Liên quan đến vụ người phụ nữ tử vong bất thường ở xã Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên, TP.Hải Phòng, cơ quan công an cho biết đã bước đầu xác định được nguyên nhân.
Xác định nguyên nhân người phụ nữ tử vong trong quán cà phê tại Hải Phòng
Sáng 16/7, trao đổi với PV ĐS&PL, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Hải Phòng cho biết, đơn vị đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra vụ người phụ nữ tử vong bất thường ở xã Ngũ Lão, huyện Thuỷ Nguyên.
“Quá trình điều tra, qua khám nghiệm, bước đầu xác định nạn nhân tử vong do bệnh lý. Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với các đơn vị thuộc Công an TP Hải Phòng tiếp tục làm rõ vụ việc”, vị lãnh đạo này thông tin.
Hiện trường nơi phát hiện vụ việc.
Như đã đưa tin cùng ngày, một lãnh đạo UBND xã Ngũ Lão cho hay, người tử vong được xác định là bà H. (SN 1969, thường trú xã Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên). Bà H. mở quán cà phê trên địa bàn xã Ngũ Lão và ở 1 mình.
“Hai ngày nay, do không thấy bà H. ra khỏi nhà nên hàng xóm đã gọi điện báo người thân đến kiểm tra. Tối 15/7, khi mọi người vào nhà thì phát hiện bà H. đã tử vong”, vị lãnh đạo xã cho biết thêm.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Google vẫn chưa khắc phục ảnh vệ tinh để thể hiện rõ hình quốc kỳ Việt Nam tại Trường Sa
Ngày 16-7, phóng viên Báo Người Lao Động truy cập vào ứng dụng Google Maps và Google Earth tại vị trí quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), hình ảnh vệ tinh vẫn như cũ, mái nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn hiện màu trắng xóa, trong khi ứng dụng Apple Maps lại hiển thị hình cờ đỏ sao vàng.
Ngày 12-7 vừa qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã gửi email cho đại diện Google tại Việt Nam để trao đổi thêm thông tin về vụ việc, trong đó có thời điểm Google sẽ thay hình ảnh có chất lượng cao hơn tại vị trí quần đảo Trường Sa nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, ngày 11-7, đại diện Google khẳng định: "Google không làm mờ hoặc thay đổi hình ảnh vệ tinh được cung cấp bởi các đối tác thứ ba. Vấn đề liên quan đến hình ảnh đang hiển thị là do chất lượng ảnh kém và chúng tôi đang tiến hành các bước cần thiết để thay thế bằng ảnh có chất lượng tốt hơn".
Google vẫn chưa thay ảnh vệ tinh rõ cờ tổ quốc tại Trường Sa (ảnh trên) và ảnh cờ tổ quốc trên ứng dụng Apple Maps.
Lời giải thích này khiến nhiều người không thỏa mãn vì hình ảnh vệ tinh tại quần đảo Trường Sa hiện tại, vị trí cờ đỏ sao vàng của Việt Nam có dấu hiệu xóa trắng, chứ không phải "do chất lượng ảnh kém" như Google giải thích, bởi các mái nhà xung quanh vẫn có màu đỏ nhạt.
Vụ việc trên gây bức xúc cho dư luận vì liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Cũng liên quan tới vụ việc, ngay chiều 11-7, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do đã đề nghị Goolge nhanh chóng khắc phục hình ảnh quốc kỳ Việt Nam tại Trường Sa.
Tuy nhiên, đến nay đã qua 5 ngày, sự việc vẫn chưa được khắc phục.
Hình ảnh lá quốc kỳ của Việt Nam trên ảnh vệ tinh là tác phẩm bằng gốm sứ của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, xuất phát từ mong muốn ai cũng có thể nhìn thấy cờ đỏ sao vàng dù từ máy bay hay vệ tinh. Lá quốc kỳ trên được hoàn thành vào năm 2012, kích thước 12,4m x 25m (310m2) và vẫn đang hiện diện tại quần đảo Trường Sa.
Người đã phẫu thuật thẩm mỹ có bắt buộc phải làm lại căn cước công dân?
Theo Khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 quy định: Thẻ căn cước công dân gắn chíp được đổi trong các trường hợp:
Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân; Khi công dân có yêu cầu.
Ngoài ra, Điều 18 Luật Căn cước công dân cũng quy định nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân, trong đó, mặt trước thẻ có ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn…
Vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ... cũng được thể hiện ở mặt sau của thẻ căn cước.
Như vậy, những trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhân dạng thì phải thực hiện đổi căn cước công dân gắn chíp mà không cần phải đợi đủ tuổi mới đổi thẻ.
Việc thay đổi thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhân dạng thì phải làm lại Thẻ căn cước công dân. Ảnh minh họa.
Về thủ tục đổi Thẻ căn cước công dân, Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA nêu rõ, công dân đến cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ căn cước công dân.
Cán bộ công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; Thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung.
In phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên đồng thời thu lệ phí theo quy định và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.
Tiếp theo đó, cán bộ nhận hồ sơ sẽ thu lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, đổi thẻ căn cước công dân;
Thực hiện tra cứu tàng thư căn cước công dân để xác minh thông tin công dân (nếu có); Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân…
Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan công an lập danh sách, phối hợp với đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để thực hiện và công dân phải trả phí theo quy định.
4 sân bay chịu ảnh hưởng của bão số 1
Theo đó, các cảng hàng không dự kiến trong khu vực ảnh hưởng gần (gió giật, gió mạnh, mưa dông mạnh): Vân Đồn, Cát Bi. Các cảng hàng không có thể bị ảnh hưởng hoàn lưu bão (mưa lớn, gió mạnh): Nội Bài, Thọ Xuân.
Để chủ động ứng phó với bão số 1, đảm bảo an toàn hoạt động bay, người và tài sản tại các cảng hàng không, sân bay, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến khai thác bay, Cục Hàng không yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ theo Quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai trong ngành hàng không dân dụng và thực hiện nghiêm Quy trình ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới trong hoạt động hàng không dân dụng.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo tới người dùng.
Các cảng hàng không, các hãng hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tăng cường công tác phối hợp; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 1 để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp tại một số địa phương có ảnh hưởng trực tiếp của bão số 1 và đảm bảo tuyệt đối hoạt động bay. Cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động đến khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động bay, bảo vệ người và tài sản của đơn vị trước thiên tai.
Triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.