Ngay sau đợt không khí lạnh tăng cường vừa tràn xuống nước ta đêm qua (8/12), dự báo khoảng 11-12/12, miền Bắc tiếp tục đón không khí lạnh. Ngay sau đó, khoảng 16-18/12, một đợt không khí lạnh tiếp theo có thể tràn xuống.
7 diễn biến
Miền Bắc sắp đón nhiều đợt không khí lạnh liên tiếp
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Toàn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày tới, thời tiết của cả hai miền Nam, Bắc sẽ có nhiều biến động.
Đêm qua và hôm nay (8-9/12), do ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tăng cường yếu và lệch Đông nên thời tiết các tỉnh miền Bắc chuyển từ nắng hanh sang nhiều mây, có mưa vài nơi, riêng vùng đồng bằng và ven biển có mưa nhỏ rải rác. Khu vực Thanh Hoá đến Khánh Hoà, do kết hợp của không khí lạnh với hoạt động của trường gió Đông trên cao nên có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Từ sáng nay (9/12), nền nhiệt các tỉnh Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ, vùng núi 10-13 độ, vùng núi cao dưới 8 độ. Riêng khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế 16-18 độ.
Ông Toàn cho biết, khoảng 2-3 ngày tới, đợt không khí lạnh này sẽ suy yếu và ổn định. Tuy nhiên, ngay sau đó, khoảng đêm 11 đến ngày 12/12 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường tác động xuống miền Bắc nước ta khiến làm nền nhiệt tiếp tục giảm. Dự báo khoảng đêm 13 đến ngày 14/12, nhiệt độ miền Bắc xuống còn 12-15 độ, vùng núi từ 9-11 độ, vùng núi cao có thể dưới 7 độ. Tiếp sau đó, khoảng ngày 16-18/12, tiếp tục có đợt không khí lạnh nữa.
Mùa đông năm nay đến sớm. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các đợt rét đậm, rét hại diện rộng có thể tập trung trong thời gian từ nửa cuối tháng 12/2021 đến tháng 2/2022. Nền nhiệt của mùa đông năm nay cũng được nhận định thấp hơn so với mùa đông năm ngoái.
Trong khi đó, theo chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày tới, tại vùng biển phía Nam có thể xuất hiện một xoáy thuận nhiệt đới (bão/áp thấp nhiệt đới), gây ra nhiều biến động thời tiết ở khu vực này.
Nguồn: https://tienphong.vn/mien-bac-sap-don-nhieu-dot-khong-khi-lanh-lien-tiep-post1399949.tp... Nguồn: https://tienphong.vn/mien-bac-sap-don-nhieu-dot-khong-khi-lanh-lien-tiep-post1399949.tpo
Sức khoẻ của ông Nguyễn Đức Chung ra sao sau đợt điều trị tại bệnh viện?
Chiều 9/12, trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Nguyễn Văn Tú (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Nguyễn Đức Chung) cho biết, tình hình sức khỏe thân chủ sau đợt điều trị ở bệnh viện về cơ bản ổn định. Ông Chung vẫn có bệnh trong người, phải dùng thuốc nhưng có thể tham gia tranh tụng ngày mai.
Ngoài ra, người bào chữa cho biết từ nơi tạm giam, ông Chung có đơn gửi Chánh án TAND TP Hà Nội để trình bày một số quan điểm liên quan vụ án.
Ông Nguyễn Đức Chung.
"Tôi thấy có khá nhiều nội dung trong bản cáo trạng truy tố ông Chung chưa được làm rõ. Tại tòa, luật sư, kiểm sát viên cùng các bên liên quan sẽ nêu ra những vấn đề này để HĐXX xem xét một cách toàn diện", luật sư Nguyễn Văn Tú nói.
Còn trong đơn đơn khiếu nại gửi đến Chánh án TAND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung nêu ra 8 điểm mà ông cho rằng, Viện kiểm sát buộc tội ông gây thiệt hại cho UBND TP Hà Nội là sai.
