Tin tức 24h: Phát hiện thi thể bé trai 9 tuổi dưới hồ nước sau 1 ngày "mất tích"

Bảo Anh. - Ngày 13/03/2022 19:14 PM (GMT+7)

Một ngày sau khi người nhà trình báo đến lực lượng chức năng về việc bé trai 9 tuổi tại TP Huế bị mất tích, đến ngày 13/3, người dân phát hiện nạn nhân nhỏ tuổi này đã tử vong dưới một hồ nước.

6 diễn biến

Phát hiện thi thể bé trai 9 tuổi dưới hồ nước sau 1 ngày "mất tích"

Khu hồ trái tim - nơi phát hiện thi thể cháu bé 9 tuổi tử vong nghi do đuối nước

Khu hồ trái tim - nơi phát hiện thi thể cháu bé 9 tuổi tử vong nghi do đuối nước

Khoảng 16h chiều 12/3, phát hiện con trai mất tích sau khi rời nhà, bố mẹ cháu Nguyễn Nam Ph. (sinh năm 2013, trú phường Phú Hội, TP Huế) đã đến công an phường Phú Hội trình báo.

Từ chiều tối cho đến khuya cùng ngày, nhiều người và lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm cháu bé, nhưng vẫn không có kết quả.

Đến sáng 13/3, người dân ra hồ sinh thái Trái Tim (phía sau Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh TT-Huế) tập thể dục thì phát hiện thi thể một nạn nhân nhỏ tuổi nên đã báo cho chính quyền địa phương.

Qua xác minh của lực lượng chức năng và người nhà, nạn nhân tử vong dưới hồ là cháu Ph. Thi thể cháu bé sau đó đã được người nhà đưa về gia đình để lo hậu sự.

Theo bà Võ Thị Anh Thư - Chủ tịch UBND phường Phú Hội (TP Huế), xác minh bước đầu của công an cho thấy, cháu Ph. tử vong dưới hồ có thể do bị đuối nước, không có dấu hiệu của một vụ án mạng.

Nguồn: https://tienphong.vn/phat-hien-thi-the-be-trai-9-tuoi-duoi-ho-nuoc-sau-mot-ngay-mat-tic...

Rau thịt tăng theo giá xăng, người tiêu dùng oằn lưng gánh

Kể từ cuối tháng 12/2021 đến nay, giá xăng đã có 7 lần liên tục tăng mạnh và lập đỉnh gần 30.000 đồng/lít vào ngày 11/3 vừa qua. Qua đó, giá nhiều hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, gas và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đã tăng lên.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Hà Nội như Mỹ Đình, Cầu Giấy, Nghĩa Tân,… giá nhiều mặt hàng thực phẩm tiếp tục "neo" ở mức cao. Cụ thể, bắp cải tăng từ 7.000 - 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ.

Các loại rau khác như rau ngót, cải canh tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng hiện có giá 8.000 - 10.000 đồng/mớ. Giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai 150.000 đồng/kg, thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Gà ta nguyên lông cũng tăng 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng theo biến động của giá xăng thời gian qua. (Ảnh: Thanh Phong)

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng theo biến động của giá xăng thời gian qua. (Ảnh: Thanh Phong)

Theo chị Liêm, tiểu thương tại chợ Mỹ Đình chia sẻ, dù đã trải qua nhiều biến động, tuy nhiên, lần tăng giá xăng này khiến giới kinh doanh "không đỡ nổi". Cụ thể, hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống vốn đã nhiều khâu trung gian, cộng thêm việc giá xăng tăng, việc kìm giá sẽ rất khó khăn.

"Hôm trước giá xăng tăng, hôm sau thương lái tăng giá các loại thịt, rau ngay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dám tăng giá quá cao, chỉ trong khoảng 5 – 10% mỗi mặt hàng. Điều quan trọng là mặt bằng giá quá cao, ước tính lượng bán ra giảm tới 30 – 40%. Trung bình người dân mỗi khi đi chợ sẽ mua khoảng 7 lạng đến 1kg thịt nhưng giờ chỉ khoảng 4 – 5 lạng", chị Liêm chia sẻ.

