chiều
Khoản 5 Điều này cũng quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
9. Vượt đèn đỏ
Điểm e Khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 - 3 tháng.
10. Sử dụng điện thoại, đeo tai nghe
Điểm h Khoản 4 quy định: Phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước GPLX từ 1 - 3 tháng.