Từ các ý kiến trên, ông Chung đề nghị Chánh án TAND TP Hà Nội, cho trưng cầu giám định nhiều nội dung, trong đó có việc trưng cầu để xác định rõ thiệt hại là bao nhiêu? Số tiền lãi chính đáng mà bị can Nguyễn Trường Giang được hưởng có phải là thiệt hại của vụ án hay không? Ông cam đoan các nội dung trình bày trong đơn là đúng, nếu sai ông sẽ chịu trách nhiệm.
Theo cáo buộc, từ năm 2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước sông, hồ trên địa bàn bằng cách tìm công nghệ phù hợp. Là người đứng đầu thành phố, ông Chung chỉ đạo miệng ông Nguyễn Tiến Hùng để Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic, thay vì nhập khẩu trực tiếp từ Công ty Watch Water (nước Đức) như chỉ đạo bằng văn bản.
Khi Công ty Thoát nước Hà Nội chưa ký hợp đồng mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Arktic, ông Chung yêu cầu Võ Tiến Hùng ứng trước tiền của gia đình chuyển cho bị can Nguyễn Trường Giang 4,6 tỉ đồng.
Cáo trạng xác định, Công ty Arktic do Nguyễn Trường Giang nắm 60% cổ phần, một cá nhân khác 40%. Tuy nhiên, cả hai người này đều đứng tên sở hữu cổ phần thay cho bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Chung). Bởi vậy, Công ty này được cơ quan tố tụng xác định là doanh nghiệp của gia đình ông Chung.
Từ những chỉ đạo của ông Chung, Công ty Arktic được độc quyền phân phối chế phẩm Redoxy 3C. Từ năm 2016 - 2019, doanh nghiệp này đã ký 15 hợp đồng bán tổng cộng 489 tấn chế phẩm làm sạch nước cho Công ty Thoát nước Hà Nội, qua đó hưởng lợi 36,1 tỷ đồng.
Phiên sơ thẩm ông Nguyễn Đức Chung về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" sẽ diễn ra ngày mai (10/12). Cùng hầu tòa có 2 đồng Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty Arktic.
Ông Chung có 5 luật sư tham gia bào chữa; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Nguồn: https://tienphong.vn/suc-khoe-cua-ong-nguyen-duc-chung-ra-sao-sau-dot-dieu-tri-tai-benh... Nguồn: https://tienphong.vn/suc-khoe-cua-ong-nguyen-duc-chung-ra-sao-sau-dot-dieu-tri-tai-benh-vien-post1399856.tpo
Cục Thuế Hà Nội: Một cá nhân thu 100 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube
Thông tin trên Trí thức trực tuyến, cục Thuế Hà Nội cho biết từ đầu năm đến tháng 11, đơn vị này đã thu được 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Có 5 nhóm đối tượng thương mại điện tử, gồm:
Nhóm 1: Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…).
Nhóm 2: Cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến (online).
Nhóm 3: Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng.
Nhóm 4: Tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài.
Nhóm 5: Doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada...), điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển.
Cục Thuế Hà Nội đã chủ động từng bước kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hoạt động thương mại điện tử. (Ảnh minh họa)
Từ đầu năm đến tháng 11/2021, cục Thuế Hà Nội thu 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Trong đó, nhóm 1 là nhóm đóng góp số thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử rất tốt. Cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh, người nộp thuế đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý, số thuế đã nộp là 56,1 tỷ đồng.
Với nhóm 2, cục Thuế Hà Nội đã xác minh được 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế. Cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế bán hàng online, đôn đốc nộp 12,1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai rà soát 2.056 cơ sở bán hàng online trên địa bàn Hà Nội.
Với nhóm 3, cơ quan thuế đã triển khai rà soát, xác minh được 49 chủ cơ sở thuộc đối tượng quản lý thuế.
Tại nhóm 4, cơ quan thuế quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức.