Không chỉ thực phẩm, thời gian gần đây, giá gas bán lẻ cũng tăng 3.500 – 4.000 đồng/kg, tương đương khoảng 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45kg, 2.184.500 đồng/bình 50kg...

Việc xăng, gas giá kéo theo nhiều loại nguyên, nhiên liệu khác tăng theo đã khiến các chủ đơn vị kinh doanh ăn uống lao đao bởi chi phí "đội" lên cao. Anh Lê Hòa, chủ một hệ thống nhà hàng tại Dương Đình Nghệ (Hà Nội) cho biết, trung bình một cơ sở sử dụng khoảng 10-15 bình gas loại 12kg/tháng.

Theo tính toán của anh Hòa, với mức giá hiện tại, hệ thống nhà hàng phải chi thêm từ 7-10 triệu đồng tiền gas/tháng. Ngoài ra, hàng loạt chi phí đầu vào và các nguyên liệu cũng liên tục tăng theo trong thời gian qua. Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến lượng khách hàng giảm, doanh thu tụt dốc không phanh.

"Giá cả thị trường tăng nhưng ít khách nên chúng tôi phải liên tục giảm giá, khuyến mại. Khoảng nửa tháng nay, lượng ca nhiễm tăng mạnh, thậm chí có tới một nửa số nhân viên là F0, chưa lúc nào xoay xở vất vả như lúc này. Doanh thu của hệ thống chắc chỉ đạt chưa được 50%", anh Hòa chia sẻ.

Nhận định về tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, việc các mặt hàng tăng theo giá xăng là tất yếu. Tuy nhiên, đối với mặt hàng rau củ quả, việc tăng giá còn do điều kiện thời tiết không thuận lợi thời gian qua khiến sản lượng giảm.

"Cách nói giá hàng hóa "té nước theo mưa" với giá xăng chỉ đúng một phần. Thời tiết đã dần ấm lên, sản lượng rau tăng, giá sẽ "dịu" bớt. Ví dụ khác là về thịt lợn, giá lợn hơi ở mức thấp, thậm chí liên tục giảm, trong khi giá bán lẻ vẫn cứ "bảo thủ". Như vậy, không thể đổ tại tất cả cho việc giá xăng được.

Giải pháp hiện tại cần làm ngay nằm ở việc tổ chức hệ thống phân phối, cắt bớt khâu trung gian. Hạ giá xăng bằng cách giảm các loại thuế phí đang chiếm tới hơn 40%, ngoài ra, việc tổ chức quản lý thị trường là rất quan trọng. Cần yêu cầu kê khai giá với các đơn vị bán giá quá cao, tăng giá bất hợp lý và có chế tài xử phạt", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Nguồn: https://danviet.vn/rau-thit-tang-theo-gia-xang-nguoi-tieu-dung-oan-lung-ganh-2022031315...

Giá vàng hôm nay 13-3: Biến động dữ dội trong tuần, dự báo tiếp tục tăng

Cuối tuần 13-3, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết phổ biến quanh 68,5 triệu đồng/lượng mua vào, 70,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Biên độ chênh lệch giá mua – bán tiếp tục được duy trì ở mức rất cao, tới 2 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch này, những người lướt sóng vàng sẽ rất rủi ro trong khi giá vàng biến động mạnh khó đoán.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch ổn định ở mức 55,8 triệu đồng/lượng mua vào, 56,8 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng PNJ cũng được giao dịch sát giá vàng trang sức, 55,8 triệu đồng/lượng mua vào, 56,9 triệu đồng/lượng bán ra. Biên độ giá mua - bán của giá vàng trang sức, giá vàng PNJ được giữ ở mức khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước đóng cửa tăng 1,2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước đối với vàng SJC và vẫn giữ được mốc 70 triệu đồng/lượng sau một tuần tăng giảm chóng mặt. Trong tuần, có thời điểm giá vàng SJC lập đỉnh chưa từng có 74,4 triệu đồng/lượng nhưng giảm trở lại vài triệu đồng/lượng ngay sau đó.

