Đó là chia sẻ của anh Phạm Trường Sơn về vấn đề kêu gọi từ thiện vào tài khoản cá nhân. Anh Sơn là người có kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xã hội và các hoạt động phát triển cộng đồng.
Hoạt động kêu gọi quyên góp cứu trợ miền Trung mùa mưa bão làm nổ ra những cuộc tranh cãi lớn khi nhiều cá nhân thực hiện không minh bạch, dẫn đến những lùm xùm về dòng tiền đổ về cũng như cách sử dụng.
Sau trận bão Noru, chủ đề kêu gọi từ thiện lại một lần nữa nóng lên khi một số cá nhân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã lập tức đứng ra kêu gọi với kế hoạch đi hỗ trợ người dân miền Trung sau bão. Điều gây tranh cãi chính là những bài kêu gọi này nhất loạt hướng vào tài khoản cá nhân. Một lần nữa, câu hỏi về tính minh bạch lại được đặt ra khi tiền của các mạnh thường quân được gửi về tài khoản cá nhân thì việc quản lý, công khai, minh bạch sẽ như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về hoạt động kêu gọi từ thiện vào tài khoản cá nhân, chúng tôi đã liên hệ với anh Phạm Trường Sơn, người có kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác xã hội và các hoạt động phát triển cộng đồng. Anh Sơn hiện là Giám đốc của Quỹ Tình thân, tổ chức với mô hình tiết kiệm tín dụng, tăng cường năng lực tài chính cho người dân, đồng thời từng đảm nhận vai trò Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN, chuyên hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận, tình nguyện viên và nhà tài trợ để thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Anh Phạm Trường Sơn - Người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động công tác xã hội
Thưa anh! Theo quy định hiện hành, việc kêu gọi từ thiện vào tài khoản cá nhân cần đảm bảo những yêu cầu như thế nào?
Bản thân tôi cũng đang làm từ thiện với tài khoản cá nhân nên hiểu rõ được vấn đề này. Hiện tại dù đã có Nghị định 93 và Thông tư của Bộ Tài chính nhưng vẫn khó đưa vào thực tế vì đây là quy định trong trường hợp xảy ra thiên tai, với những tổ chức xã hội, cộng đồng thì chưa cụ thể. Đồng thời chủ yếu với các tổ chức có pháp nhân chứ người dân muốn làm từ thiện thì tự minh bạch.
Quá trình kêu gọi từ thiện vào tài khoản cá nhân của anh diễn ra như thế nào?
Tôi hiện đang sử dụng tài khoản đồng sở hữu, đứng tên một bạn khác cùng làm trong team để kêu gọi. Việc này để minh bạch số tiền. Còn lại sẽ lập 1 nhóm 5 bạn tình nguyện viên chuyên quản lý và điều hành quỹ này.
Tất cả đều được minh bạch trên website cả nội bộ lẫn bên ngoài, để các mạnh thường quân dễ theo dõi. Những báo cáo, tổng kết, công khai rõ ràng về số tiền được gửi về, sử dụng cho việc gì, hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu đều được đưa lên…
Thời gian gần đây, có một số tranh cãi về việc kêu gọi quyên góp đổ về một tài khoản cá nhân. Anh có nhận định như thế nào về điều này?
Nhìn nhận ở góc độ cá nhân, tôi thường sẽ nghi ngờ chuyện kêu gọi quyên góp vào tài khoản cá nhân bởi 2 lý do:
Một là liệu họ có đánh bóng tên tuổi hay có mong muốn, mục đích tốt đẹp khi làm từ thiện hay không?
Hai là nếu họ không có chuyên môn làm từ thiện thì nếu kêu gọi quá nhiều từ cộng đồng sẽ dẫn đến bị vượt quá sức lực, tầm kiểm soát…từ đó dẫn đến những cách xử lý mắc nhiều lỗi. Những minh chứng cụ thể cho việc mất kiểm soát do số tiền gửi qua quá nhiều có thể kể đến như: MC Phan Anh, ca sĩ Thuỷ Tiên…và những trường hợp sau này cũng vậy.
Hoạt động cứu trợ miền Trung mùa mưa bão thường được các mạnh thường quân ủng hộ nhiệt thành.
Từ kinh nghiệm của một người làm công tác xã hội lâu năm, theo anh, giải pháp nào cho các cá nhân muốn kêu gọi từ thiện vào tài khoản cá nhân?
Theo tôi, cá nhân nên kết hợp với một tổ chức có chuyên môn, thiết kế thông điệp rõ ràng, kế hoạch cụ thể…và “win - win” cả hai bên (nghĩa là cả hai phía đều có thể hoàn thành tốt vai trò của mình - PV). Người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đến công chúng sẽ đứng ra kêu gọi, thu hút được sự quan tâm của các mạnh thường quân, còn những tổ chức xã hội có chuyên môn sẽ làm tốt công việc triển khai giúp đỡ, công khai tính minh bạch một cách chuyên nghiệp và rõ ràng nhất. Đồng thời người kêu gọi từ thiện nên trực tiếp đến tìm hiểu, chia sẻ nỗi đau, hoàn cảnh khó khăn với bà con để hỗ trợ đúng người, đúng hoàn cảnh.
Một số hoa hậu, người nổi tiếng vấp phải làn sóng tranh cãi vì kêu gọi quyên góp từ thiện vào tài khoản cá nhân
Theo thông tin từ Nghị định 93 có quy định về việc cá nhân kêu gọi từ thiện vào tài khoản ngân hàng riêng:
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định 93, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.