Với nhóm 5, cơ quan thuế tiến hành phân loại, tổ chức triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân này thực hiện đăng ký thuế, nộp thuế…
Đáng chú ý, có một cá nhân đã kê khai, nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng.
Như vậy, theo tính toán, cá nhân phải đóng 11 tỷ đồng tiền thuế ở trên (gồm 7 tỷ cho thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, 4 tỷ bị phạt do chậm nộp thuế) ước thu được khoảng 100 tỷ đồng từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube.
Ông Viên Viết Hùng, Phó cục trưởng Cục thuế Hà Nội, cho biết trên báo Hà Nội mới, đối với doanh nghiệp, tổ chức có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài, cơ quan thuế đã quản lý theo luật và doanh nghiệp cũng đã tự giác thực hiện.
Hiện tại, cục Thuế Hà Nội tập trung hướng dẫn nhóm các cá nhân/hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ bởi đây là đối tượng khó quản lý hơn.
Đến thời điểm này có thể khẳng định cục Thuế Hà Nội đã chủ động từng bước kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình đối với hoạt động thương mại điện tử.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/cuc-thue-ha-noi-mot-ca-nhan-thu-100-ty-dong-tu-google-f... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/cuc-thue-ha-noi-mot-ca-nhan-thu-100-ty-dong-tu-google-facebook-youtube-a521804.html
Quả đặc sản Hà Tĩnh rớt giá do ảnh hưởng dịch COVID-19
Từ đầu tháng 12 dương lịch là thời điểm cam Khe Mây (ở Hương Khê, Hà Tĩnh) bắt đầu chín rộ. Vào thời gian này những năm trước thương lái từ khắp các nơi đổ xô về giành nhau thu mua, trong khi hiện tại, dù đã chính vụ nhưng khách mua vẫn thưa thớt, vắng bóng, mặc dù giá cam giảm gần nửa so với năm trước.
Cam Khê Mây, đặc sản huyện miền núi Hà Tĩnh.
Xã Hương Đô, huyện Hương Khê được xem là "thủ phủ" của cam Khe Mây, với hơn 300 hộ trồng khoảng 360 ha. Những năm trước mỗi gia đình có thể thu về hàng trăm triệu, có nhiều hộ thu về hàng tỷ đồng nhờ loại cam đặc sản này.
Theo bà Nguyễn Thị Hương (xã Hương Đô), nguyên nhân khiến cam rớt giá, khó bán hơn là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Những năm trước, thời điểm này nhiều thương lái đã về tận vườn để đặt cọc nguyên gốc cam, thế nhưng năm nay do dịch bệnh nên lượng thu mua giảm hẳn. Cam hiện tại đang vào vụ chính, hi vọng dịp giáp Tết Nguyên đán có thể tiêu thụ tốt hơn", bà Hương nói.
Cũng thấp thỏm vì giá liên tục xuống thấp, chị Hà (xã Hương Đô) cho biết, 1 ha cam của chị đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng hiện tại rất ít thương lái ghé mua. Một số trái chín sớm, chị nhờ con gái đăng bán. Năm nay vườn cam được mùa nhưng chị Hà chỉ thu hoạch cầm chừng.
"Giá cam Khe Mây những năm trước giao động từ 40.000-50.000/kg. Năm nay giá giảm rất thấp, khoảng 20.000-25.000/kg, nhưng lượng tiêu thụ rất chậm", chị Hà cho hay.
Tại huyện Hương Khê, thời điểm này người nông dân cũng đang chăm sóc vườn cam để tập trung cho ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cam đang rớt giá mà dịch COVID-19 vẫn đang căng thẳng. Nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Đô, cho biết, toàn xã hiện có hơn 300 hộ dân trồng cam, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
"Giá cam Khe Mây năm nay giảm mạnh, lượng tiêu thụ cũng ít. Nguyên nhân do đợt dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, thương lái không đến thu mua nên dẫn đến tình trạng trên", ông Sơn nói.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Vinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: "Trước đây cam Khe Mây tập trung chủ yếu tại xã Hương Đô, nhưng những năm gần đây huyện đã xây dựng thương hiệu cam Khe Mây cho toàn huyện. Sản lượng năm 2021 ước đạt hơn 14.000 tấn, giá trị sản xuất 360 tỷ đồng. Riêng năm nay giá cam đang giảm mạnh, nguyên nhân chính là do dịch bệnh COVID-19".