Biên độ dao động trong tuần lên tới 6-7 triệu đồng/lượng và có ngày giá vàng SJC tăng 4 triệu đồng rồi giảm 2-3 triệu đồng/lượng. Nhu cầu giao dịch trên thị trường đối với vàng SJC cũng tăng lên so với tuần trước.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay đóng cửa tuần giao dịch ở mức 1.991 USD/ounce, giảm khoảng 20 USD/ounce so với cuối tuần trước. Đỉnh lịch sử của giá vàng thế giới trong tuần qua lên tới 2.073 USD/ounce, rồi có thời điểm giảm về 1.970 USD/ounce.

Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/gia-vang-hom-nay-13-3-bien-dong-du-doi-trong-tuan-du-bao-tie...

TP HCM: Nhiều sinh viên nữ liên tục bị sàm sỡ trên xe buýt

Những ngày gần đây, trên các hội nhóm mạng xã hội của sinh viên liên tục có những bài viết phản ánh, cảnh báo nhau về vấn nạn "biến thái trên xe buýt". Những bài viết cảnh báo này thu hút sự quan tâm, chia sẻ rất lớn của cộng đồng mạng.

Sáng 11-3, H.T.T. (nhân vật đã được đổi tên), một nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã đăng trên Facebook việc bị một nam thanh niên quấy rối.

Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động sau đó, T. cho biết sự việc xảy ra vào chiều 10-3 khi T. đang đi trên chiếc xe buýt số 33 (từ trạm KTX Khu A ĐHQG TP HCM về trạm KTX khu B ĐHQG TP HCM).

"Lúc đó xe khá vắng, một nam thanh niên mang balo phía trước, tay xách theo bịch đồ lên xe ngồi xuống cạnh tôi. Lát sau, tôi cảm thấy đùi âm ấm. Nghi ngờ có người đụng chạm vào cơ thể mình nên tôi đưa tay xuống kiểm tra thì chạm phải tay người đó"- nữ sinh viên T. kể.

Khi phát hiện, T hét lên rồi đánh kẻ biến thái, còn người kia liên tục chối bỏ hành vi của mình. Sau khi bị nữ sinh viên "chất vấn", nam thanh niên lại đổ lỗi do T "ăn mặc mát mẻ" nên mới vậy.

Nhiều sinh viên nữ liên tục bị động chạm cơ thể trên xe buýt (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Nhiều sinh viên nữ liên tục bị động chạm cơ thể trên xe buýt (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Ngay sau bài viết của T. nhiều nữ sinh viên cho biết mình cũng từng là nạn nhân của quấy rồi. N.H (sinh viên Trường Đại Học Khoa học Xã Hội và Nhân văn TP HCM) kể đã rơi vào trường hợp tương tự hôm 12-3.

Cụ thể, khi N.H đang đi trên chiếc xe buýt số 8 để đến bến xe ĐHQG TP HCM, mặc dù còn rất nhiều ghế trống nhưng một nam thanh niên vẫn đi thẳng về phía H. và ngồi cạnh nữ sinh viên.

"Lúc đó tôi vừa nghe nhạc vừa chơi game nên tôi không chú ý lắm. Lúc sau, tôi cảm nhận được có người đang táy máy tay chân với mình. Tôi hoảng sợ lắm, muốn im lặng nhưng nếu vậy thì kẻ xấu lại có động lực đi làm bậy. Tôi lấy hết can đảm và huých mạnh một cái, người đó hoảng lên rồi đứng phắt dậy bấm chuông xuống xe" - N.H cho hay.

Một trường hợp khác, theo T.Đ.T.N. (cũng là nữ sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), mới đây bạn đi xe buýt qua quận 5, có một thanh niên lại ngồi bên cạnh và liên tục có hành động áp sát. Tới khi N. phản ứng quyết liệt thì kẻ này mới đứng dậy bỏ đi.

