Ngày 23/2, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP. HCM ) và dự án “Bạn hữu trẻ em” TP. HCM đã công bố kết quả cuộc khảo sát tìm hiểu về việc tiếp nhận thông tin cũng như khắc phục những vướng mắc trong công tác tiêm chủng hiện nay trên địa bàn.
Theo Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến, đại diện nhóm khảo sát cho biết, dự án đã tiến hành khảo sát các cha mẹ đưa con dưới 36 tháng tuổi đi tiêm chủng tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP.HCM nhằm xác định những rào cản khiến cha mẹ không cho trẻ đi tiêm chủng hoặc tiêm không đủ mũi cũng như xác định các kênh truyền thông được cha mẹ tiếp cận về các vấn đề tiêm chủng.
Trẻ em được tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM - Ảnh: Th.Tâm
Qua khảo sát và hỏi trực tiếp 2.160 đối tượng tại 24 quận huyện cho thấy, trong vòng 1 năm qua, 87% cha mẹ có tìm hiểu thông tin về tiêm chủng, trong đó nhân viên y tế là kênh thông tin mà phụ huynh tiếp cận nhiều nhất. Thông tin về lịch tiêm chủng được phụ huynh tìm kiếm nhiều nhất, tiếp đó là loại vắc xin, lợi ích tiêm chủng, độ an toàn…
Kết quả, 50% được hỏi cho rằng vắc xin miễn phí và vắc xin dịch vụ tốt như nhau; 39% cho rằng vắc xin dịch vụ tốt hơn; 92% cha mẹ đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin miễn phí.
Đáng chú ý, 76% câu trả lời trong tổng số 2.160 đối tượng được khảo sát cho rằng có những khó khăn khiến họ ngại ngần khi quyết định cho con đi tiêm chủng, trong đó lo ngại nhiều nhất là những phản ứng sau tiêm, tiếp đó là lo ngại về sự an toàn của vắc xin.
Do đó, Bác sĩ Đinh Thị Hải Yến cho rằng, việc truyền thông rõ ràng về phản ứng sau tiêm, sự an toàn của vắc xin cần được tăng cường nhiều hơn để cha mẹ yên tâm khi quyết định cho con đi tiêm chủng.