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/qua-dac-san-ha-tinh-rot-gia-do-anh-huong-dich-covid-19-169211... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/qua-dac-san-ha-tinh-rot-gia-do-anh-huong-dich-covid-19-169211209072950402.htm
Có ông trùm chưa lộ diện của đường dây cờ bạc 87.000 tỉ đồng?
Ngày 9-12, một nguồn tin xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt để tạm giam Huỳnh Long Bạch (SN 1991), Nguyễn Đắc Quý (SN 1994, cùng ngụ quận Gò Vấp), Huỳnh Long Nhu (SN 1993, ngụ quận Tân Bình) và Phạm Thị Mai Ngân (SN 1985, ngụ quận Phú Nhuận) cùng 39 người khác về 2 tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc".
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Huỳnh Long Bạch cùng những đối tượng điều hành đường dây cờ bạc 87.000 tỉ đồng thừa nhận là những người điều hành chính. Tuy nhiên, Huỳnh Long Bạch, Phạm Thị Mai Ngân cùng nhiều kẻ khác khai rằng vẫn dưới trướng một ông trùm người Ấn Độ. Vậy kẻ chủ mưu, đứng đầu này là ai, thân thế ra sao?
Công an đang làm rõ lời khai quan trọng của các đối tượng
Theo lời khai của nhóm này, người đàn ông ngoại quốc này tên Mohit (SN 1991, quốc tịch Ấn Độ). Mohit chính là kẻ điều hành Swiftonline.live. Sau khi đồng bọn sa lưới thì trang Swiftonline.live cũng bị đánh sập và hiện Mohit không rõ đã xuất cảnh hay còn lẩn trốn. Liên quan đến lời khai quan trọng này, Công an TP HCM tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ từng chi tiết của vụ án.
Ngày 4-11, sau nhiều tháng ròng rã theo dõi, Ban Chuyên án đã cho "cất vó" bắt các đối tượng. Tuy nhiên, 2 sàn giao dịch Swiftonline.live và Nagaclubs lại bất ngờ ngưng hoạt động và Huỳnh Long Nhu (SN 1993, ngụ quận Tân Bình) và Phạm Thị Mai Ngân (SN 1985, ngụ quận Phú Nhuận) tính cao chạy xa bay ra nước ngoài.
Trước tình hình này, Ban Chuyên án đã ém quân để tiếp tục giữ vững kế hoạch. Ngay trong chiều 5-11, khi nhận được tin sàn giao dịch tiếp tục hoạt động, Ban Chuyên án đã ra quân đồng loạt, tạm giữ Phạm Thị Mai Ngân, Huỳnh Long Nhu và 57 đối tượng khác trong trường hợp phạm tội quả tang. Khi đồng bọn sa lưới, Huỳnh Long Bạch và Nguyễn Đắc Quý cũng bỏ trốn và bị bắt tại quận 7.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP HCM cho biết khi phá án đã triển khai 20 tổ trinh sát đặc nhiệm với hành trăm cán bộ, chiến sĩ có cả cảnh sát cơ động mới bắt được quả tang. Số đối tượng trong vụ án bị bắt gần như trọn vẹn và công an đang tiếp tục đấu tranh, củng cố hồ sơ để xử lý tiếp.
Băng nhóm này phạm tội rất tinh vi, sử dụng siêu công nghệ "Blockchain", lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối, được liên kết với nhau.
Ngoài ra, các đối tượng còn dùng thủ đoạn người tham gia đánh bạc phải tạo tài khoản, liên kết ngân hàng mua tiền ảo với lời hứa nếu thua sẽ được quỹ bảo hiểm hoàn trả. Người chơi còn bị đổi sàn, đổi sòng và có người còn bị mất tiền khi thực hiện giao dịch.
