Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho rằng việc mình bị tố hiếp dâm nữ nhân viên "chỉ là hiểu nhầm, thông tin tố cáo đã được rút lại".
Bị tố cưỡng hiếp nhân viên, Phó giám đốc Sở ở Thái Nguyên nói "hiểu nhầm"
Sáng nay (5/8), trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Viện KSND TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo ông Đ.D.A., Phó giám đốc Sở KH&ĐT cưỡng hiếp nữ nhân viên tại phòng làm việc.
Theo đó, khoảng 13h30, ngày 3/8, một nữ nhân viên của Sở KH&ĐT Thái Nguyên được ông Đ.D.A., Phó giám đốc Sở này nhắn tin, gọi điện sang phòng làm việc. Khi nữ nhân viên này đến phòng, ông Đ.D.A. đã kéo nữ nhân này vào phòng ngủ, khóa cửa phòng lại, sau đó ôm vật nữ nhân viên này ra giường mà không được sự đồng ý của nạn nhân.
Sau một hồi vật lộn, chống cự nữ nhân viên này đã chạy thoát được ra ngoài thông báo cho các đồng nghiệp và lãnh đạo Sở biết sự việc. Sự việc sau đó cũng đã được nữ nhân viên này trình báo đến các cơ chức năng TP Thái Nguyên ngay trong chiều tối 3/8. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng thu được 2 chiếc dây chun buộc tóc và nhiều sợi tóc dài... nghi là của nạn nhân.
(Ảnh minh họa)
Trưa 5/8, trao đổi với PV, ông Đ.D.A, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Vụ việc ông bị tố hiếp dâm nữ nhân viên cấp dưới tại phòng làm việc "chỉ là hiểu nhầm".
“Hôm đó, tôi có tiếp khách và uống chút rượu tại nhà. Khi đến cơ quan tôi gọi nữ nhân viên này lên phòng nhờ gọt hoa quả và pha nước để mời anh, em trong cơ quan đến phòng chơi. Tuy nhiên, nữ nhân viên này nói đây là việc của văn phòng, mình không có trách nhiệm phải làm việc này.
Sau đó, tôi và cô ấy có xô đẩy nhau trong phòng của tôi. Trong lúc trêu đùa tôi đã có một số hành động quá trớn khiến bạn ấy hiểu nhầm.
Ngay sau đó, bạn nữ này đã mở cửa chạy thẳng đến Công an phường gần cơ quan để trình báo vụ việc”, ông Đ.D.A nói.
Cũng theo ông Đ.D.A., sau đó lực lượng chức năng cũng đã đến khám nghiệm hiện trường, thu giữ kính mắt và nhiều sợi tóc của nữ nhân viên bị rơi tại phòng.
"Đây chỉ là hiểu nhầm, đúng là tôi có một số hành động không đúng mực, vi phạm quy chế ứng xử tại cơ quan. Hiện nay, sau khi tôi giải thích rõ vụ việc, bạn nữ trên đã rút lại thông tin tố cáo. Hôm nay, tôi vẫn đến cơ quan làm việc bình thường.
>> Xem thêm: Bị tố cưỡng hiếp nhân viên, Phó giám đốc Sở ở Thái Nguyên nói "hiểu nhầm"
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0) muốn rút tiền, ngân hàng xử lý ra sao?
Bà N.M.Q. Hương (TP HCM) thuộc diện F0 đang bị cách ly. Vừa qua, bà liên hệ đến Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đề nghị hỗ trợ rút online một phần tiền trong sổ tiết kiệm, nhưng ngân hàng từ chối và đề nghị bà Hương cầm sổ ra chi nhánh để thực hiện.
Bà N.M.Q. Hương đã gửi câu hỏi qua Cổng TTĐT Chính phủ, ngân hàng làm như vậy có đúng không? Trường hợp của bà cần thực hiện thủ tục như thế nào?
Khách hàng F0 sẽ được hỗ trợ giao dịch online
Tiếp nhận phản ánh của công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 5152/NHNN-CSTT gửi Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam để giải đáp câu hỏi của công dân. Sau khi kiểm tra thông tin khách hàng, Phòng Chính sách và sản phẩm huy động vốn – Khối Khách hàng cá nhân – Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam đã thông tin về việc trả lời công dân là F0 đang bị cách ly như sau:
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam đã thực hiện hỗ trợ khách hàng N.M.Q. Hương chuyển đổi hình thức thanh toán sang online, khách hàng đã thực hiện tất toán thành công vào ngày 29/7/2021.
