Khi đại dịch diễn ra đã khiến cho rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, thậm chí đình trệ hoạt động. Tuy nhiên một khi đại dịch kết thúc, sẽ có những ngành nghề phát triển thăng hoa, đem lại thu nhập rất cao.
1. Ngành nghề dịch vụ F&B
Nghề dịch vụ F&B là viết tắt của Food and Beverage, tức là dịch vụ thực phẩm và đồ uống. Nghề dịch vụ F&B nói chung là tập hợp những công việc liên quan đến kinh doanh đồ ăn, thức uống, dưới nhiều hình thức khác nhau như nhà hàng, khách sạn, quán ăn nhỏ, bar, vũ trường,... Trước khi đại dịch xảy ra, ở Việt Nam thì nghề dịch vụ F&B vẫn đang có sự phát triển không ngừng với các loại hình dịch vụ kinh doanh đồ ăn, thức uống dành cho những khách hàng đến trực tiếp hoặc khách hàng order dịch vụ giao hàng tận nhà.
Tuy nhiên khi đại dịch diễn ra, đất nước bị phong tỏa để chính phủ có thể dập dứt điểm được dịch bệnh. Vì thế mà các nhà hàng, khách sạn, quán ăn đều không được phép phục vụ khách hàng đến trực tiếp mà chỉ có thể phục vụ từ xa thông qua dịch vụ giao đồ ăn đến tận nhà. Chính vì vậy mà doanh thu của ngành F&B bị sụt giảm khá mạnh. Thế nhưng giờ đây đại dịch ở Việt Nam đã được kiềm chế ở mức thấp nhất, tạo điều kiện cho bình thường mới cuộc sống. Nhờ đó mà ngành F&B có sự trở lại mạnh mẽ.
Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành dịch vụ F&B của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn từ năm 2021-2026. Do đó khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thị trường F&B cực kỳ hấp dẫn, tạo ra nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập vô cùng cao. Với vị trí giám đốc thu nhập có thể từ 30 - 50 triệu đồng/tháng, còn vị trí quản lý cũng dao động từ 15 - 30 triệu đồng/tháng.
2. Ngành nghề quản lý công việc từ xa
Với dịch bệnh hoành hành khắp thế giới, khiến cho nhiều người khó có thể đến công ty để làm việc. Để tránh tình trạng công việc bị trì hoãn ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển của công ty mà nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cho nhân viên làm việc online tại nhà. Chính vì thế mà nghề quản lý công việc từ xa được ra đời với mục đích kiểm soát và quản lý chất lượng công việc từ những nhân sự không đến làm việc trực tiếp.
Trong tương lai khi đại dịch kết thúc sẽ dự báo sự gia tăng nhu cầu làm việc tại nhà nhiều hơn của nhân viên. Do đó mà nghề quản lý công việc từ xa sẽ là một công việc hot với mức thu nhập hấp dẫn, được nhiều công ty tuyển dụng. Đây là xu thế hiện tại mà nhiều quốc gia theo đuổi để giúp nhân viên thoải mái tâm lý sau những ngày tháng chống chọi với dịch bệnh, giải tỏa stress hiệu quả mà vẫn đảm bảo năng suất công việc.
3. Ngành nghề du lịch
Với sự hoành hành của đại dịch vừa qua thì ngành du lịch là ngành có lẽ bị chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo như thống kê, năm 2020 lượng du khách tới nước ta đã giảm tới gần 80% so với các năm trước dịch, thậm chí lượng khách nội địa còn giảm mất 34%. Bên cạnh đó có tới 90% các doanh nghiệp du lịch không thể hoạt động, 10% hoạt động lay lắt, cầm chừng. Rất nhiều người lao động làm trong lĩnh vực du lịch như hướng dẫn viên, lễ tân, nhân viên phục vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng,... đã phải chuyển nghề khác do không có thu nhập.
Tuy nhiên hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt, khách du lịch trong và ngoài nước sẽ tìm đến du lịch như để giải tỏa cơn khát khi bị giữ chân không đi đâu trong suốt 2 năm qua. Nhờ đó mà du lịch Việt Nam đã có thể hồi phục và phát triển mạnh mẽ trở lại. Dự báo mức thu nhập cho các vị trí như quản lý tour du lịch dao động từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, hướng dẫn viên du lịch dao động từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, những vị trí khác cũng có mức thu nhập hấp dẫn xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng.
Do đã có nhiều lao động rời bỏ ngành du lịch để tìm kiếm việc làm khác trong những năm dịch bệnh đã khiến cho ngành này đang rất khát nhân sự. Vậy nên đây là cơ hội tốt để bạn có thể tìm kiếm một công việc có mức thu nhập hấp dẫn hơn.
4. Ngành nghề chăm sóc sắc đẹp
Nghề chăm sóc sắc đẹp luôn gắn liền cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Khi mà đời sống người dân càng cao thì họ càng có xu hướng chú ý tới các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như là tập gym, spa,… Từ đó khiến những trung tâm tập gym hay spa xuất hiện nhiều như nấm, mang lại doanh thu khủng theo từng năm. Tuy nhiên khi đại dịch bỗng bất ngờ ập đến, đất nước bị phong tỏa khiến cho những cơ sở chăm sóc sắc đẹp bị liệt vào danh sách không thiết yếu và buộc phải đóng cửa.
Việc bị đóng cửa bất ngờ, cộng thêm chi phí vận hành các cơ sở spa, trung tâm gym là khá lớn khiến cho những người làm chủ phải lao đao, nhân viên phải điêu đứng khi không có việc làm. Trong khi trước khi đại dịch diễn ra, mức lương của những nhân viên làm dịch vụ này luôn ở mức cao. Rất nhiều cơ sở spa phải chuyển đổi hình thức hoạt động sang online để tư vấn cho khách hàng từ xa.
Tuy nhiên khi dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân lại có thể ra ngoài và tìm tới các cơ sở chăm sóc sắc đẹp như trước kia. Nhờ vậy mà ngành nghề này có cơ hội hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trở lại. Dự báo khi mà đại dịch chấm dứt hoàn toàn, những người lao động làm trong các ngành chăm sóc sắc đẹp sẽ có được mức thu nhập hấp dẫn, tốt hơn so với trước đại dịch, có thể lên tới 15 - 20 triệu đồng/tháng đối với nhân viên, và khoảng 30 - 40 triệu đồng/tháng đối với quản lý.
5. Ngành nghề chăm sóc sức khỏe tại nhà
Nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe chưa bao giờ là lỗi thời, luôn luôn cần thiết và được nhiều người tìm kiếm. Khi đại dịch xảy ra, số lượng người bệnh tới cơ sở y tế khám chữa bệnh gia tăng khủng khiếp, tạo nên gánh nặng vô cùng lớn đối với các cơ sở y tế, khiến nhiều bệnh nhân không có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Chính vì lẽ đó mà nghề chăm sóc sức khỏe tại nhà có cơ hội phát triển cực kỳ rực rỡ. Người bệnh không cần tốn công sức để xếp hàng đến khám bệnh, chưa kể chưa chắc đã có thể khám được nếu cơ sở y tế đông đúc. Từ đó người bệnh sẽ được chăm sóc một cách tốt nhất, đảm bảo sức khỏe tuyệt đối mà không cần phải đi xa.
Mặc dù có cơ hội việc làm tuyệt vời và mức thu nhập rất cao, tuy nhiên lực lượng nhân viên y tế lại đang thiếu hụt khá nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng tốt để đáp ứng nguồn cung, từ đó mới có thể mang tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.