Khi số lượng người tham gia nhiều, các đối tượng sẽ cho đánh sập trang web để chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiền ảo và tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan chức năng. Việc phá án đòi hỏi phải có trí tuệ, mày mò, học hỏi và áp dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ.
Bước đầu xác định đây là đường dây cờ bạc qua mạng do Huỳnh Long Bạch và Nguyễn Đắc Quý cầm đầu. Khi khám phá vụ án, công an thu giữ tang vật trị giá gần 21 tỉ đồng, trong đó có 2,9 tỉ đồng tiền mặt, nhiều máy tính xách tay, điện thoại cùng các giấy biên nhận, sổ hồng, hợp đồng mua bán đất đai, giấy chứng nhận kinh doanh.
Bước đầu, Công an TP HCM xác định quy mô đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng của nhóm đối tượng trên có số tiền giao dịch hơn 3,8 tỉ USD - tương đương 87.612 tỉ đồng. Công an TP HCM đánh giá đường dây cờ bạc này hoạt động cực kỳ tinh vi, nhiều mắc xích và sử dụng nhiều phương thức ma mãnh để lách luật.
Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/co-ong-trum-chua-lo-dien-cua-duong-day-co-bac-87000-ti-don... Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/co-ong-trum-chua-lo-dien-cua-duong-day-co-bac-87000-ti-dong-20211209103216324.htm
Tin tức 24h: Xử vụ án liên quan Tịnh thất Bồng Lai, nhiều YouTuber tập trung trước cổng tòa án
Chiều 9-12, TAND tỉnh Long An mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Châu Vĩnh Hóa (46 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) về tội "Cố ý gây thương tích" liên quan vụ náo loạn tại "Tịnh thất Bồng Lai".
Rất nhiều YouTuber và người dân tụ tập bên ngoài tòa án
Từ đầu giờ chiều, hàng trăm YouTuber, người dân hiếu kỳ từ nhiều địa phương đã tập trung trước cổng TAND tỉnh Long An để theo dõi phiên tòa. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, TAND tỉnh không cho phép những người này được vào theo dõi trực tiếp phiên tòa. Chỉ những người được triệu tập liên quan vụ án, có giấy mời của tòa án mới được dự.
TAND tỉnh Long An đã huy động lực lượng bảo vệ, công an làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp và CSGT để ổn định tình hình. Nhiều người không thể vào dự vẫn kiên nhẫn ở phía ngoài theo dõi, chờ kết quả phiên tòa. Gần 15 giờ, phiên tòa mới bắt đầu.
Trước đó, vào tháng 10-2019, ông Võ Văn Thắng, cha của cô gái tên Diễm My (SN 1999) cùng nhiều người trong họ hàng đến hộ gia đình bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để tìm con. Địa điểm của hộ bà Cúc được ông Lê Tùng Vân lấy tên là "Tịnh Thất Bồng Lai", sau đó đổi thành "Thiền am bên bờ vũ trụ". Dù hoạt động dưới danh nghĩa tu hành nhưng thực chất đây là cơ sở thờ tự bất hợp pháp, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Long An đã nhiều lần vào cuộc xử lý.
Lực lượng công an được điều đến để bảo vệ bên ngoài phòng xét xử
Nhóm của ông Thắng khi tới tìm con gái đã xảy ra mâu thuẫn, lời qua tiếng lại với một số người trong "Tịnh thất Bồng Lai". Lúc này, ông Lê Thanh Nhị Nguyên cầm chiếc xe đồ chơi bằng nhựa ném trả lại, trúng tay bà Châu Vĩnh Hóa - người đi cùng nhóm gia đình ông Thắng.
Do bức xúc vì bị tấn công, bà Hóa cầm miếng gạch men vỡ ném vào nhóm người trong hộ bà Cúc khiến ông Nguyên bị thương tích 13%.