Sau khi hết thời gian điều trị, khách hàng ra quầy giao dịch để thực hiện bổ sung và ký các chứng từ để hoàn tất giao dịch.
Nhiều “quý bà” tụ tập đánh bạc trong thời điểm giãn cách xã hội
Ngày 5/8, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, chiều qua, nhận tin báo của người dân về việc có một nhóm người đang tụ tập tại căn nhà của một người đàn ông ở ấp 2 (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) nên lực lượng chức năng đến kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện và thu giữ 60 bộ bài tứ sắc, 1 bộ bài tây, tạm giữ 9 máy. 18 đối tượng tham gia đánh bài, trong đó có nhiều người là phụ nữ đã được lực lượng y tế lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2 tại chỗ và có kết quả âm tính.
Những người này đều được lấy mẫu test nhanh với SARS-CoV-2 và đều âm tính
Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, đề xuất Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt đối với 18 đối tượng có hành vi phạm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, với mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Hiện vụ việc đang được công an điều tra, làm rõ.
221.000 đồng 1 ký nhãn lồng Hưng Yên ở Singapore
Trao đổi với PLO, bà Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Fruit, đơn vị xuất khẩu nhãn lồng cho biết, hôm nay (4-8), 500kg nhãn lồng Hưng Yên đã đáp máy bay tại Singapore. Trong đó có 300kg được cắt cành và đóng hộp theo quy cách, số còn lại để cành tự nhiên theo nhu cầu của khách hàng.
Bà Huyền cho biết hiện nhãn lồng Hưng Yên đang được bán ở Singapore với giá 13 SGD/kg, tương ứng với 221.238,13 đồng.
Đơn vị xuất khẩu này cũng đánh giá cao tiềm năng của sản phẩm tại thị trường Singapore khi thông tin 500 kg nhãn lần này đa số đều có đơn đặt hàng của khách trước khi lô nhãn cập bến.
Nhãn lồng Hưng Yên xuất khẩu sang thị trường Singapore có giá 221.000 đồng/kg
"Sau sự thành công của dự án Mận Hậu Ruby Sơn La, khách hàng quốc tế hiện nay đang rất quan tâm đến các loại trái cây được xây dựng thương hiệu một cách bài bản và chuyên nghiệp, ngoài ra còn được kiểm tra chất lượng, đóng gói bảo quản một cách chu đáo trước khi đến tay người tiêu dùng.
Tuy sản lượng xuất khẩu chưa quá nhiều nhưng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á thì lô nhãn xuất khẩu này là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt Nam. Nó chứng minh rằng nông sản Việt Nam vẫn có thể vươn mình ra thế giới trong giai đoạn khó khăn" - vị CEO này cho biết.
Để xuất khẩu được nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường "khó tính", Mia Fruit cho hay đơn vị phải tuyển chọn kĩ lưỡng theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu của mặt hàng trái cây cao cấp.
Cụ thể, sản phẩm phải là của nhà vườn đạt tiêu chuẩn trồng của tỉnh và có giấy chứng nhận Vietgap, nhãn sau khi thu hoạch được chiếu xạ chống ký sinh trùng để phù hợp với từng thị trường xuất khẩu khác nhau, có giấy kiểm định về dư lượng thuốc trừ sâu khi thu hoạch.
Đặc biệt, việc chọn lọc trái luôn kỹ từ khâu thu hoạch - phân loại - đóng gói đến vận chuyển để đảm bảo chất lượng từng trái nhãn.
Tại thị trường Việt Nam, hiện nhãn lồng Hưng Yên đang được bán lẻ với giá 115.000 đồng-140.000 đồng/kg. Trước đó, sàn thương mại điện tử Shopee cũng mở bán nhãn lồng Hưng Yên chín sớm loại 1 với giá 135.000 đồng/kg tại thị trường TP.HCM.
Một số gian hàng khác tại sàn Lazada, Sendo giá nhãn lồng cũng dao động trên 115.000 đồng/kg, chưa bao gồm phí ship.