Khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025, nhiều người sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng lương hưu lần thứ 3. Đó là những đối tượng nào?
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 sẽ điều chỉnh tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.
Theo Điều 67 và khoản 2 Điều 99 Luật BHXH 2024 sẽ tiếp tục thực hiện điều chỉnh lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Không tăng lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi theo sự điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2025.
Khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025, nhiều người sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng lương hưu lần thứ 3. Ảnh minh họa: TL
Trước đó, theo Nghị định 75/2024 của Chính phủ, từ 1/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau:
Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định nêu trên là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Như vậy, từ 1/7/2024 đã chính thức tăng lương hưu 2 lần vượt hơn 15% cho người nghỉ hưu trước năm 1995 nhưng có mức lương hưu mới dưới 3.500.000 đồng/tháng.
Từ 1/7/2025, khi Luật BHXH mới có hiệu lực sẽ tăng lương hưu lần thứ 3 cho những người có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định của pháp luật BHXH, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động khi còn làm việc.
Chia sẻ trên VietnamNet, Chuyên gia lao động tiền lương Bùi Sỹ Lợi (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, những người về hưu trước năm 1995 có mức lương hưu thấp so với mặt bằng chung. Do vậy, Nhà nước tiếp tục tăng lương hưu cho họ thể hiện chính sách ưu đãi đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn này.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, cải cách tiền lương là quá trình tích lũy của nhiều năm mà trong đó thế hệ trước tích lũy cho thế hệ bây giờ. Nguồn quỹ 560.000 tỷ đồng từ quỹ BHXH là quá trình tích lũy của thế hệ trước, nếu tăng lương không phù hợp thì không đảm bảo công bằng với người về hưu.
Việc điều chỉnh tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.