Bị cáo Hóa trước tòa
Ngày 15-4-2021, TAND huyện Đức Hòa mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Châu Vĩnh Hóa 2 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích", buộc bồi thường gần 9 triệu đồng cho bị hại.
Trong khi đó, ông Nguyên yêu cầu bị cáo Hóa phải bồi thường trên 3,3 tỉ đồng liên quan đến việc bị hại chăm sóc sức khỏe, nuôi bệnh, tiền đầu tư dự án âm nhạc, tiền luyện tập thể hình, phẫu thuật thẩm mỹ, không thể biểu diễn nghệ thuật, tổn thất tinh thần…
Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/xet-xu-vu-an-lien-quan-tinh-that-bong-lai-nhieu-youtuber-t... Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/xet-xu-vu-an-lien-quan-tinh-that-bong-lai-nhieu-youtuber-tap-trung-truoc-cong-toa-an-20211209173820099.htm
Vụ cô gái bị sát hại, đốt xác phi tang: Thông tin bất ngờ về nghi phạm
Sáng 9/12, Pháp Luật TP.HCM dẫn thông tin từ phòng Cảnh sát Hình sự công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tiếp tục điều tra Trần Thanh Hải (thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) liên quan vụ án giết người, cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản gây xôn xao dư luận hai ngày qua.
Công an cho biết, ngày 19/12/2020, do mâu thuẫn tranh chấp đất giáp ranh hai nhà giữa chị Danh Thị Hạnh Minh (40 tuổi) và Trần Thanh Hải (32 tuổi, thôn Quảng Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức), Hải đã dùng dao chém chị Minh gây thương tích 7%.
Hải bị cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Ngày 22/6, TAND huyện Châu Đức tuyên phạt Hải 12 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày 19/10, cấp phúc thẩm TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên phạt Hải chín tháng tù và chờ thi hành án.
Khu vực phát hiện nghi phạm cùng thi thể nạn nhân. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Thông tin về sự việc, Người Lao Động cho hay, ngày 7/12, chị Danh Thị Hạnh M. cùng với chị Đặng Thị Kim O. và anh Trần Trọng B. cùng một người nữa chạy 2 xe máy đến trước nhà Hải, gọi Hải ra để lấy đồ để quên.
Cả 2 bên xảy ra mẫu thuẫn, Hải đã cầm dao đuổi và gây thương tích cho chị M. Thấy vậy, chị O. xông vào giải cứu thì bị Hải đâm nhiều nhát vào người.
Chị M. được anh B. đưa đi cấp cứu, chỉ còn mỗi O. ở lại hiện trường, Hải đã dùng xăng đốt chiếc xe máy của nhóm chị O. và kéo nạn nhân lại gần đống lửa rồi bỏ vào nhà.
Khi người thân của chị O. chạy đến hiện trường thì phát hiện chị O. đang nằm trong đống lửa, người này bỏ xe máy lại, chạy đi tìm người cứu.
Trong lúc này, Hải lấy nước ra dập lửa rồi dùng bao tải quấn thi thể chị O., cho lên chiếc xe máy của người thân chị O. bỏ tại hiện trường rồi bỏ trốn.
Hải bỏ thi thể chị O. vào căn nhà hoang sau đó đi vứt xe máy, rồi quay lại đưa nạn nhân vào giấu bên trong một chiếc giếng cạn gần nhà hoang.
Khi phát hiện ra việc bị công an truy tìm, biết không thể bỏ trốn, Hải đã gọi điện cho công an để ra đầu thú.
Khi tìm được chị O. dưới giếng cạn, cơ quan điều tra xác định, chị O. đã tử vong, cơ thể bị đốt cháy.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/vu-co-gai-bi-sat-hai-dot-xac-phi-tang-thong-tin-bat-ngo... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/vu-co-gai-bi-sat-hai-dot-xac-phi-tang-thong-tin-bat-ngo-ve-nghi-pham-a521888.html