Ngay bên dưới các chia sẻ về tình trạng bị lợi dụng quấy rối, nhiều sinh viên nữ tỏ ra vô cùng lo lắng. "Mình rất bất an trước tình trạng này. Xe buýt là phương tiện đi lại chủ yếu của rất nhiều sinh viên, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và công việc, học tập của các bạn nữ" – tài khoản Ngọc Mai bày tỏ.

Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/tp-hcm-nhieu-sinh-vien-nu-lien-tuc-bi-sam-so-tren-xe-buyt-20...

Khánh Hòa: Triệt phá vụ mua bán lậu kit test Covid-19 của Trung Quốc

Bất ngờ kiểm tra một kho hàng trên địa bàn TP Nha Trang, Đội Phòng ngừa, đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện gần 4.000 kit test nhanh Covid-19 và khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc.

Theo đó, sau một thời gian theo dõi, nắm tình hình, chiều 9-3, các cán bộ Đội Phòng ngừa, đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ bất ngờ kiểm tra kho hàng trên đường Thống Nhất (phường Vạn Thắng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) do bà Võ Thị Như Lan (SN 1970) làm chủ.

Lực lượng chức năng đã phát hiện 3.900 bộ kit test Covid-19, 65.900 khẩu trang y tế các loại cùng 200 chai dung dịch sát khuẩn nhưng bà Lan đã không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này.

Bà Võ Thị Như Lan (SN 1970), chủ lô hàng kit test Covid-19 không giấy tờ hợp pháp

Bà Võ Thị Như Lan (SN 1970), chủ lô hàng kit test Covid-19 không giấy tờ hợp pháp

Gần 4.000 kit test lậu được phát hiện ở Nha Trang

Gần 4.000 kit test lậu được phát hiện ở Nha Trang

Bà Lan cũng thừa nhận từ tháng 11-2021 đã gom kit test Covid-19 từ nhiều tỉnh, thành phố về Nha Trang tiêu thụ. Mỗi bộ kit test Covid-19 được bán ra thị trường thu lợi 4.000-6.000 đồng/kit test.

Theo quan sát, những kit test có chữ Trung Quốc. Qua xem xét các kit test này có xuất xứ từ Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc.

Lô hàng kit test ghi xuất xứ từ Trung Quốc

Lô hàng kit test ghi xuất xứ từ Trung Quốc

Theo cơ quan công an, trước thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, bà Lan đã nhiều lần bán trót lọt kit test Covid-19 ra thị trường. 

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/khanh-hoa-triet-pha-vu-mua-ban-lau-kit-test-covid-19-cua-tru...

Chính phủ sẽ trình phương án giảm thuế với xăng dầu vào ngày 14-3

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12-2022.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.

Người dân xếp hàng chở đổ xăng trước kỳ điều hành giá ngày 11-3

Người dân xếp hàng chở đổ xăng trước kỳ điều hành giá ngày 11-3

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14-3 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14-3 về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.

Việc xây dựng phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Bộ Tài chính triển khai sau chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. Việc giảm thuế nhằm "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, khi mặt hàng này đã có lần thứ 7 tăng giá liên tiếp, đưa xăng RON95 gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước đến nay.

Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, cơ quan này đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết năm 2022.

Mức giảm trên không phải là phương án đầu tiên mà Bộ Tài chính đưa ra. Trước đó, cơ quan này đề nghị mức giảm thuế thấp hơn, tuy nhiên Bộ Công Thương và một số cơ quan đã đề nghị giảm mạnh hơn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết với mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như trên.

Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/chinh-phu-se-trinh-phuong-an-giam-thue-voi-xang-dau-vao-ngay...

COVID-19 13/3: Ca mắc tăng cao, cả trạm y tế là F0 khiến lực lượng càng thêm quá tải
Y tế cơ sở đang quá tải do nhân lực thiếu hụt, công việc đang bộn bề.

Dịch COVID-19

Bảo Anh. (t/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h